A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ba ý nghĩa quan trọng chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

Chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là sự kiện điểm nhấn quan trọng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng diễn ra vào dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21.9.1973 - 21.9.2023).

Ba ý nghĩa quan trọng chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng - Ảnh 1.

Tối 26-11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam đã tới thủ đô Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Nhà nước Nhật Bản. Ảnh: TTXVN

Trong chuyến thăm, Chủ tịch nước dự kiến sẽ hội kiến với Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản, hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, phát biểu chính sách tại Quốc hội Nhật Bản, gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Quốc hội, đại diện các giới chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa... và thăm tỉnh Fukuoka.

Chuyến thăm lần này là sự kiện điểm nhấn quan trọng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với 3 ý nghĩa chính.

Thứ nhất, chuyến thăm sẽ đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới thông qua đẩy mạnh hợp tác thực chất, hiệu quả hơn trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng - an ninh đến hợp tác địa phương, giao lưu nhân dân, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực hợp tác mới, phù hợp với lợi ích của cả hai bên.

Thứ hai, chuyến thăm góp phần củng cố sự tin cậy chính trị, tăng cường giao lưu, trao đổi mật thiết giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Với chuyến thăm lần này, cả 4 lãnh đạo cấp cao Việt Nam đều đã trao đổi, tiếp xúc với lãnh đạo Nhật Bản trong năm 2023 (từ đầu năm đến nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm (tháng 3-2023), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội đàm Thủ tướng Kishida Fumio (tháng 5-2023), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Otsuji Hidehisa (tháng 9-2023)).

Thứ ba, trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, chuyến thăm là sự khẳng định chính sách đối ngoại của Việt Nam tiếp tục coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài, mong muốn cùng Nhật Bản phát huy điểm đồng về lợi ích vì sự phát triển của mỗi nước cũng như trong việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác và phát triển ở khu vực.

"Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, thực chất và toàn diện trên các lĩnh vực trong thời gian tới"- Thứ trưởng tin tưởng.

Hợp tác kinh tế là trụ cột chính

Hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đang trong giai đoạn tốt đẹp và mật thiết nhất trong lịch sử, đơm hoa kết trái, đạt được thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, hợp tác kinh tế là điểm sáng với rất nhiều thành tựu nổi bật.

Nhật Bản hiện là nhà cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam (khoảng 30 tỉ USD), đối tác hợp tác lao động thứ 2, du lịch và đầu tư thứ 3 và thương mại thứ 4 của Việt Nam.

Chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lần này sẽ góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản trên các lĩnh vực.

Trong đó, tiếp tục xây dựng hợp tác kinh tế là trụ cột chính của quan hệ hai nước thông qua tăng cường hợp tác đầu tư, ODA, thương mại, lao động, đào tạo nguồn nhân lực..., qua đó giúp Việt Nam thực hiện ba đột phá chiến lược, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

Việt Nam mong muốn hai nước triển khai có hiệu quả chương trình ODA thế hệ mới, tiếp tục thúc đẩy hợp tác thu hút vốn vay ODA của Nhật Bản trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, ứng phó với biến đổi khí hậu, đào tạo nguồn nhân lực; thúc đẩy hợp tác đầu tư, thu hút vốn đầu tư thế hệ mới, chất lượng cao của doanh nghiệp Nhật Bản; tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bền vững của kim ngạch thương mại song phương; phối hợp nâng cao hiệu quả tận dụng và triển khai các thỏa thuận kinh tế giữa hai bên hoặc hai nước đều là thành viên như WTO, APEC, CPTPP, RCEP, AJCEP...; tăng cường hợp tác lao động, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới như công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :