A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người dân chuộng thanh toán số khi đi du lịch, ăn uống

Thống kê của Payoo cho thấy thanh toán kỹ thuật số ở các mảng du lịch, ẩm thực, siêu thị đều tăng trưởng mạnh so với trước.

Quý II/2022, bức tranh kinh tế khởi sắc rõ nét, thể hiện ở nhiều lĩnh vực đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý II/2022 tăng trưởng 7,72%, cao nhất trong hơn 1 thập kỷ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.395,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với quý trước và tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Thống kê của nền tảng thanh toán Payoo cũng cho thấy, hầu hết các ngành đều tăng trưởng, người dân tích cực đi du lịch, đi ăn ngoài, và chi tiêu mua sắm tại siêu thị nhiều hơn.

Cụ thể, số liệu giao dịch thanh toán tại quầy qua máy Payoo POS của các doanh nghiệp kinh doanh mảng du lịch (bao gồm vé và lữ hành, lưu trú, gói nghỉ dưỡng…) tăng trưởng 60% về cả số lượng và giá trị so với Quý I/2022. Trong đó, hình thức thanh toán trả thẳng thẻ quốc tế và trả góp qua thẻ tín dụng chiếm đến hơn 95%, chủ yếu đến từ mảng lưu trú, gói nghỉ dưỡng.

Trong khi đó, trên cổng thanh toán trực tuyến, mảng du lịch tăng 10% về số lượng và 35% về giá trị so với quý 1/2022. Trong đó, ở mảng vé (tàu xe, máy bay), có sự chuyển dịch từ thanh toán tại quầy lên thanh toán trực tuyến, dẫn đến thanh toán trực tuyến tăng trưởng hơn 60% về số lượng và hơn 50% về giá trị so với quý trước.

Người dân chuộng thanh toán số khi đi du lịch, ăn uống

Giao dịch bằng QR Code thuộc nhóm được ưa chuộng trong mảng thanh toán kỹ thuật số. (Ảnh: P.Y)

Hình thức thanh toán phổ biến nhất của mảng vé là quét mã QR, trong khi đối với mảng lưu trú, hình thức “Thanh toán sau” vẫn được ưa chuộng hơn cả, chiếm hơn 83% về số lượng và 87% về giá trị. Đây là hình thức khách hàng đặt vé, giữ chỗ trước và đến cửa hàng liên kết, truy cập website hoặc ứng dụng để thanh toán trong thời gian quy định.

Sự gia tăng chi tiêu ở mảng du lịch không có nhiều bất ngờ, khi số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam tháng Sáu đạt 236,7 nghìn lượt người, tăng 36,8% so với tháng trước và gấp 32,9 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại.

Không nằm ngoài xu hướng, thanh toán kỹ thuật số ở mảng ẩm thực cũng tăng lên. Ngành ẩm thực (F&B) quý II có mức tăng trưởng đáng kể nhờ hưởng lợi từ du lịch trở lại và người dân mạnh dạn đi ăn ngoài. Cụ thể, ngành thực phẩm và đồ uống có mức tăng 61% về số lượng và 41% về giá trị giao dịch so với Quý I/2022.

Kênh thanh toán chủ yếu của F&B là thanh toán tại quầy qua máy POS. Thanh toán bằng thẻ quốc tế là hình thức thanh toán chủ đạo khi chiếm đến 64% về số lượng và 77% về giá trị. Thẻ nội địa tương ứng là 21% và 17%, riêng mã QR là 15% và 6%.

Cùng với du lịch và ẩm thực, người dân cũng tích cực mua sắm hơn. Thống kê cho thấy nhóm ngành bán lẻ tăng 40% về số lượng và 20% về giá trị giao dịch so với quý I/2022.

Trong đó, nhóm thời trang, phụ kiện trong quý II tăng trưởng đến 70% về số lượng và 26% về giá trị so với quý I. Điểm sáng thuộc về nhóm trang sức, thương hiệu thời trang tầm trung khi đạt mức tăng 40-50%, trong khi nhóm thương hiệu cao cấp, xa xỉ phẩm lại giảm nhẹ 12-15%, vì không phải mùa cao điểm mua sắm.

Dù ngành bán lẻ nói chung tăng nhẹ, song thống kê của Payoo trên các đối tác ở mảng điện thoại, điện máy quý II lại giảm nhiệt khi doanh thu chỉ đạt 80-90% so với quý trước.

Nhìn chung trong quý II, hầu hết các lĩnh vực đều có sự tăng trưởng về khối lượng lẫn giá trị giao dịch. Điều này cũng phản ánh việc thanh toán không tiền mặt đang dần trở thành phương thức thanh toán quen thuộc của người dân.

Hải Đăng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :