Kiểm toán Nhà nước: Rủi ro nếu chậm chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém
Việc Ngân hàng Nhà nước xử lý các nhà băng yếu kém chậm, kéo dài từ 2015 đến nay, theo Kiểm toán Nhà nước, sẽ dẫn tới nhiều rủi ro nên cần đẩy nhanh.
"Chuyển giao bắt buộc" là việc ngân hàng yếu kém sẽ được nhà băng có quy mô, tài chính vững vàng nhận và dành nguồn lực tái cơ cấu.
Hiện, 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu, gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng mua bắt buộc là Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank). Các ngân hàng này cũng đang được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt.
Đầu tháng 5, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, trong đó có 3 ngân hàng mua bắt buộc (CBBank, OceanBank, GPBank) và Ngân hàng Đông Á.
Tuy nhiên, trong báo cáo vừa gửi Quốc hội về kết quả kiểm toán thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, Kiểm toán Nhà nước đánh giá, phương án xử lý các ngân hàng yếu kém rất chậm, kéo dài từ 2015 đến nay chưa dứt điểm.
Đến thời điểm kiểm toán (tháng 8/2023), mới có DongABank được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc. Ba nhà băng khác, là CB, OceanBank, GPBank ở bước được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc, đang xác định giá trị doanh nghiệp để chuyển giao bắt buộc.
Các ngân hàng trong diện này có tình hình tài chính rất khó khăn, như nợ xấu, tài sản tồn đọng cao, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế có xu hướng tăng và không đáp ứng quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng. Một số ngân hàng thương mại tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn hệ thống.
Kiểm toán Nhà nước nhận xét, việc xử lý kéo dài nhiều năm dẫn tới rủi ro có thể ngốn nguồn lực khi phải cho vay đặc biệt để hỗ trợ các nhà băng yếu kém. Đồng thời, cơ quan này cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh tiến độ chuyển giao bắt buộc với các đơn vị trên.
Một phòng giao dịch của OceanBank. Ảnh: OceanBank |
Ngân hàng Nhà nước từng cho biết nguyên nhân khiến quá trình cơ cấu lại, xây dựng phương án chuyển giao với các tổ chức tín dụng kéo dài. Đó là việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém) khó khăn. Các nhà băng cũng cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.
Kiểm toán Nhà nước cũng đánh giá thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhiều thời điểm trong năm 2022 căng thẳng. Một số tổ chức tín dụng thiếu hụt vốn khả dụng dẫn đến vi phạm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc phải cho vay hỗ trợ thanh khoản.
Tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn toàn hệ thống có xu hướng tăng. Cụ thể, năm 2022, tỷ lệ này tại khối ngân hàng thương mại là 30,7%, tăng 4,4% so với 2021; còn tại các tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 42%, tăng 5% so với trước đó một năm.
Tại 31/12/2022, ngoài 5 ngân hàng thương mại yếu kém chưa đáp ứng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn (Oceanbank, GPBank, CBbank, DongABank, SCB), một số ngân hàng thương mại có tỷ lệ này khá cao, sát ngưỡng cho phép, tiềm ẩn rủi ro việc mất cân bằng kỳ hạn và rủi ro thanh khoản với tổ chức tín dụng.
Với các ngân hàng tiềm ẩn rủi ro mất an toàn, Kiểm toán Nhà nước đề nghị cơ quan thanh tra giám sát bám sát hoạt động của ngân hàng; báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa ra các biện pháp giám sát, can thiệp phù hợp theo nguyên tắc không để thất thoát, mất tài sản của Nhà nước, không để mất an toàn hệ thống.
Liên quan đến lãi suất cho vay, Kiểm toán Nhà nước ghi nhận Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp giảm lãi suất trong năm ngoái, nhưng hiệu quả chưa cao, chưa đạt mục tiêu "phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1%" theo Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội. Thậm chí, tỷ lệ này còn có xu hướng tăng, biên độ giữa lãi suất cho vay bình quân và lãi suất huy động bình quân còn lớn, trên 4%.
Cơ quan kiểm toán nhận xét, hai lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 9 và 10/2022, với tổng mức tăng 2%, khiến lãi suất huy động và cho vay bình quân đột ngột tăng cao trong những tháng cuối năm. Ở thời điểm đó, lãi suất huy động trên 11%, cho vay trên 13%.
"Việc đột ngột điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành sau một thời gian dài không thay đổi của Ngân hàng Nhà nước (trong khi các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng dần lãi suất từ đầu năm 2022) là khó dự đoán, gây bất ngờ cho nền kinh tế, khiến môi trường kinh tế rủi ro hơn", Kiểm toán Nhà nước đánh giá.
Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện cơ cấu tín dụng năm 2022 chưa hướng vào lĩnh vực ưu tiên, tín dụng cấp cho lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tăng. Đến cuối 2022, dư nợ tín dụng vào bất động sản đạt hơn 2,58 triệu tỷ đồng, tăng gần 24% so với cuối năm 2021. Mức này cao gấp 1,7 lần so với tăng trưởng ngành ngân hàng.
Cơ quan kiểm toán nhận xét, phản ứng của Ngân hàng Nhà nước còn chậm dẫn đến điều chỉnh tăng lãi suất đột ngột. Cơ quan thanh tra giám sát chưa phân tích, làm rõ một số vấn đề trọng yếu, tiềm ẩn rủi ro của một số ngân hàng. Trong khi đó, các ngân hàng chưa tiết giảm chi phí, chủ động hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển kinh tế.
Về hỗ trợ lãi suất 2% thuộc chương trình phục hồi kinh tế, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước chỉ ra tỷ lệ giải ngân rất thấp. Đến cuối 2022 - tức hơn một năm triển khai, chương trình hỗ trợ lãi suất này mới giải ngân được 0,8%, tương đương 134 tỷ đồng. Đến cuối tháng 7, gói hỗ trợ này giải ngân được 681 tỷ đồng, tương đương 1,7%.
Năm ngoái, 15 ngân hàng thương mại không hỗ trợ lãi suất, 14 ngân hàng hỗ trợ lãi suất dưới 1 tỷ đồng. Việc triển khai tại một số nhà băng chậm.
Ngoài nguyên nhân khách quan do "tâm lý e ngại về hồ sơ thủ tục hậu kiểm của khách hàng" hay khách hàng gặp khó khăn về chứng từ chứng minh mục đích dùng, còn nguyên nhân từ phía các ngân hàng, theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước chưa chú trọng công tác truyền thông; các ngân hàng thương mại chưa chủ động triển khai chính sách này.
Một số ngân hàng như BacABank, NCB, GPBank rà soát có hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất nhưng thực tế tiền hỗ trợ bằng 0; hoặc một số nhà băng tự rà soát số khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ lớn, song rất quả hỗ trợ thấp.
Anh Minh