A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BRICS đang trở thành động lực chính của kinh tế thế giới; Đức thắt chặt tiêu chí nhận trợ cấp thất nghiệp

Đại sứ Nga tại Trung Quốc Igor Morgulov cho biết, các nước BRICS đang trở thành động lực chính của nền kinh tế thế giới.

Tin nóng thế giới

BRICS đang trở thành động lực chính của nền kinh tế thế giới. Đại sứ Nga tại Trung Quốc Igor Morgulov cho biết, Nhóm Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) đang trở thành động lực chính của nền kinh tế thế giới và tích cực tham gia định hình chương trình nghị sự toàn cầu.

Trong BRICS không có thế lực thống lĩnh dẫn đầu. Thông qua cố gắng chung, chúng tôi đã tạo lập được phong cách văn hóa đối thoại trong BRICS dựa trên sự tôn trọng con đường phát triển của nhau, có tính đến lợi ích của nhau. Điều đó giúp các thành viên tìm thấy điểm chung và giải pháp cùng chấp nhận để tháo gỡ những vấn đề phức tạp nhất", ông Morgulov nói.

Đại sứ lưu ý, “rõ ràng các nước BRICS đang trở thành động lực chính của nền kinh tế thế giới”.

Theo đánh giá sơ bộ, chỉ số tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình ở các nước BRICS trong năm nay vẫn cao hơn đáng kể so với mức trung bình của thế giới. Tổng GDP của nhóm đã vượt hơn GDP của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai”, Đại sứ thông tin thêm.

Đức thắt chặt tiêu chí nhận trợ cấp thất nghiệp. Tờ Süddeutsche Zeitung đưa tin, Liên minh cầm quyền của Đức đang nỗ lực thắt chặt các tiêu chí đối với những người nhận trợ cấp thất nghiệp.

"Chính phủ Liên bang muốn khuyến khích nhiều người nhận trợ cấp thất nghiệp tiếp tục làm việc bằng cách thắt chặt các quy định”, tờ Süddeutsche Zeitung dẫn các tài liệu cho hay.

Đặc biệt, hiện nay đối với những người làm việc dưới 6 giờ/ngày, thời gian di chuyển đi làm và về nhà là 2,5 giờ và đối với những người làm việc trên 6 giờ/ngày là 3 giờ. Ngoài ra, những người nhận trợ cấp đang tìm việc làm sẽ phải trực tiếp báo cáo với cơ quan chức năng mỗi tháng một lần.

Được biết, khoản thanh toán trợ cấp thất nghiệp hàng tháng cho mỗi người lên tới 563 Euro. Ngoài công dân Đức, người tị nạn Ukraine cũng có quyền nhận khoản thanh toán này.

Cử tri Pháp đi bỏ phiếu vòng hai. Pháp đã tiến hành vòng hai cuộc bầu cử Quốc hội (Hạ viện) với cuộc đối đầu mang tính quyết định giữa ba khối chính trị lớn nhất, gồm đảng Tập hợp Quốc gia (RN) và các đồng minh, liên minh Mặt trận Bình dân Mới (NFP) và liên minh đa số sắp mãn nhiệm của Tổng thống Emmanuel Macron.

Có khoảng 49,5 triệu cử tri đăng ký tham gia bỏ phiếu vòng 2 này. Trên 1.000 ứng cử viên tham gia cạnh tranh 501 ghế còn lại trong tổng số 577 ghế tại Quốc hội, sau khi đã có 76 ứng cử viên trúng cử trong vòng một.

Theo kết quả vòng một của cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 30/6 mà Bộ Nội vụ Pháp công bố, đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) đang dẫn đầu khi giành được 37 ghế. Theo sau là NFP - liên minh các đảng cánh tả - giành được 32 ghế, trong khi liên minh trung tả của Tổng thống đương nhiệm Macron chỉ giành được 2 ghế.

Hamas nhượng bộ về đàm phán Dải Gaza; Ai Cập, Mỹ và Israel tổ chức tham vấn

Đức thắt chặt tiêu chí nhận trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: Pixabay

Tổng thống đắc cử Iran sẽ tuyên thệ vào tháng 8. Truyền thông nhà nước Iran đưa tin, Tổng thống đắc cử Masoud Pezeshkian sẽ tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội vào đầu tháng 8.

Sau lễ tuyên thệ nhậm chức, ông Masoud Pezeshkian sẽ trở thành tổng thống thứ 9 của Iran.

Ông Mojtaba Yosefi, thành viên ban điều hành Quốc hội Iran, cho biết: “Lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống sẽ được tổ chức vào ngày 4 hoặc 5/8. Tổng thống sẽ có 15 ngày để đệ trình Quốc hội danh sách các bộ trưởng dự kiến trước khi cơ quan này bỏ phiếu tín nhiệm”.

Theo quy định, tổng thống đắc cử của Iran phải tuyên thệ trước Quốc hội trước khi chính thức nhậm chức. Lễ tuyên thệ diễn ra sau khi tổng thống đắc cử nhận được sự chứng thực chính thức từ lãnh tụ tối cao của nước cộng hòa Hồi giáo này.

Một số thông tin liên quan đến xung đột ở Trung Đông

Hamas nhượng bộ về đàm phán Dải Gaza. Lực lượng Hamas đã tỏ rõ sự “nhượng bộ lớn” khi từ bỏ yêu cầu Israel phải ngừng bắn vĩnh viễn, để chấp nhận đề xuất ngừng bắn mới nhất của Mỹ.

Các bên đều khẳng định, đây là một bước ngoặt, tiến bộ lớn để Israel và Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin theo 3 giai đoạn. Tuy nhiên, việc đàm phán vẫn đang diễn ra và các bên vẫn còn nhiều việc phải làm.

Các nguồn tin từ Hamas vừa xác nhận, ngoài việc từ bỏ yêu cầu Israel ngừng bắn vĩnh viễn, Hamas cũng đồng ý với đề xuất đàm phán trả tự do cho các con tin, bao gồm cả binh sĩ và những người đàn ông khỏe mạnh, sớm hơn đề xuất ban đầu. Cụ thể là 16 ngày sau giai đoạn đầu tiên của dự thảo thỏa thuận ngừng bắn.

Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi phương Tây gây áp lực lên Israel. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, nên gây áp lực lên Israel về việc giải quyết vấn đề ở Dải Gaza và từ chối sự hỗ trợ của nước này.

"Israel không được tiếp tục tấn công Dải Gaza nữa. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước phương Tây, phải tăng áp lực lên Israel. Chính Israel đang chà đạp lên luật pháp quốc tế, và hiện đang đe dọa Lebanon bằng hành động trừng phạt”, ông Erdogan nói.

Theo ông, Thổ Nhĩ Kỳ ngay từ đầu đã ủng hộ một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Israel-Hamas dựa trên giải pháp hai nhà nước trong đường biên giới năm 1967. “Đây là điều sẽ đảm bảo hòa bình vĩnh viễn”.

Ai Cập, Mỹ và Israel tổ chức tham vấn về Dải Gaza. Kênh truyền hình Al-Qahira al-Ikhbariya đưa tin, các cuộc tham vấn về giải pháp ở Dải Gaza giữa đại diện của Ai Cập, Mỹ và Israel sẽ được tổ chức vào tuần tới tại Cairo.

Theo nguồn tin cấp cao trong chính phủ Ai Cập, “Ai Cập sẽ tổ chức các phái đoàn của Israel và Mỹ để thảo luận về các vấn đề còn tồn tại liên quan đến thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza”. Ai Cập cũng sẽ tiếp tục tham vấn với các đại diện của Hamas như một phần trong nỗ lực của Cairo nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin. Các cuộc đàm phán sẽ được tổ chức với tất cả các bên trong tuần tới để tăng cường nỗ lực đạt được thỏa thuận giữa các nhóm cực đoan ở Dải Gaza và Israel.

Giám đốc CIA tới Qatar đàm phán về Dải Gaza. Cổng thông tin Axios cho biết, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns sẽ tới Doha vào tuần tới để đàm phán về lệnh ngừng bắn và thả con tin ở Dải Gaza.

Theo đó, ông sẽ gặp Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani, Giám đốc tình báo Mossad của Israel David Barnea và Giám đốc tình báo Ai Cập Abbas Kamel để cố gắng đạt được thỏa thuận.

Được biết, các quan chức Israel và Mỹ lạc quan hơn trước về khả năng đạt được thỏa thuận với Hamas. Theo các nguồn tin, điểm bất đồng chính hiện nay là Hamas muốn có sự đảm bảo từ Mỹ, Ai Cập và Qatar rằng các cuộc đàm phán về giai đoạn hai của thỏa thuận có thể tiếp tục mà không bị giới hạn thời gian trong khi giai đoạn một đang được thực hiện.

Hezbollah tấn công căn cứ quân sự của Israel. Hezbollah cho biết, lực lượng này đã không kích kết hợp bắn tên lửa Katyusha xuống căn cứ quân sự Nimra của Israel.

Tuyên bố của Hezbollah nêu rõ, động thái mới này nhằm đáp trả cuộc tấn công bằng UAV của Israel vào một chiếc xe hơi ở Baalbek của Lebanon, giết chết Meitham Mustafa al-Attar, người được Israel xác định là một nhân vật cấp cao trong lực lượng phòng không của Hezbollah.

Trong khi đó, Israel nhiều tuyên bố cho biết, đã tấn công một số địa điểm tại Dải Gaza. Trước hết, các lực lượng nước này đã tấn công một trường học của Cơ quan Liên Hợp Quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) nằm trong trại tị nạn Nuseirat (Dải Gaza) vì phát hiện các phần tử Hamas bên trong, nhưng không giải thích chi tiết hoặc cung cấp bất kỳ bằng chứng nào.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :