Bài toán bảo vệ người lao động trước nắng nóng ở Mỹ
Các đợt nắng nóng cực đoan thời gian qua đang làm dấy lên lo ngại về sức khỏe và sự an toàn của những người phải làm việc ngoài trời ở Mỹ.
Nỗi lo này càng tăng sau khi Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) ngày 14-8 cho biết thế giới đã trải qua tháng 7 nóng nhất trong 174 năm qua.
Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng rồi cho biết 600 người tử vong vì tác động của nắng nóng mỗi năm tại nước này, cao hơn số nạn nhân do lũ lụt, bão và lốc xoáy cộng lại.
Ông chủ Nhà Trắng đã chỉ thị Bộ Lao động tăng cường kiểm tra những nơi làm việc mà người lao động phải đối mặt rủi ro từ nhiệt độ cao như nông trại và công trường xây dựng.
Một người làm việc tại công trình xây dựng giữa lúc nhiệt độ cao ở TP Phoenix, bang Arizona - Mỹ hôm 28-7 Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, theo trang Channel NewsAsia, Mỹ hiện chưa có các tiêu chuẩn liên bang liên quan. Trong khi đó, các đề xuất bảo vệ người lao động vấp phải sự phản đối ở một số bang do Đảng Cộng hòa lãnh đạo.
Một số bang như California yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp nước, bóng mát và thời gian giải lao khi nhiệt độ vượt quá 35 độ C. Tuy nhiên, các biện pháp tương tự lại không được ủng hộ ở 2 bang Florida và Texas.
Sự phản đối này phần nào xuất phát từ các hiệp hội, như Liên đoàn Nông trại Mỹ, với lập luận rằng các quy định như thế có thể tạo thêm gánh nặng lên người sử dụng lao động.
Căng thẳng nhiệt có thể làm tăng nguy cơ sốc nhiệt (say nắng), đe dọa gây tử vong trong những trường hợp nghiêm trọng. Các nhà khoa học cho rằng tình hình sẽ tồi tệ hơn trong những năm tới.
Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet ước tính Mỹ phải chịu thiệt hại 100 tỉ USD mỗi năm từ sự suy giảm năng suất lao động do nắng nóng. Nếu không được kiểm soát, con số sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2050.