A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xử lý nợ xấu – Từ VAMC đến tái cơ cấu

Kênh bán nợ cho VAMC sau giai đoạn nở rộ những năm trước đây mỗi khi nợ xấu có nguy cơ bùng lên, nhưng những năm gần đây lại không được mấy nhà băng ưa chuộng. Thay vào đó, chính sách tái cơ cấu nợ được ưu tiên nhiều hơn. Vì sao có sự thay đổi này?

Áp lực nợ xấu và gia hạn chính sách tái cơ cấu

Sau khi tăng hơn gấp đôi từ 2% cuối năm 2022 lên 4.55% vào cuối năm 2023, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống từ đầu năm đến nay tiếp tục đi lên, mà theo cập nhật gần nhất đến hết tháng 4/2024 đã leo lên mức 4.93%. Báo cáo tài chính của 28 ngân hàng đang niêm yết là bức tranh phản ánh rõ nhất diễn biến nợ xấu tăng nhanh, với số nợ xấu tăng 41% trong năm 2023 và tiếp tục tăng hơn 14% chỉ trong 3 tháng đầu năm nay.

Dù các ngân hàng chưa công bố số liệu bán niên, nhưng có lẽ đà tăng nợ xấu vẫn đang diễn ra. Theo khảo sát của Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước), các tổ chức tín dụng (TCTD) cho biết tỷ lệ nợ xấu tiếp tục “tăng nhẹ” trong quý 2/2024, chưa đạt được kỳ vọng “giảm nhẹ” như kết quả kỳ điều tra trước. Tuy nhiên, các ngân hàng dự báo tỷ lệ nợ xấu có thể giảm trong quý 3/2024.

Dù vậy, trong bối cảnh kinh tế vẫn đối mặt nhiều thách thức, hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thời điểm chững lại của nợ xấu vẫn chưa có gì chắc chắn. Đáng lưu ý là với Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu của các TCTD đã hết hiệu lực, còn Luật các Tổ chức tín dụng 2024 đã hạn chế quyền thu giữ tài sản bảo đảm nợ xấu của các TCTD, nên việc xử lý nợ xấu trong thời gian tới có thể gặp nhiều thách thức hơn, nhất là khi thị trường bất động sản vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.

Trước tình hình này, dễ hiểu vì sao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gần đây đã ban hành Thông tư 06 kéo dài thời gian thực hiện chính sách tại Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp khó khăn đến hết ngày 31/12 năm nay, thay vì kết thúc vào ngày 30/6. Việc gia hạn chính sách cơ cấu nợ giúp các doanh nghiệp có thời gian phục hồi, từ đó có dòng tiền trả nợ.

Về phía ngân hàng, chính sách này cũng giúp ngành ngân hàng góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, tạo điều kiện tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng qua đó góp phần phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu đề ra của năm.

Theo số liệu của NHNN, đến hết năm 2023, đã có gần 188,000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là trên 183,500 tỷ đồng. Còn theo nhận định của công ty xếp hạng tín nhiệm VIS Rating, tốc độ cơ cấu lại khoản vay (tương đương 1.2% tổng dư nợ nền kinh tế) được kỳ vọng sẽ ổn định, trong khi rủi ro tín dụng đến từ nhóm ngành bất động sản sẽ giảm bớt khi các vấn đề về pháp lý dự án dần được tháo gỡ và tiếp cận được nguồn vốn vay.

Với chính sách tái cơ cấu nợ đã được gia hạn, khả năng các TCTD sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu nợ trong thời gian còn lại của năm nay, không chỉ nhằm hỗ trợ khách hàng mà còn giúp các nhà băng tránh phải áp lực chuyển nhóm nợ, làm đẹp sổ sách báo cáo tài chính, dù áp lực trích lập dự phòng và tác động tiêu cực lên lợi nhuận là không tránh khỏi, khi mà các khoản nợ tái cơ cấu vẫn phải trích lập dự phòng theo đúng tiến độ quy định mỗi năm.

Vì sao VAMC không còn được ưa chuộng?

Có thể thấy giải pháp tái cơ cấu nợ đã được ưu tiên triển khai trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ đại dịch COVID 19 diễn ra vào năm 2020 cho đến nay. Từ Thông tư 01/2020/TT-NHNN, tiếp đó là Thông tư 03/2021/TT-NHNN rồi đến Thông tư 14/2021/TT-NHNN đều hướng đến việc tái cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID 19, cho đến Thông tư số 02/2023/TT-NHNN và mới nhất là Thông tư 06/2024/TT-NHNN gia hạn Thông tư 02 nhằm cơ cấu nợ cho khách hàng gặp khó khăn.

Nhìn lại quá khứ, kênh bán nợ cho VAMC sau giai đoạn nở rộ những năm trước đây mỗi khi nợ xấu có nguy cơ bùng lên, nhưng những năm gần đây lại không được mấy nhà băng ưa chuộng. Điều này có thể gây khó hiểu cho nhiều người, vì từng có lúc đây là giải pháp “che” nợ xấu ưa thích của nhiều ngân hàng.

Thời đỉnh cao số nợ xấu mà VAMC mua bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) lên đến gần 195,000 tỷ đồng vào cuối năm 2016, tuy nhiên con số này đã giảm dần kể từ đó đến nay. Theo cập nhật gần nhất đến cuối năm 2022 nợ xấu cuối kỳ VAMC mua chỉ còn chưa đến 100,000 tỷ đồng, tức giảm gần 50% trong 6 năm qua, trong đó nợ mua bằng TPĐB là gần 96,400 tỷ đồng và nợ mua theo giá thị trường là 3,591 tỷ đồng.

Có nhiều lý do giải thích cho sự thay đổi này. Thứ nhất, với quy mô kinh doanh đã phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, nợ xấu của các ngân hàng thời gian qua dù tăng nhanh nhưng vẫn chiếm một tỷ trọng không quá cao so với quy mô tín dụng hiện có, nên phần lớn các ngân hàng vẫn kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3%. Nếu không kiểm soát được thì đã có giải pháp tái cơ cấu nợ thay thế.

Thời đỉnh cao số nợ xấu mà VAMC mua bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) lên đến gần 195,000 tỷ đồng vào cuối năm 2016, tuy nhiên con số này đã giảm dần kể từ đó đến nay. Theo cập nhật gần nhất đến cuối năm 2022 nợ xấu cuối kỳ VAMC mua chỉ còn chưa đến 100,000 tỷ đồng, tức giảm gần 50% trong 6 năm qua, trong đó nợ mua bằng TPĐB là gần 96,400 tỷ đồng và nợ mua theo giá thị trường là 3,591 tỷ đồng.

Thực tế theo chính đánh giá của VAMC trong báo cáo kết quả hoạt động năm 2023 được ban hành vào cuối tháng 6 vừa qua, cơ quan này cũng cho rằng những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động hiện nay ngoài việc đối tượng mua nợ theo giá thị trường bị giới hạn, thì chính Thông tư 02 được ban hành vào năm ngoái cho phép các TCTD được cơ cấu nợ đã khiến nhu cầu bán nợ bằng TPĐB của các TCTD cho VAMC giảm.

Thứ hai, trước đây tuy mang tiếng bán nợ cho VAMC nhưng việc xử lý vẫn tùy thuộc vào các ngân hàng là chính, với những thủ tục tốn kém chi phí thời gian. Chẳng những vậy, các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng theo đúng tiến độ đối với các khoản nợ đã bán cho VAMC. Cơ chế này cũng tương tự như các khoản nợ tái cơ cấu hiện nay, dù giúp các nhà băng ẩn đi nợ xấu nhưng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro định kỳ, nhưng việc xử lý nợ tái cơ cấu lại nằm trong thế chủ động của các TCTD, vì vậy các nhà băng không còn mặn mà trong việc bán nợ cũng là điều có thể hiểu được.

Ngoài ra, các ngân hàng lại muốn bán nợ theo giá thị trường, tuy nhiên VAMC nếu muốn mua nợ theo giá thị trường và trả bằng tiền tươi thóc thật, thay vì TPĐB như giai đoạn trước, buộc phải tăng vốn điều lệ, nhưng đây là điều không dễ. Đặc biệt, việc định giá khoản nợ hay tài sản đảm bảo cho khoản nợ nếu mua theo giá thị trường là một thách thức và rủi ro không nhỏ với một cơ quan Nhà nước như VAMC.

Cụ thể nguồn vốn tự có hiện nay của VAMC còn khá nhỏ so với quy mô tổng nợ xấu thị trường. Hồi năm ngoái, VAMC cũng đã đề xuất với NHNN về việc tăng vốn điều lệ từ 5,000 tỷ đồng lên 10,000 tỷ đồng theo lộ trình tại Quyết định 1058 về Đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020, đồng thời cho phép VAMC được phát hành trái phiếu có lãi suất để mua nợ theo giá thị trường, nhưng cho đến nay vẫn chưa có tiến triển gì mới.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :