A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương làm việc với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Cách đây gần 70 năm, các chuyến tàu tập kết đã chở hàng ngàn cán bộ, bộ đội, nhân dân... từ miền Nam ra miền Bắc. Địa bàn Hàm Tân – Xuyên Mộc được chọn làm khu vực tập kết 80 ngày cho lực lượng vũ trang nhiều địa phươn

Sáng 21-9, đoàn công tác Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương do ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trưởng Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương, làm Trưởng đoàn, có buổi làm việc với UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (BR-VT) về việc thu thập tư liệu, tài liệu và các kỷ vật liên quan đến cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và con em miền Nam tập kết ra Bắc.

Cách đây gần 70 năm, sau Hiệp định Genève (1954) các chuyến tàu tập kết đã chở hàng ngàn cán bộ, bộ đội, nhân dân... từ miền Nam ra miền Bắc. Địa bàn Hàm Tân – Xuyên Mộc được chọn làm khu vực tập kết 80 ngày cho lực lượng vũ trang nhiều địa phương.

Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương làm việc với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 1.

Đoàn công tác do nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, làm việc với lãnh đạo tỉnh BR-VT. Ảnh: Tấn Thạnh

Gần 10.000 cán bộ, bộ đội các tỉnh miền Đông đã tập kết về Hàm Tân – Xuyên Mộc để xuống tàu ra Bắc. Nhân dân Đất Đỏ, Long Điền đã thu mua ủng hộ hàng chục tấn gạo, thực phẩm cung cấp đủ cho lực lượng vũ trang chở chuyển quân. Đây là cuộc chuyển quân lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.

Theo đánh giá, quá trình hình thành và những đóng góp của đội ngũ tập kết và học sinh miền Nam trên đất Bắc là minh chứng hùng hồn, sống động cho chủ trương, đường lối đúng đắn của cách mạng Việt Nam trong việc đào tạo nguồn lực cán bộ, thực hiện Hiệp định Genève; xứng đáng có một bảo tàng để lưu giữ và truyền bá các giá trị đặc biệt tới nhân dân và khách tham quan.

Mục đích lớn nhất của bảo tàng là lưu giữ, trưng bày những tư liệu có liên quan đến sự kiện lịch sử quan trọng trong công cuộc dựng nước, giữ nước của nhân dân ta. Đồng thời, các tư liệu, hiện vật này góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết dân tộc và tinh thần vượt khó để trưởng thành, phát triển của con người Việt Nam, trong đó có những người tập kết và học sinh miền Nam.

Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương làm việc với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 2.

Tiến sĩ Phan Đình Nham, Phó Ban Xây dựng bảo tàng tập kết, góp ý về việc thu thập tư liệu, kỷ vật. Ảnh: Tấn Thạnh

Bào tàng tập kết được đặt trong lòng "Tượng đài chuyến tàu tập kết năm 1954" tại Sầm Sơn (Thanh Hoá), trưng bày một cách hệ thống những tài liệu, hình ảnh, kỷ vật được các cá nhân, tổ chức lưu giữ từ năm 1954 đến năm 1975 nhằm giúp người tham quan hiểu rõ và cảm nhận đầy đủ nhất có thể về sự kiện tập kết, về cuộc chuyển quân chiến lược toàn diện lớn nhất trong lịch sử Việt Nam trong thể kỷ 20, về những giá trị nhân văn gắn liền với sự kiện tập kết – con người tập kết.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương đã gợi ý các phương án để việc thu thập tài liệu, hình ảnh, kỷ vật được thuận lợi. Đó là tổ chức buổi gặp mặt những người tham gia tập kết hoặc gia đình những người liên quan, biết đến sự kiện này để trao đổi và lấy thông tin.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) tỉnh BR-VT, hiện nay việc xây dựng tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc đang được triển khai tại một số địa phương như Bình Định, Thanh Hóa, Cà Mau. Tại tỉnh BR-VT, Sở VH-TT đang đề xuất lựa chọn địa điểm xây dựng tượng đài tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc (gắn với lịch sử quốc gia - Bến Tàu không số Lộc An).

Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương làm việc với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 3.

Lãnh đạo sở, ban, ngành của tỉnh BR-VT trao đổi để việc thu thập tư liệu được thuận lợi. Ảnh: Tấn Thạnh

Sau khi được UBND tỉnh đồng ý về địa điểm, Sở VH-TT sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan  tổ chức thi thiết kế ý tưởng xây dựng tượng đài Chuyến tàu tập kết gắn với các nội dung liên quan đến Chuyến tàu không số.

Đối với nội dung thu thập tư liệu, tài liệu kỷ vật có liên quan đến chiến sĩ, đồng bào và con em miền Nam tập kết ra Sầm Sơn (Thanh Hoá) năm 1954, Sở VH-TT đã giao cho bảo tàng tỉnh làm đầu mối chủ trì, phối hợp với Hội Khoa học lịch sử tỉnh, thư viện tỉnh và các đơn vị có liên quan sưu tầm để cung cấp cho Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương.

Tại buổi làm việc, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị địa phương xác định rõ lại địa điểm tập kết một cách chính xác; đồng thời thu thập hình ảnh, tư liệu, tài liệu liên quan đến việc tập kết thông qua nhiều địa phương khác, hoặc những nhân vật lớn. Địa phương cũng cần chủ động liên lạc với ban liên lạc để cung cấp thêm các tư liệu phục vụ cho bảo tàng. Riêng việc xây dựng tượng đài hay phù điêu trong bảo tàng tỉnh, địa phương bàn bạc và thông tin lại với ban liên lạc.

Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương làm việc với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh 4.

Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT cho biết sẽ tạo điều kiện để việc thu thập tư liệu, kỷ vật được thuận lợi. Ảnh: Tấn Thạnh

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT, cho biết việc thu thập tư liệu, kỷ vật liên quan đến cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và con em miền Nam tập kết ra Bắc là việc làm thiết thực để cho thế hệ trẻ nắm bắt, tìm hiểu thêm về lịch sử, về những hy sinh của thế hệ cha, ông đi trước đã làm.

Qua buổi làm việc, tỉnh sẽ tiếp thu các ý kiến phát biểu của các thành viên trong ban liên lạc và sẽ chỉ đạo thành lập ban thu thập tư liệu, gặp gỡ thêm các nhân chứng lịch sử để thống nhất hỗ trợ, tạo điều kiện để ban liên lạc thu thập được các tài liệu một cách chính xác và hiệu quả nhất.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :