Tại sao gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng giải ngân thấp?
Chương trình 120.000 tỉ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư vay với mức lãi suất thấp đến nay mới giải ngân 105 tỉ đồn
Tại hội nghị Tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức ngày 13-11 ở Hà Nội, chương trình tín dụng 120 ngàn tỉ đồng được tập trung bàn thảo
Đại diện NHNN cho biết đã chỉ đạo và hướng dẫn triển khai các chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư vay với mức lãi suất thấp hơn từ 1,5% đến 2% so với lãi suất cho vay bình quân của 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Bên cạnh các chương trình tín dụng về nhà ở xã hội, nhà ở cho các đối tượng chính sách, thì triển khai thì chương trình 120.000 tỉ đồng là một trong những giải pháp góp phần vào việc cải thiện nguồn cung nhà ở xã hội và tình trạng mất cân đối cung cầu của thị trường.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN, cho biết với Chương trình 120.000 tỉ đồng, đến nay, trên cơ sở danh mục dự án đủ điều kiện tham gia Chương trình của 23 UBND các tỉnh, thành phố, BIDV và Agribank đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ với tổng số tiền cam kết cấp tín dụng là 1.091 tỉ đồng, cho 3 dự án, số tiền giải ngân đến nay là 105 tỉ đồng. Đồng thời đã cam kết cấp tín dụng cho 2 dự án với số tiền cam kết là 605 tỉ đồng.
"Chương trình 120.000 tỉ đồng, khó khăn lớn nhất là nguồn cung còn hạn chế, đến nay mới có 23 UBND tỉnh, thành phố công bố danh mục dự án đủ điều kiện tham gia chương trình. Ngoài ra, theo báo cáo của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, qua rà soát các dự án thuộc danh mục, trong số 54 dự án được công bố có: 5 dự án đã được phê duyệt cấp tín dụng; 30 dự án (55,5%) là chưa có nhu cầu vay vốn; 11 dự án (20,4%) là chưa đủ điều kiện cho vay, trong đó có 6 dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý; 8 dự án (15%) đang được các ngân hàng thương mại thẩm định. Do đó, việc triển khai Chương trình còn chưa được như dự kiến"- bà Giang cho biết.
Thời gian tới, NHNN sẽ theo dõi, bám sát tình hình triển khai Chương trình 120.000 tỉ đồng để phối hợp với Bộ Xây dựng xem xét, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Chương trình, góp phần thúc đẩy việc đầu tư, xây dựng cũng như mua nhà ở xã hội của người dân
Tỉ lệ nợ xấu bất động sản tăng
Bà Giang cho biết chất lượng tín dụng bất động sản tiềm ẩn những rủi ro: Tỉ lệ nợ xấu tín dụng bất động sản đến tháng 9-2023 là 2,89%, đã tăng so với thời điểm 31-12-2022 (1,72%). Tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng, tự sử dụng giảm trong khi đó tín dụng kinh doanh bất động sản tăng rất cao, đây là điểm cần chú ý khi cầu tín dụng để mua bất động sản có xu hướng đi xuống, phần nào phản ánh sức mua của thị trường đang giảm so với thời điểm trước.
Về mặt an toàn hoạt động của các ngân hàng, nhu cầu tín dụng bất động sản thường là với thời hạn trung và dài hạn trong khi đó nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn với mức lãi suất thay đổi theo thị trường. Do đó, nếu các ngân hàng không cân đối được kỳ hạn giữa huy động và cho vay phù hợp, có thể đối mặt với rủi ro thanh khoản. Bên cạnh đó, còn có sự tập trung cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tại một số ngân hàng, với tốc độ tăng trưởng cao.