ASIAD 19: Việt Nam thành công hay thất bại?
Kết thúc ASIAD 19, đoàn thể thao Việt Nam đoạt 3 HCV, 5 HCB và 19 HCĐ, xếp thứ 21 trong 45 đoàn thể thao tham dự. Đoàn thể thao Việt Nam bị nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á bỏ xa, chỉ đứng thứ 6 Đông Nam Á tại ASIAD 19
Chiều 9-10, tại cuộc họp báo do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tổ chức, phóng viên Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL và Cục TDTT nhận định kỳ ASIAD 19 vừa qua, đoàn thể thao Việt Nam thành công hay thất bại?
Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Cục trưởng Cục TDTT, cho rằng ASIAD 19 vừa rồi đoàn thể thao Việt Nam vừa có thành công nhưng cũng vừa có thất bại. Thành công là chúng ta đã đạt chỉ tiêu tối thiểu là giành HCV. Bên cạnh đó còn có các điểm sáng ở các đội tuyển bắn súng, bóng chuyền và một số nội dung khác. Thất bại ở đây là mặc dù đang đứng số 1 Đông Nam Á về huy chương nhưng so với các quốc gia ở Đông Nam Á thì Việt Nam lại ít HCV hơn. Ngoài ra, một số VĐV được kỳ vọng rất cao nhưng thành tích lại không được như mong muốn.
Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, phát biểu tại cuộc họp báo. (Ảnh: TRẦN HUẤN)
"Việc này tôi nghĩ rất là bình thường. Chúng ta đứng vị trí số 1 Đông Nam Á nhưng vươn ra châu Á phải cần có thời gian. Trước chúng ta, Thái Lan, Indonesia đứng đầu Đông Nam Á rất nhiều lần và hàng chục năm rồi... Trên cơ sở đúc kết các kinh nghiệm từ kỳ ASIAD 19 vừa rồi cũng như các kỳ ASIAD trước, cùng những thành công ở những kỳ SEA Games vừa qua, chúng tôi phấn đấu ở các kỳ ASIAD tới sẽ có thành tích tốt hơn để đáp ứng mong mỏi của người hâm mộ" - ông Nguyễn Hồng Minh nói.
Liên quan đến lùm xùm bớt xén tiền ăn, "giữ hộ tiền" tại đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, cho biết bộ xác định vụ việc này là bài học rất lớn, nhất là trong công tác huấn luyện. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho những người tham gia công tác huấn luyện, đào tạo VĐV trẻ nhưng chưa đặt mục tiêu, quan tâm việc đạo tạo huấn luyện, chiến lược bồi dưỡng cũng như đời sống của các VĐV mà còn có biểu hiện lo cho lợi ích cá nhân.
Về công tác xử lý, bà Thủy cho hay bộ đang chỉ đạo quyết liệt, sẽ giao cho các đơn vị liên quan làm rõ trách nhiệm. Qua đó, xử lý những bất cập, sai phạm nếu có để xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật, nhằm kịp thời chấn chỉnh, nâng cao chất lượng trong công tác huấn luyện các câu lạc bộ, đặc biệt đội tuyển bóng bàn trẻ.
"Chúng tôi cũng đưa ra thời hạn chốt ngày 20-10 về xử lý vụ việc này và khi có kết quả, chúng tôi sẽ thông tin đến cơ quan báo chí" - bà Thủy nói.
Còn theo ông Nguyễn Hồng Minh, đội tuyển bóng bàn tập trung từ tháng 1-2023, việc "giữ tiền hộ" của 3 VĐV (3 VĐV này mồ côi cha mẹ) diễn ra sau tháng 3. Theo tường trình của HLV trưởng Bùi Xuân Hà, thời gian trước có một số VĐV lên mạng mua đồ và bị lừa hết tiền. Tiền hằng tháng của 3 VĐV này sau đó được chuyển cho HLV trưởng Bùi Xuân Hà để "giữ hộ".
"Ngay sau khi phát hiện vụ việc này, chúng tôi đã yêu cầu HLV chuyển trả lại toàn bộ tiền "nhờ giữ hộ" cho các VĐV. Đã xử lý ngay, không có vấn đề gì cả" - ông Nguyễn Hồng Minh khẳng định.
Sau vụ việc tại đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia, có một số thông tin các đội tuyển khác cũng xảy ra tình trạng tương tự, ông Minh cho biết hiện Cục TDTT đang nắm bắt thêm thông tin và rà soát lại. Trên cơ sở rà soát, xác minh các thông tin liên quan, nếu phát hiện vi phạm, cục sẽ xử lý nghiêm.
Trước đó, báo chí có phản ánh việc các tuyển thủ bóng bàn trẻ quốc gia có dấu hiệu bị bớt xén, các tuyển thủ trẻ "ăn không đủ no". Các cơ quan liên quan sau đó đã vào cuộc xác minh. Toàn bộ ban huấn luyện của đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia sau đó bị đình chỉ, thay thế. HLV Bùi Xuân Hà thừa nhận có giữ tiền hằng tháng (từ 1 đến vài triệu đồng) của một số VĐV nhưng ông cho rằng mình chỉ "giữ hộ", cuối năm sẽ trả lại các em.
Đây không phải lần đầu HLV Bùi Xuân Hà vướng vào tranh cãi. Năm 2016, cũng tại đội bóng bàn trẻ quốc gia, một đoạn clip quay lại cảnh ông dùng cán chổi đánh một VĐV đang nằm sấp trên sàn nhà, xưng hô "mày tao".