A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Fed giảm lãi suất có làm trầm trọng thêm rủi ro từ giao dịch carry trade?

Trong những ngày gần đây, thị trường tài chính toàn cầu đang chứng kiến một hiện tượng đáng chú ý: Sự đảo chiều của chiến lược đầu tư “carry trade” (giao dịch dựa trên chênh lệch lãi suất). Giới chuyên gia cho rằng nếu Fed hạ lãi suất, sự đảo chiều này sẽ càng mạnh mẽ hơn.

Carry trade là một chiến lược phổ biến, trong đó các nhà đầu tư vay tiền bằng đồng tiền có lãi suất thấp, như đồng Yên Nhật, để đầu tư vào các tài sản có lợi suất cao hơn ở nơi khác. Tuy nhiên, gần đây, chiến lược này đang đảo chiều nhanh chóng và gây ra những biến động lớn trên thị trường.

Các nhà kinh tế tại TS Lombard đã đưa ra cảnh báo rằng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất quá nhanh có thể làm trầm trọng thêm tình hình vì sẽ càng thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản.

Họ nhận định: "Phản ứng tự nhiên của Fed đối với dữ liệu thị trường lao động yếu và rủi ro suy thoái mới sẽ là cắt giảm lãi suất và làm như vậy một cách tương đối nhanh chóng. Nhưng điều này sẽ làm trầm trọng thêm việc rút vốn khỏi các carry trade".

Thị trường chứng khoán châu Âu đã phản ánh sự bất ổn này trong ngày 06/08, khi đà tăng ban đầu bị thu hẹp trong bối cảnh tâm lý nhẹ nhõm đang dần tan biến. Đợt lao dốc của thị trường toàn cầu trong tháng 8 một phần do dữ liệu kinh tế Mỹ yếu hơn báo khiến các nhà đầu tư lo ngại Fed có thể đã chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất để ngăn chặn suy thoái.

Freya Beamish, Chuyên gia kinh tế hàng đầu tại TS Lombard, hy vọng sẽ có một thông điệp phối hợp từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và Fed để xoa dịu lo lắng của thị trường. Bà đề xuất: "Nếu việc rút vốn khỏi các giao dịch carry trade đang gây rắc rối cho thị trường, chúng tôi hy vọng các ngân hàng trung ương này sẽ đưa ra một số biện pháp giúp ngăn chặn các nhà đầu tư carry trade bán tài sản, đồng thời tạo điều kiện cho Fed cắt giảm lãi suất đúng lúc mà không làm trầm trọng thêm các điểm yếu tài chính".

Gần đây, các tài sản trú ẩn an toàn truyền thống như đồng Yên và Franc Thụy Sĩ đã tăng vọt trong ngày 04/08. Điều này làm dấy lên đồn đoán rằng các nhà đầu tư đang tìm cách nhanh chóng thoát khỏi các giao dịch carry trade đang có lãi để bù đắp cho tổn thất ở nơi khác. Đồng Yên Nhật đã tăng mạnh lên mức 144.52 đổi 1 USD, từ mức 161.96 đổi 1 USD - mức yếu nhất kể từ tháng 12/1986 và được ghi nhận trước kỳ nghỉ lễ 04/07 của Mỹ.

Các nhà chiến lược tại HSBC cho rằng thị trường đang chịu 3 áp lực cùng lúc, bao gồm việc rút vốn carry trade, khả năng kiến tiền từ trí tuệ nhân tạo và triển vọng suy thoái sắp xảy ra ở Mỹ. “Chúng tôi nghĩ vẫn còn quá sớm để mua trở lại, nhưng các yếu tố cơ bản nhìn chung vẫn đang hỗ trợ thị trường”, các chiến lược gia HSBC cho biết trong báo cáo công bố vào ngày 06/08. "Rủi ro lớn nhất hiện nay là một đợt bán tháo tự củng cố thành một cuộc suy thoái, do tác động tiêu cực đến tài sản và điều kiện tín dụng thắt chặt hơn".

Kit Juckes, Chiến lược gia ngoại hối trưởng tại Societe Generale, nhận định rằng "làn sóng rút vốn carry trade đang diễn ra. Ông lưu ý rằng phản ứng lớn nhất của nhà đầu tư vẫn là "giảm vị thế". Giới giao dịch đang rút lại các vị thế mua đối với đồng yên Nhật với các đồng đôla Úc, Bảng Anh, Krone Na Uy và USD. Juckes cảnh báo rằng khả năng đồng Yên xuống dưới 140 đổi 1 USD trong ngắn hạn "sẽ không bền vững do tác động đến cổ phiếu và lạm phát".


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
  • :
  • :