A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển du lịch phù hợp với xu thế hiện đại

Ngày 15/1, UBND thành phố Tuyên Quang tổ chức Hội nghị gặp gỡ, kết nối với hơn 60 đơn vị là các công ty lữ hành nội địa giới thiệu Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La và những nét đặc sắc của du lịch thành phố.
 

Lễ hội đền Hạ, đền Thượng và đền Ỷ La sẽ diễn ra từ ngày 9 - 15/3 (tức từ ngày 10/2 đến ngày 16/2 âm lịch). Đây là hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các di tích cấp quốc gia, góp phần thu hút du khách, đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố Tuyên Quang và tỉnh.

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị đã nêu nhiều ý kiến nhằm đưa du lịch của thành phố phát triển theo hướng phù hợp với xu thế hiện nay.

Theo bà Phạm Thị Hương Thơm, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại du lịch Sức Sống Việt (Hà Nội), để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, thành phố cần tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu và tạo liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch trong cả nước. Thành phố có thể phối hợp và hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong việc xây dựng sản phẩm trải nghiệm mang tính bền vững, nâng cao chất lượng dịch vụ, kết nối tour, tuyến giữa Tuyên Quang và các tỉnh, thành phố khác. Đặc biệt, địa phương cần có thêm các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp đầu tư vào du lịch.

Bà Phạm Thị Hải Yến, Giám đốc Công ty Du lịch Hải Yến (Hà Nội) chia sẻ, địa phương nên chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch (giao thông, cơ sở lưu trú và các tiện ích hỗ trợ). Đồng thời cần kết nối giữa sản phẩm du lịch địa phương với các tour du lịch lớn tại Hà Nội, Lào Cai và các tỉnh lân cận. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp Tuyên Quang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Theo Trưởng phòng Kinh doanh khách sạn Mường Thanh Tuyên Quang Vũ Văn Cường, UBND thành phố và tỉnh Tuyên Quang cần xây dựng, phát triển 3 dòng sản phẩm du lịch chính và thiết kế hoàn chỉnh, nổi bật. Trong đó có sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng tập trung vào khai thác các khu vực suối khoáng và điểm nghỉ dưỡng chất lượng cao. Sản phẩm du lịch tâm linh gắn với các địa danh như đền, chùa và các di tích lịch sử văn hóa quan trọng; sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm chú trọng phát triển tại các khu vực thiên nhiên đặc sắc như Na Hang với hoạt động khám phá, trải nghiệm văn hóa và thiên nhiên…

Ông Đỗ Đình Đạt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang nêu rõ, thành phố mong muốn thường xuyên liên kết chặt chẽ với các đơn vị du lịch trong nước, quốc tế để lựa chọn những nét đặc sắc về văn hóa, câu chuyện lịch sử, danh lam thắng cảnh và lễ hội truyền thống để giới thiệu, quảng bá đến du khách.

Thành phố Tuyên Quang hiện có 63 di tích lịch sử - văn hóa (41 di tích lịch sử cách mạng và 22 di tích văn hóa, kiến trúc nghệ thuật); trên 10 điểm du lịch (5 điểm du lịch được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh). Nổi bật là các địa điểm: Thiền viện Trúc lâm chính pháp Tuyên Quang (xã Trảng Đà); Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm đang được triển khai và hoàn thành theo quy hoạch; quảng trường Nguyễn Tất Thành là 1 trong 11 công trình, dự án cảnh quan xuất sắc đạt “Giải thưởng Phong cảnh thành phố châu Á” năm 2022.../.

Quang Cường


Tác giả: Nguyễn Quang Cường
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :