Động lực nào đẩy CASA tăng trưởng mạnh trong năm 2023?
Khó khăn chung của năm 2023 khiến dòng tiền được “giữ” tại ngân hàng tăng cao, dù lãi suất đã ở mức đáy. Việc này giúp CASA của các ngân hàng cải thiện nhiều, tạo động lực cải thiện chi phí vốn cho năm 2024.
Dữ liệu từ VietstockFinance cho thấy, tính đến 31/12/2023, tổng tiền gửi khách hàng tại 28 ngân hàng đạt gần 9.9 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm.
Trong đó, tổng lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) là hơn 2.1 triệu tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm.
Có 24/28 ngân hàng tăng trưởng CASA với tốc độ bình quân 33%. HDBank (HDB) là ngân hàng tăng trưởng cao nhất, đến 81%, với 40,325 tỷ đồng. Kế đến là SHB tăng 68%, thu hút được 43,074 tỷ đồng. Theo sau đó là KLB (+66%, 3,404 tỷ đồng), BaoVietBank (+54%, 3,922 tỷ đồng), Vietbank (VBB, +51%, 4,287 tỷ đồng) và VPB (+50%, 75,333 tỷ đồng).
Xét về số tuyệt đối, ngân hàng quốc doanh với lợi thế về quy mô vẫn dẫn đầu về lượng tiền gửi không kỳ hạn. Vietcombank (VCB) đứng đầu hệ thống khi thu hút được 461,312 tỷ đồng. Kế đến là BIDV (BID, 333,654 tỷ đồng), VietinBank (CTG, 310,919 tỷ đồng).
MB tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu trong nhóm tư nhân với 216,092 tỷ đồng, tăng 29% so với đầu năm. TCB ghi nhận 175,521 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn, tăng 40%.
CASA của các ngân hàng tính đến 31/12/2023 Nguồn: VietstockFinance (Lưu ý: CASA trong bài chỉ tính trên tiền gửi không kỳ hạn) |
Tính đến cuối năm 2023, có 25/28 ngân hàng có tỷ lệ CASA hồi phục so với cuối quý 3 và 18 ngân hàng cải thiện so với đầu năm.
TCB lấy lại vị thế đầu ngành về tỷ lệ CASA, đạt 38.35%, tăng hơn 4 điểm phần trăm so với đầu năm.
Phía TCB cho biết, số dư CASA tăng trong 3 quý liên tiếp đạt mức kỷ lục của Ngân hàng 181.5 ngàn tỷ đồng tại thời điểm cuối năm, tăng mạnh 37% so với quý 4/2022 và 32% so với quý 3. Qua đó, tỷ lệ CASA cải thiện lên tới 40%. Mức tăng trưởng cho thấy năng lực ngân hàng giao dịch của TCB, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng khối lượng giao dịch trên các kênh số (tăng 41% so với cùng kỳ, lên 2.2 tỷ giao dịch, tương đương 13% thị phần giao dịch NAPAS) và lượng truy cập ứng dụng mỗi tháng trên toàn cầu - hơn 50 lượt/ khách hàng chủ động.
MB có tỷ lệ CASA đạt 38.08%, tăng nhẹ 0.4 điểm phần trăm so với đầu năm. MB cho biết, tỷ lệ CASA duy trì ở mức 40%, quản lý hiệu quả chi phí hoạt động, đồng thời giúp Ngân hàng gia tăng cạnh tranh trong cuộc đua chuyển đổi số ngân hàng.
Trong năm qua, số lượng thanh toán không tiền mặt của MB đạt 2.6 tỷ giao dịch, tăng 1.5 lần so với năm 2022. Doanh thu trên các nền tảng số của MB chạm mốc 24.4%. Chủ tịch HĐQT MB - ông Lưu Trung Thái - cho hay: “Trong 4 năm tới, MB xác định doanh thu trên nền tảng số sẽ chiếm 50% doanh thu cho Ngân hàng”.
Tỷ lệ CASA tính đến cuối năm 2023 Nguồn: VietstockFinance (Lưu ý: Tỷ lệ CASA trong bài tính theo công thức Tỷ lệ CASA = Tiền gửi không kỳ hạn/ Tiền gửi khách hàng) |
Vì sao CASA tăng trưởng mạnh?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế giải thích, CASA tăng trưởng vì đầu tư vào thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản rủi ro hơn. Trong năm qua, thị trường bất động sản đóng băng và cũng khó để đầu tư được nữa, vì giá đã khá cao, thị trường ứ đọng; do đó, nếu muốn thu hút được nhà đầu tư, chỉ có thể giảm giá.
Thị trường chứng khoán thì lại “phập phồng”, vàng đã ở đỉnh và đã tăng khá cao nên nhà đầu tư cũng khó để có thể đổ tiền vào.
Vì vậy, những người có thu nhập vào cuối năm, nếu muốn giữ giá trị tài sản, chỉ có thể gửi tiền vào ngân hàng là an tâm nhất, dù lãi suất tiền gửi hiện nay rất thấp, nhưng vẫn an toàn hơn so với đầu tư vào các kênh khác có độ rủi ro cao hơn. Từ đó, đẩy CASA ngân hàng tăng lên.
Cùng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM đánh giá, do lãi suất thấp, mọi người cũng không có động cơ gửi tiết kiệm nhiều, mà giữ tiền trong tài khoản thanh toán, chờ cơ hội chuyển sang những kênh khác.
Tuy nhiên, cơ hội đó không có nhiều trong năm qua. Dù dòng tiền vẫn đang chờ để chuyển kênh, nhưng rõ ràng tiền gửi ngân hàng vẫn tăng kỷ lục, nên CASA cũng tăng theo tiền gửi ngân hàng.
Thêm nữa, doanh nghiệp cũng không có nhu cầu sản xuất kinh doanh khi sức cầu yếu. Họ cũng gửi tiền vào ngân hàng.
Nhìn chung, các hành vi này đều dẫn đến việc người dân gửi tiết kiệm và giữ tiền tại ngân hàng nhiều hơn so với giai đoạn trước.
Dù hiện nay người dân có thể đã bắt đầu tích lũy trở lại, nhưng chưa rõ ràng hình thành nên xu hướng tiết kiệm hay đầu tư. Dòng tiền vẫn nằm trong ngân hàng chờ cơ hội đầu tư sang những kênh khác, sẽ tiếp tục tạo ra việc tăng tiền gửi ngân hàng và tăng CASA.
Với những kỳ vọng đó, nhiều ngân hàng đã đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng CASA trong năm 2024, xem đây là động lực cải thiện chi phí vốn.
Là ngân hàng có lượng CASA tăng cao nhất hệ thống trong năm 2023. HDBank đề ra mục tiêu tỷ lệ CASA trong năm 2024 đạt tối thiểu 16%, từ mức 11% của năm 2023. Đây sẽ là yếu tố tác động rất tích cực lên chi phí vốn của Ngân hàng trong năm 2024.
Tại VPBank, phân khúc khách hàng cá nhân trong vai trò đầu tàu, có đóng góp quan trọng với số dư CASA đạt 47 ngàn tỷ đồng vào cuối năm 2023, tăng gấp đôi so với năm 2022.
Trên nền tảng CASA từ mảng khách hàng cá nhân tăng trưởng gấp đôi so với năm 2022, đóng góp hơn một nửa quy mô CASA toàn hàng, lãnh đạo mảng ngân hàng bán lẻ của VPBank đặt ra mục tiêu đầy tham vọng tiếp tục nhân đôi con số này trong năm 2024.
Mục tiêu tăng trưởng CASA luôn được VPBank đặt ra trong suốt các năm vừa qua. CASA cao được nhìn nhận là một trong những yếu tố hỗ trợ Ngân hàng giảm chi phí vốn và cải thiện biên lãi ròng (NIM).