A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lạm phát tại Việt Nam dự báo được kiểm soát ở mức từ 3-4,5% trong năm 2025

Ngày 9/01/2025, Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2024 và dự báo 2025”. Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, lạm phát tại Việt Nam trong năm 2025 sẽ được kiểm soát ở mức hợp lý, dao động từ 3-4,5%.

 

Toàn cảnh Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2024 và dự báo 2025”.

Toàn cảnh Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2024 và dự báo 2025”.

Lạm phát được duy trì ổn định ở mức thấp dưới 4% trong 10 năm qua 

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 12/2024 đã tăng 0,29% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, CPI đã tăng 2,94%. Tính trung bình, CPI năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023.

Như vậy, đây là năm thứ 10 liên tiếp Việt Nam thành công trong việc kiểm soát lạm phát trung bình ở mức dưới 4%. Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2024, tính trung bình, lạm phát chỉ ở mức 2,8%/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 10,2%/năm của 10 năm trước đó (giai đoạn 2005-2014).

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, lạm phát thấp trong 10 năm qua là do tốc độ tăng cung tiền trong giai đoạn 2014-2023 (độ trễ 1 năm) chỉ ở mức 13,8%, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 27,1% của giai đoạn 2004-2013. Cùng với đó, lãi suất trong giai đoạn 2014-2024 luôn được duy trì thực dương, trung bình ở mức 3,7%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng. Trong khi đó, mức lãi suất thực trung bình của giai đoạn 2004-2014 là 0%/năm.

Một nguyên nhân khác nữa là do tỷ giá USD/VND trong giai đoạn 2014-2024 cũng được duy trì ổn định hơn so với giai đoạn trước đó. Nếu như tốc độ giảm giá của VND so với USD trong giai đoạn 2004-2014 ở mức trung bình 2,9%/năm, thì trong giai đoạn 2014-2024 đã giảm xuống còn 1,6%/năm.

TS. Nguyễn Đức Độ khẳng định, tăng trưởng cung tiền thấp, lãi suất thực dương và tỷ giá ổn định là những yếu tố cơ bản giải thích tại sao lạm phát tại Việt Nam được duy trì ổn định ở mức thấp trong 10 năm gần đây.

Trên thực tế, lạm phát trong giai đoạn 2015-2024, về cơ bản, đi ngang (xoay quanh mức trung bình là 2,8%/năm hay 0,23%/tháng), tức là được neo nhờ chính sách tiền tệ và tỷ giá ổn định. Các biến động về lạm phát (cao hơn hoặc thấp hơn mức trung bình) chủ yếu do các biến động về giá dầu, giá nguyên vật liệu cũng như giá các dịch vụ y tế và giáo dục do Nhà nước kiểm soát.

Đánh giá riêng về thị trường giá cả năm 2024, TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, 3 chỉ số chính là tiêu dùng, lạm phát, lạm phát cơ bản tăng khá thấp, dù GDP tăng cao. Trong đó, CPI năm 2024 tăng 9% (loại trừ yếu tố giá tăng 5,9%), thấp nhất từ 2022 với mức tăng chủ yếu đến từ du lịch, ăn uống; Lạm phát (đo bằng CPI) khá thấp, chỉ tháng 2 (tháng Tết) trên 1%, các tháng khác dưới 0,5% (riêng tháng 3 tăng âm); Lạm phát cơ bản của các tháng năm 2024 tăng thấp (dưới 0,5%).

Dự báo "kịch bản" lạm phát năm 2025

Đưa ra dự báo về lạm phát, TS. Nguyễn Đức Độ cho biết, theo dự báo của các tổ chức quốc tế, kinh tế thế giới trong năm 2025 vẫn tăng trưởng ổn định với mức 3,2%, tương đương năm 2024, còn giá dầu và giá các hàng hóa cơ bản đầu vào, tính trung bình, có xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên, tỷ giá và lãi suất sẽ là các yếu tố còn nhiều bất định và tác động đến giá cả ở Việt Nam.

Theo đó, TS. Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh 3 kịch bản về lạm phát cho năm 2025. Cụ thể, trong kịch bản cơ sở, tỷ giá USD/VND ổn định và lãi suất chỉ tăng nhẹ do nhu cầu tín dụng tăng, CPI được dự báo sẽ tăng trung bình 0,23%/tháng và lạm phát trung bình cả năm 2025 sẽ ở mức khoảng 3,0%.

Trong kịch bản cao, áp lực tỷ giá lớn do đồng USD tăng giá mạnh trên thị trường thế giới, còn Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh lãi suất để ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát, CPI có thể sẽ tăng 0,28%/tháng và lạm phát trung bình sẽ ở mức khoảng 3,3%.

Trong kịch bản thấp, kinh tế thế giới và Việt Nam tăng trưởng yếu, giá dầu giảm đáng kể, đồng thời, giá USD và lãi suất ổn định hoặc giảm nhẹ, CPI có thể chỉ tăng 0,18%/tháng và lạm phát trung bình sẽ ở mức khoảng 2,7%.

TS. Lê Quốc Phương dự báo, dựa trên các yếu tố thuận lợi bất lợi trên thế giới/trong nước tác động lên lạm phát, dự báo CPI bình quân năm 2025 sẽ từ 4,2-4,5% (nếu không xảy ra các yếu tố đột biến). Tuy nhiên, do mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 vừa được nâng từ 6,5-7,5% lên 8-10% được dự báo sẽ tạo sức ép lên lạm phát; Giá dịch vụ y tế, giáo dục tăng theo lộ trình, giá năng lượng (xăng dầu, điện, than) có thể tiếp tục tăng.

Còn PGS., TS. Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế dự báo lạm phát của Việt Nam trong năm 2025 sẽ được kiểm soát ở mức hợp lý (dao động từ 3,5-4,5%). Điều này phản ánh nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan liên quan trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát giá cả. Trong đó, việc theo dõi sát sao và điều chỉnh chính sách kịp thời là cần thiết để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2025.

Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp điều hành, quản lý giá

Tại Hội thảo, hầu hết chuyên gia nhìn nhận các yếu tố trong nước và thế giới sẽ tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, các nước sẽ có những điều chỉnh chính sách nhất định theo diễn biến của tình hình chung… từ đó, sẽ tác động đến biến động giá các mặt hàng chiến lược trên thế giới.

Tại Việt Nam, Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát với tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5%. Để thực hiện nhiệm vụ Quốc hội đề ra, bà Nguyễn Hương Trà – đại diện Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2025 cần bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát, đồng thời, tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và hàng hóa do Nhà nước quản lý.

Bà Nguyễn Hương Trà cho biết, năm 2024, hệ thống các văn bản hướng dẫn Luật Giá 2023 đã được hoàn thiện và ban hành, do đó, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai pháp luật về giá, công tác quản lý, điều tiết giá, thẩm định giá được thực hiện thống nhất, đồng bộ, hiệu quả trên phạm vi cả nước, đảm bảo phù hợp với thực tiễn bối cảnh kinh tế - xã hội.

Đồng thời, công tác hậu kiểm sẽ tiếp tục được đề cao và có kế hoạch chi tiết về thanh tra, kiểm tra giá theo quy định tại Thông tư số 28/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính về trình tự thủ tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường. Đặc biệt, chú trọng công tác bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, chủ động công tác dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 sắp tới.

Đưa ra các giải pháp để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2025, PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng, Nhà nước cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.

Song song với đó, Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh lãi suất và cung tiền để kiểm soát lạm phát. Điều tiết tỷ giá ngoại tệ để tránh biến động lớn, giảm thiểu tác động từ yếu tố nhập khẩu lạm phát. Việc tăng lãi suất có thể làm giảm cầu tín dụng, từ đó hạn chế chi tiêu và đầu tư, giúp kiểm soát giá cả…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :