A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng chất lượng hướng dẫn viên du lịch

Hướng dẫn viên du lịch được xem là "đại sứ" giới thiệu hình ảnh, văn hóa, lịch sử… của điểm tham quan nên cần được đầu tư cả về kiến thức, kinh nghiệm lẫn văn hóa ứng xử

Clip một hướng dẫn viên du lịch (HDV) thuyết minh tại Đại nội Huế về chuyện phòng the của phi tần thời nhà Nguyễn nhưng là chuyện mang tính truyền miệng và chưa có căn cứ chính xác - đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Bên cạnh sự bất bình, vấn đề bài toán về nguồn nhân lực, trong đó có HDV vẫn thiếu, đã được các chuyên gia đặt ra sau sự việc trên.

Không để "sâu làm rầu nồi canh"

Vừa là lãnh đạo công ty vừa trực tiếp làm HDV dẫn tour nhiều năm, ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, cho biết thông tin lịch sử mang tính chất dân gian, không chính thống, ông sẽ không đưa vào để thuyết minh chính thức cho du khách.

Theo ông Dũng, có thực tế hiện nay là một số HDV đem những chuyện thâm cung bí sử ra kể để đáp ứng thị hiếu của một bộ phận khách thích nghe. Tuy nhiên, đó là những câu chuyện mang tính chất truyền miệng nhiều hơn nên nếu đứng ở vị trí HDV là không nên kể.

Để tránh điều đáng tiếc xảy ra, ông Trần Thế Dũng đề xuất các doanh nghiệp nên thuê HDV tại địa phương để vừa am hiểu điểm đến vừa hạn chế tình trạng HDV của công ty lơ mơ kiến thức. Cùng với đó, tăng cường rèn luyện, đào tạo HDV thay vì giao khoán, bỏ ngỏ. Cần quán triệt HDV tạo sự hào hứng, hấp dẫn cho du khách bằng kiến thức và khả năng thuyết minh của mình thay vì những chuyện hài hước rẻ tiền bao gồm cả những chuyện thâm cung bí sử truyền miệng. "Như các sản phẩm tour của Thế Hệ Trẻ mỗi năm đều làm mới điểm đến nên HDV cũng cần cập nhật kiến thức liên tục để tránh lạc hậu và tạo sự mới mẻ cho du khách" - ông Trần Thế Dũng nói thêm.

Ông Trần Tường Huy, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch xã hội, nhận định HDV được lựa chọn từ nhiều nguồn. Họ phải được đào tạo bài bản và có nền tảng về nhận thức, về kiến thức, về hiểu biết xã hội, nghĩa là phải có kiến thức nền. Còn hiện nay, HDV đang có tình trạng là "ai cũng làm được" nên khó tránh khỏi chất lượng không đồng đều. Đặc biệt, sau dịch COVID-19, chất lượng HDV đã bị suy giảm bên cạnh việc thiếu như lâu nay.

Ông Trần Tường Huy cho rằng để cải thiện chất lượng HDV, cần tổ chức các chương trình đào tạo, cấp thẻ HDV một cách bài bản, định kỳ... Bởi đây là ngành nghề đặc thù, mỗi HDV thuyết minh kiến thức về văn hóa, lịch sử tại mỗi điểm đến đóng vai trò rất quan trọng. Các HDV cần thể hiện đúng vai trò quan trọng trong quảng bá lịch sử, điểm đến, truyền tải kiến thức, sự hào hứng cho du khách.

Nâng chất lượng hướng dẫn viên du lịch - Ảnh 1.

Nâng chất lượng hướng dẫn viên du lịch - Ảnh 2.

Du khách tham quan ở Thừa Thiên - Huế đang nghe hướng dẫn viên thuyết minh Ảnh: Lam Giang

Phải bài bản

Về phía DN, ông Nguyễn Bảo Toàn, Giám đốc Trung tâm Điều hành HDV du lịch Việt Nam (trực thuộc Công ty Du lịch Vietravel), cho biết Công ty Vietravel luôn hạn chế tối đa những sự cố liên quan đến HDV nói riêng và nhân sự làm du lịch trong quá trình phục vụ du khách nói chung.

Chẳng hạn, bộ phận đào tạo HDV luôn có tất cả bài thuyết minh chuẩn của các tuyến điểm, gồm phần thuyết minh của bộ phận đào tạo là giáo viên soạn theo kinh nghiệm và kiến thức thực tế, cùng bản thuyết minh do chính HDV đó soạn. Từ 2 bản này sẽ tổng hợp thành bản thuyết minh chuẩn có nguồn đầy đủ. Tất cả HDV đi theo đoàn của Công ty Vietravel sẽ được cấp kịch bản đi đoàn (gồm thời gian và không gian) của tuyến điểm và tài liệu thuyết minh hoàn chỉnh.

"Như tour khám phá bờ Đông và bờ Tây của Mỹ trong 11 ngày, HDV sẽ được cấp bản thuyết minh chuẩn cho suốt lịch trình này và theo kịch bản có sẵn. Doanh nghiệp cũng kiểm tra định kỳ hằng tháng các HDV về kiến thức để sàng lọc lại, điều chỉnh cho phù hợp. Trung tâm cũng sẽ tổ chức các lớp chuyên đề theo "đặt hàng" của HDV và đối tác nội bộ để cập nhật cho phù hợp thực tế" - ông Nguyễn Bảo Toàn nói.

Để hạn chế tình trạng HDV thuyết minh tùy tiện và "lấy câu chuyện mua vui", theo các chuyên gia, cần tôn trọng thuyết minh viên tại điểm. Thực tế, những điểm đến rất quan trọng, di tích lịch sử nổi tiếng mới có thuyết minh viên tại điểm nên cần tận dụng đội ngũ này, vì họ có thông tin chính thống. Ngoài ra, nhiều chuyên gia du lịch cũng đề xuất cơ quan quản lý về du lịch ở các địa phương, hiệp hội du lịch các địa phương và cả chi hội HDV du lịch các địa phương tổ chức những đợt đào tạo, nâng cao nghiệp vụ bồi dưỡng cho HDV để không ngừng nâng cấp chất lượng. 

Lời giải thích "dậy sóng"

Từ ngày 11-3, mạng xã hội chia sẻ chóng mặt một clip ghi lại lời nói của nam thanh niên được cho là HDV du lịch đang hướng dẫn du khách tham quan tại Đại nội Huế.

Trong clip, nam thanh niên nói trong miền Trung và miền Nam người ta không thờ chuối già hương (loại trái dài) mà chỉ thờ chuối sứ (loại trái ngắn). Đi cùng với đó là những lời giải thích thiếu căn cứ, ngôn ngữ phản cảm và xúc phạm các bậc tiền nhân...

Thiếu cả HDV tiếng nước ngoài

Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt, cho biết trong giai đoạn phục hồi, khách quốc tế bắt đầu trở lại nhiều nhưng các DN cũng đang đau đầu vì thiếu HDV không chỉ tiếng Việt mà cả tiếng nước ngoài như Pháp, Đức, Ý...

Lực lượng HDV nói tiếng nước ngoài đã bị hao hụt đáng kể. Đơn cử như TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) muốn tìm khoảng chục HDV tiếng Pháp là hiếm vô cùng dù điểm đến này trước dịch COVID-19, khách Pháp đến rất nhiều. Trong khi đó, việc đào tạo HDV nói tiếng nước ngoài không dễ. Khó khăn này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.

"Việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ HDV cả trong nước và quốc tế là rất cần thiết để tránh thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm và phải truyền tải những kiến thức không chuẩn cho du khách" - ông Phan Xuân Anh nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :