Giảm lãi suất vay, tiếp sức doanh nghiệp
Việc nhiều ngân hàng thương mại thông báo giảm lãi suất cho vay là diễn biến đáng chú ý trong bối cảnh tỉ giá hạ nhiệt, lãi suất huy động vẫn cao nhưng đã bớt căng thẳn
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, đến ngày 11-12, một loạt ngân hàng (NH) thương mại như SHB, Vietcombank, ACB, Agribank, HDBank, ABBANK... hay cả NH nước ngoài như Shinhan Việt Nam đã công bố giảm lãi suất cho vay dịp cuối năm. Mức giảm cao nhất lên tới 2 điểm % để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Tập trung lĩnh vực ưu tiên
Việc nhiều NH thương mại đồng loạt công bố giảm lãi suất cho vay dịp cuối năm là diễn biến đáng chú ý trong bối cảnh lãi suất huy động vẫn ở mức cao.
NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) giảm lãi suất cho vay lên tới 2 điểm % cho khách hàng cá nhân và DN trong các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, DN nhỏ và vừa, dự án xanh, sản xuất kinh doanh mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm; các DN đang cần vốn để gấp rút sản xuất các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm. Chương trình giảm lãi suất áp dụng cho các khoản vay từ giữa tháng 11-2022.
NH TMCP An Bình (ABBANK) công bố chương trình ưu đãi lãi suất cho vay sản xuất - kinh doanh chỉ 5,5%/năm, dành riêng cho khách hàng có nhu cầu vay vốn ngắn hạn bằng VNĐ phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh thuộc một số lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên.
Trong làn sóng hạ lãi suất có sự tham gia của cả NH ngoại. Shinhan Việt Nam vừa triển khai giảm lãi suất với DN đang có khoản vay tại NH này để hỗ trợ khách hàng bổ sung vốn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh thời điểm cuối năm. Đối với gói vay VNĐ, từ ngày 8 đến 31-12, DN (bao gồm khách hàng hiện tại có giao dịch vay tại Shinhan và khách hàng mới) được giảm từ 0,9 đến 1,3 điểm %, tùy vào thời hạn vay. Đối với khoản vay bằng ngoại tệ, Shinhan giảm 0,6 điểm % lãi suất cho kỳ hạn từ 1-6 tháng. Chính sách giảm lãi suất được áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn (vay vốn lưu động).
Đến nay, một loạt NH thương mại đã công bố giảm lãi suất cho vay. Trong đó, một số NH cho biết quyết định giảm lãi suất đầu ra dù chi phí đầu vào tăng mạnh khi lãi suất huy động các kỳ hạn 2, 4 và 9 tháng đã tăng khoảng 1 điểm %.
Ông Kang GewWon, Tổng Giám đốc NH Shinhan, lý giải cuối năm là thời gian cao điểm nhu cầu vốn cho sản xuất - kinh doanh. Ngay sau khi được NH Nhà nước tăng room tín dụng, Shinhan đã chủ động triển khai chương trình ưu đãi cho vay đối với khách hàng DN nhằm hỗ trợ họ tiếp cận nguồn vốn với lãi suất phù hợp, tối ưu hóa chi phí dịp cuối năm.
Liên quan việc nhiều NH giảm lãi suất cho vay, Phó Thống đốc Thường trực NH Nhà nước Đào Minh Tú cho hay sẽ tiếp tục giao Hiệp hội NH Việt Nam kêu gọi, vận động các NH thương mại giảm lãi suất, tùy vào mức độ, khả năng cũng như năng lực tài chính của mỗi tổ chức tín dụng.
"Tuy nhiên, điều kiện kinh tế vĩ mô cũng phải cho phép để khi các NH giảm lãi suất không chỉ bảo đảm hỗ trợ DN mà còn phải bảo đảm khả năng thanh khoản, an toàn của mỗi NH và cả hệ thống" - ông Đào Minh Tú lưu ý.
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh các mặt hàng thiết yếu. Trong ảnh: Sản xuất thực phẩm ở Công ty CP Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Sin. Ảnh: TẤN THẠNH
Kiểm soát để vốn đi đúng hướng
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một số DN cho rằng việc nhiều NH thương mại giảm lãi suất cho vay là tín hiệu tích cực, đặc biệt sau khi NH Nhà nước nới room tín dụng. Việc các NH có thêm room để cho vay, lãi suất lại giảm, sẽ góp phần giảm chi phí tài chính cho DN. Tuy nhiên, các NH cũng cần công bố mức lãi suất cho vay hiện hành và mức lãi suất sau khi giảm để thấy rõ sự thực chất.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành, nhận định cùng với việc nới room tín dụng, quan trọng nhất là các NH phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân để tiếp vốn cho DN. Thực tế, một hồ sơ tín dụng từ thời điểm ký kết đến khi giải ngân phải mất vài tuần, trong khi nhu cầu vốn dịp cuối năm là rất cấp bách.
"Khi các NH thương mại công bố giảm lãi suất, quan trọng là sau giảm thì mức lãi suất thực tế còn lại bao nhiêu, DN có tiếp cận được không? DN tôi hoạt động trong lĩnh vực bất động sản nhưng là nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp nên cũng được hỗ trợ tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất thương mại. Đây là lĩnh vực rất cần được quan tâm phát triển để thúc đẩy thị trường bất động sản, hạn chế tình trạng lệch pha cung cầu giữa sản phẩm cao cấp và sản phẩm bình dân" - ông Lê Hữu Nghĩa nhấn mạnh.
Một số DN khác kiến nghị sau khi nới room tín dụng, cần kiểm soát để dòng vốn từ NH vào đúng các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực cần thiết để thúc đẩy kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn. Tránh hiện tượng nới room nhưng vốn được NH dùng để cho DN đảo nợ dịp cuối năm, như vậy các DN có nhu cầu thật sự sẽ không được hưởng lợi.
Theo Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là nhà ở xã hội. Từ trước đến nay, NH Nhà nước luôn coi đây là một trong những lĩnh vực quan tâm, vẫn yêu cầu các NH thương mại tạo điều kiện cho những lĩnh vực liên quan việc mua nhà ở xã hội của người dân được khơi thông, có nguồn lực để người dân mua nhà. Vì thế, việc quản lý dòng tiền, theo dõi hoạt động của các NH thương mại là rất cần thiết.
"Đối tượng mà NH Nhà nước muốn tập trung và cũng là chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước hết là lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, DN nhỏ và vừa, DN phục vụ xuất khẩu, phụ tùng thay thế, đặc biệt là phục vụ lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế lúc này. Do vậy, NH Nhà nước đã chỉ đạo các NH hướng dòng vốn vào lĩnh vực đó" - ông Đào Minh Tú khẳng định.
Ưu tiên vốn cho sản xuất - kinh doanh
Trong buổi gặp mặt cuối năm với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam cuối tuần qua, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết NH Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác; điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô. NH Nhà nước sẽ tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế…