A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Yếu tố nào đẩy giá vàng SJC vọt lên 70 triệu đồng/lượng?

Nếu giá vàng thế giới tiếp tục đi lên cùng với sức mua gia tăng ở thị trường trong nước, giá vàng SJC có thể tái lập mốc lịch sử 70 triệu đồng/lượng.

Ngày 10-10, giá vàng SJC được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng tiếp lên 69 triệu đồng/lượng mua vào, 69,7 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 150.000 đồng/lượng so với hôm qua. Tính chung vài ngày qua, giá vàng SJC đã tăng khoảng 700.000 đồng/lượng và chỉ còn cách mốc 70 triệu đồng/lượng một khoảng cách rất nhỏ. 

Tương tự, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại cũng nhảy vọt lên 56,3 triệu đồng/lượng mua vào, 57,2 triệu đồng/lượng bán ra, tăng thêm 50.000 đồng/lượng so với hôm qua. Chỉ trong 2 ngày, giá vàng nhẫn cũng nhảy vọt thêm 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng trong nước tăng khi giá thế giới tiếp tục đi lên 1.864 USD/ounce, tăng thêm 4 USD/ounce so với phiên trước (tương đương khoảng 55,2 triệu đồng/lượng).

Việc giá vàng trong nước cùng nhảy vọt, nhất là vàng SJC và nới rộng khoảng cách chênh lệch với giá vàng nhẫn, vàng trang sức cũng như giá thế giới, khiến nhiều người băn khoăn có nên mua vàng và vàng SJC còn tăng tiếp?

Yếu tố nào đẩy giá vàng SJC vọt lên 70 triệu đồng/lượng? - Ảnh 1.

Giá vàng SJC tiếp tục đi lên. Ảnh: Tấn Thạnh

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới NPJ, nhận định giá vàng thế giới tăng do tâm lý lo ngại từ xung đột giữa Israel - Hamas, từ đó thúc đẩy những nhà đầu tư mua vào nhiều hơn.

Ở trong nước, do ảnh hưởng từ giá vàng thế giới tăng, cả người dân lẫn doanh nghiệp cũng có tâm lý kỳ vọng giá vàng còn tiếp tục đi lên. "Đây là yếu tố chính khiến giá vàng trong nước tăng mạnh theo thế giới, cộng thêm việc nguồn cung khan hiếm của vàng SJC càng khiến giá vàng tăng những ngày qua" - ông Trọng nói.

Phân tích kỹ hơn, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho hay giá vàng SJC được niêm yết theo cung cầu nhưng do nguồn cung loại vàng này khan hiếm nên chỉ cần lượng người mua nhiều hơn là đẩy giá lên. 

Số liệu chưa đầy đủ nhưng theo giới kinh doanh vàng trong nước, ở thời điểm hiện tại quy mô của thị trường vàng SJC đã thu hẹp rất nhiều so với những năm trước nên chỉ cần quy mô giao dịch 300 - 500 lượng trong một phiên (tương đương khoảng 20-35 tỉ đồng) là có thể kéo giá SJC tăng. Ngược lại, khi nhu cầu bán cao hơn cũng số lượng trên, giá vàng SJC sẽ lao dốc. 

Theo các chuyên gia, một phần tiền gửi tiết kiệm tới kỳ đáo hạn nhưng lãi suất giảm nên họ có thể dịch chuyển sang vàng và các kênh đầu tư khác có mức sinh lời tốt hơn.

"Chỉ cần một vài % lượng tiền gửi tiết kiệm đáo hạn rút ra mua vàng là đã có thể tạo "sóng" cho vàng SJC. Bởi từ nhiều năm nay, nguồn cung vàng SJC chủ yếu từ mua đi bán lại trên thị trường, không có nguồn nhập khẩu vàng nguyên liệu để gia công sản xuất vàng miếng" -  ông Trần Duy Phương nêu quan điểm.

Về nguồn cung vàng SJC, như Báo Người Lao Động đã nhiều lần thông tin, từ khi có Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng (năm 2012) Ngân hàng Nhà nước đã không cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất, gia công vàng SJC.

Sau khi SJC trở thành thương hiệu vàng quốc gia, nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp vàng cho hay, giai đoạn năm 2019, giá vàng SJC có thời điểm thấp hơn vàng nhẫn, vàng trang sức nên có doanh nghiệp đã dùng vàng miếng làm nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, vàng nhẫn…

Về câu hỏi với đà tăng hiện tại, liệu giá vàng SJC có hướng tới mốc 70 triệu đồng/lượng? Ông Trần Duy Phương dự báo nếu giá vàng thế giới tăng trở lại mốc 1.900 USD/ounce và nhu cầu trong nước vẫn nhích lên, giá vàng SJC có thể lập lại vùng đỉnh lịch sử quanh 70 triệu đồng/lượng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :