Sản phẩm du lịch đặc thù, chuyên biệt từ nông nghiệp, nông thôn
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), du lịch nông nghiệp, nông thôn đã góp phần đa dạng điểm đến, sản phẩm du lịch Việt Nam, kéo dài thời gian lưu trú của khách.
Cả nước hiện có 488/1731 khu, điểm du lịch đã được công nhận theo quy định của Luật Du lịch 2017, khoảng 80 % điểm du lịch nằm ở nông thôn (382 điểm). Nhiều địa phương khai thác thế mạnh về giá trị văn hóa truyền thống, sản xuất canh tác nông nghiệp, đặc sản địa phương, cảnh quan thiên nhiên, lễ hội, làng nghề truyền thống, ẩm thực… tạo nên sản phẩm dịch vụ du lịch có tính đặc thù, chuyên biệt cao.
Cụ thể, nhiều địa phương khai thác sản phẩm du lịch dựa trên đặc trưng hoạt động nông nghiệp, chủ yếu là khu vực chuyên canh cây ăn quả, chè, cà phê, trồng hoa, cây cảnh, chăn nuôi (bò sữa, thủy hải sản…), dự án sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ ứng dụng khoa học công nghệ.
Một số hoạt động du lịch nông nghiệp được đẩy mạnh khai thác kết hợp với du lịch cộng đồng, văn hóa, sinh thái, làng nghề… phát triển mạnh ở khu vực miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên… Một số bản, làng khai thác du lịch được đánh giá, công nhận theo tiêu chí OCOP, tiêu chuẩn ASEAN, đoạt giải thưởng Làng du lịch tốt nhất thế giới của UN Tourism (Làng Tân Hóa ở Quảng Bình và Làng Thái Hải ở Thái Nguyên).
Nhiều địa phương đầu tư khai thác đặc trưng nông nghiệp, nông thôn, tạo nên sức hấp dẫn và thu hút khách về với khu vực nông thôn, trải nghiệm giá trị khu vực nông thôn. Trong đó có thể kể đến: Lễ hội trái cây (Thành phố Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long); Lễ hội Cà phê Tây Nguyên; Sắc vàng Tam Cốc (Ninh Bình); Ruộng bậc thang - Mùa lúa chín Tây Bắc...
Đáng mừng là ngày càng nhiều hộ dân tại các bản làng phát triển du lịch cộng đồng đã đầu tư phát triển hệ thống homestay chất lượng, chuyển từ lưu trú tại các nhà cộng đồng sang lưu trú khép kín, đáp ứng nhu cầu riêng biệt, chất lượng cao. Hệ thống nhà vệ sinh, cảnh quan, hạ tầng kết nối với các bản làng, nhà trưng bày… được nâng cấp gắn với đặc trưng văn hóa đã góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch nông thôn.
Cùng đó, nhiều dự án du lịch được đầu tư trên cơ sở khai thác lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa cộng đồng, sinh thái nông nghiệp của khu vực nông thôn, cung cấp những sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, có thương hiệu. Các hoạt động này tập trung chủ yếu ở khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp, gần với các điểm du lịch có khả năng thu hút khách như Sa Pa (Lào Cai), Phù Luông (Thanh Hoá), Bà Rịa - Vũng Tàu, Bảo Lộc, Đà Lạt (Lâm Đồng), Sơn Tây, Ba Vì, Đông Anh (Hà Nội), Kỳ Sơn, Mai Châu (Hòa Bình), Ninh Bình… Đặc biệt, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm OCOP đã được quan tâm. Nhiều sản phẩm OCOP được dùng để cung ứng sản phẩm du lịch như ẩm thực, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, quà tặng khách, trưng bày, xúc tiến quảng bá cho gian hàng, giới thiệu điểm đến…
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, sản phẩm du lịch nông nghiệp bắt nguồn từ chiều sâu văn hóa bản địa, cộng đồng làng xã, cùng thành tựu về nông nghiệp, nông thôn và quá trình xây dựng nông thôn mới đã tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Đặc biệt, người dân biết tận dụng tiềm năng, thế mạnh của làng quê để tạo ra các sản phẩm đặc sắc đó. Việt Nam có đa dạng sản phẩm, dịch vụ du lịch, làng nghề thủ công, nền văn hóa nông nghiệp lúa nước để gia tăng trải nghiệm cho du khách, đồng thời mang lại lợi ích, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Tuy vậy, để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn bền vững cần gỡ nút thắt về thể chể chính sách, nhất là liên quan đến đất đai, hạ tầng. Bên cạnh đó, cần tập trung nhận diện, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thổi hồn văn hóa vào sản phẩm du lịch của từng địa phương.../.
Thanh Giang