A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xã hội hóa sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn tại Long An

Ông Nguyễn Thành Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An cho biết, Du lịch Long An hiện phát triển chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Các cấp, ngành chưa thực sự xem du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao; sự phối hợp thực hiện có lúc, có nơi chưa tốt. Vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy…

Từ thực trạng trên, tỉnh triển khai nhiều giải pháp phát triển du lịch địa phương. Theo đó, tỉnh tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý liên ngành, liên vùng. Đồng thời phát huy cơ chế, chính sách có tính đột phá, xác định phát triển du lịch là tất yếu, phù hợp xu thế và tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm, một trong những khâu đột phá kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng xanh, bền vững.

Long An xây dựng quy hoạch phát triển du lịch theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; ban hành chính sách, định hướng thúc đẩy thu hút nhà đầu tư chiến lược, phát triển tổ hợp vui chơi, giải trí, du lịch golf, khách sạn, lưu trú nghỉ dưỡng, mua sắm… nhằm tăng chi tiêu của du khách. Cùng với đó là xây dựng và phát huy cơ chế phối hợp liên ngành, tạo thuận lợi cho phát triển du lịch; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư tham gia phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch, nhất là hạ tầng giao thông; tăng cường xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, khai thác dịch vụ chất lượng và giá trị cao... Đồng thời thúc đẩy phát triển mô hình khởi nghiệp làm du lịch nông nghiệp, nông thôn, phát huy giá trị văn hóa và tự nhiên của địa phương nhằm tăng cường tính kết nối trong chuỗi giá trị du lịch.

Địa phương đầu tư, quảng bá, đẩy mạnh xã hội hóa sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh và tạo bản sắc du lịch Long An với hình ảnh đặc trưng sông Vàm Cỏ trên nền cảnh quan sinh thái Đồng Tháp Mười và thiên đường vui chơi giải trí, các di tích lịch sử văn hóa. Đặc biệt, tỉnh tăng cường quảng bá hình ảnh đất và người Long An; hợp tác phát triển du lịch các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là trong tổ chức xúc tiến du lịch các thành phố châu Á - Thái Bình Dương (TPO) mà Long An là thành viên chính thức.

Long An hiện có 9 khu, điểm du lịch; 125 di tích lịch sử văn hóa; 285 cơ sở lưu trú là khách sạn, nhà nghỉ với 4.602 phòng (trong đó, có 5 khách sạn 2 sao). Tỉnh có 18 doanh nghiệp lữ hành, trong đó, 4 lữ hành quốc tế; 404 hoạt động lễ hội, tế lễ liên quan đến tín ngưỡng dân gian… diễn ra ở đình làng, chùa, miếu, cơ sở thừa tự. Các lễ hội thu hút hàng chục ngàn lượt khách như, Lễ hội vía Bà Ngũ hành huyện Cần Giuộc, Lễ hội làm chay huyện Châu Thành, Lễ hội chùa Nổi, Di tích Long Khốt huyện Vĩnh Hưng…

Lượt khách, doanh thu du lịch luôn tăng hàng năm, đóng góp vào sự phát triển toàn diện của tỉnh. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, Long An đón 800 ngàn lượt khách, trong đó, có 18,5 ngàn lượt khách quốc tế, tăng gấp 2 so với cùng kỳ năm trước, doanh thu ước tính đạt 410 tỉ đồng./.

Thanh Bình


Tác giả: Trần Thanh Bình
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :