Gia tăng giá trị sản phẩm du lịch
Liên kết du lịch giữa TP HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL là mô hình liên kết đầu tiên trên cả nước nâng tầm ở cấp độ địa phương, tạo thêm giá trị gia tăng cho ngành
Đến nay, không chỉ các doanh nghiệp (DN) trong ngành mà ngay cả nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đều khẳng định chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP HCM với 13 tỉnh, thành ĐBSCL là chương trình liên kết vùng đầu tiên được triển khai, tạo hiệu ứng lan tỏa trên cả nước.
"Quả ngọt" từ chuyển đổi số
Để thúc đẩy liên kết du lịch, các địa phương, DN đã và đang tích cực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ - bao gồm AI (trí tuệ nhân tạo) - vào hoạt động quảng bá, xúc tiến điểm đến, xây dựng sản phẩm mới, đạt hiệu quả cao.
Ông Trương Gia Khánh, Giám đốc Điều hành Vian Travel, cho biết nhờ ứng dụng công nghệ vào phân khúc inbound (đón khách quốc tế đến Việt Nam), số lượng sản phẩm du lịch đã tăng lên nhiều, đáp ứng nhu cầu của du khách. Cụ thể, từ năm 2019, Vian Travel đã ứng dụng QR Code để quảng bá, giới thiệu sản phẩm trực tiếp tới du khách. Ngay trên nền tảng QR Code, du khách có thể tìm hiểu toàn bộ sản phẩm du lịch từ TP HCM đi ĐBSCL, đặt tour, lịch trình theo nhu cầu.
Du khách TP HCM thích thú khi được trải nghiệm tại các điểm đến ở ĐBSCL .Ảnh: TỐ THƯ
Ông Trương Gia Khánh giải thích: "Chẳng hạn, với cung đường TP HCM - Bến Tre, khách nội địa có 1 tour, còn khách nước ngoài từ tour này có thể chọn hàng chục điểm theo nhu cầu, như từ TP HCM đi Cồn Phụng hoặc tới Cồn Phụng rồi có thể chọn đi tiếp đến Thới Sơn… Công nghệ cũng giúp việc quảng bá sản phẩm, tour tuyến tới khách dễ dàng hơn khi gợi ý cho họ những điểm đến tiếp theo ngay trên app, thay vì phát tờ rơi như trước. Về ngôn ngữ, ứng dụng quảng bá của Vian Travel hiện có tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Việt".
Lợi thế lớn khi áp dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh là giúp tiết kiệm chi phí, nguồn nhân sự mà vẫn bảo đảm quảng bá, khai thác tốt sản phẩm du lịch. Ví dụ, với hướng dẫn viên du lịch, khi thông tin được định hướng rõ ràng trên website, app… sẽ tránh tình trạng tùy ý cung cấp kiến thức chưa phù hợp, kiểm soát được thông tin.
Theo số liệu thống kê năm 2022 tại 100 DN lữ hành hàng đầu của TP HCM thường xuyên tham gia liên kết, hợp tác với các tỉnh - thành ĐBSCL, khoảng 1,8 triệu lượt du khách của họ đã về miền Tây trải nghiệm văn hóa, sinh thái, sông nước miệt vườn và thưởng thức ẩm thực Nam Bộ. Chỉ riêng Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), thành viên chương trình liên kết vùng, từ khi triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch đã tổ chức khảo sát 126 tuyến điểm, khách sạn, resort, homestay, nhà hàng, cửa hàng… DN này đã xây dựng và chào bán 3 sản phẩm liên tuyến đặc trưng vùng sông Mê Kông.
Đánh giá về tiềm năng du lịch trong việc liên kết với TP HCM, nhiều DN nhận định điều kiện thuận lợi là cơ sở hạ tầng phát triển nhanh vài năm nay; chất lượng dịch vụ khách sạn, nhà hàng, resort… có nhiều cải thiện. Số lượng đường bay kết nối TP HCM với ĐBSCL nhiều hơn, tạo điều kiện thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế tới vùng này ngày càng tăng.
Ông Lê Hồng Tú, Giám đốc Công ty Du lịch BT Tour, cho hay thị trường khách nói tiếng Hoa đã được DN này khai thác tốt từ trước dịch, nay đang đẩy mạnh trong liên kết với vùng ĐBSCL. Với tour ngắn ngày giữa các địa phương, có tới 70% sản phẩm được bán qua những kênh online nhằm cung cấp sản phẩm đa dạng và nhiều sự lựa chọn cho du khách. Việc ứng dụng công nghệ, bán tour trực tuyến đã giúp khách quốc tế đi tự túc có thể tới TP HCM rồi đặt tour đi ngay các tỉnh, thành ĐBSCL.
"Có một phân khúc khách Trung Quốc đang rất chuộng mua tour, sản phẩm du lịch qua các nền tảng, ứng dụng trực tuyến. Chúng tôi đang làm việc trực tiếp với một số đối tác trên các nền tảng của Trung Quốc để quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch trong chương trình liên kết TP HCM và ĐBSCL. Cơ hội đón khách là rất lớn" - ông Lê Hồng Tú nhận định.
Tận dụng tối đa ưu thế
Sở Du lịch TP HCM cho biết từ năm 2019, chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố và 13 địa phương ĐBSCL đã được triển khai, lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy cho cộng đồng và DN trong ngành.
Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động liên kết càng cần thiết để tạo động lực cho 14 tỉnh, thành phố này phục hồi và phát triển du lịch. Hiện nay, khách nội địa vẫn là thị trường trọng điểm và chiếm 2/3 số du khách đến các tỉnh, thành này. Với lợi thế thỏa thuận liên kết, TP HCM và ĐBSCL cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa dòng khách 2 chiều.
Để phát huy hơn nữa những kết quả đạt được trong liên kết du lịch với ĐBSCL, Sở Du lịch TP HCM đang phối hợp với các cơ quan quản lý du lịch 13 tỉnh, thành khu vực này tham mưu chính sách, tạo điều kiện để DN xây dựng và chào bán sản phẩm du lịch của TP HCM cho khách ở miền Tây. TP HCM sẽ làm đầu mối mở rộng liên kết với Đông Nam Bộ và các khu vực khác để DN phối hợp xây dựng, chào bán sản phẩm; nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, phù hợp với liên kết vùng.
Một bài toán hoán đổi cũng được ngành du lịch đưa ra. Theo đó, 1/3 trong số 10 triệu dân của TP HCM về các tỉnh, thành ĐBSCL du lịch; ngược lại, 1/3 trong số 20 triệu dân ĐBSCL đến du lịch TP HCM, góp phần tháo gỡ những khó khăn trước mắt của DN.
"TP HCM xác định là cửa ngõ du lịch, cần có các sản phẩm để hút dòng khách từ các tỉnh, thành khác đến trải nghiệm chương trình du lịch liên kết, rồi từ thành phố về ĐBSCL. Từ đó, đẩy mạnh giá trị của sự hợp tác phát triển du lịch theo hướng bền vững" - bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, nhấn mạnh.
Góp ý thêm, ông Trương Gia Khánh cho rằng TP HCM có thể ứng dụng công nghệ ánh sáng vào việc quảng bá lịch sử với những chương trình biểu diễn nghệ thuật ánh sáng quy mô lớn ở khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, trước trụ sở UBND thành phố... Các chương trình biểu diễn nghệ thuật ánh sáng này sẽ giới thiệu lịch sử TP HCM và quảng bá cảnh đẹp, điểm đến của 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Chương trình cần được cố định hằng tuần để tạo thành điểm nhấn. DN lữ hành có thể đưa vào chương trình các sản phẩm quảng bá tới du khách.
Ở khía cạnh cá nhân, Giám đốc Điều hành Vian Travel cho hay DN của ông đang nghiên cứu và đề xuất ứng dụng nền tảng công nghệ NFT - blockchain vào du lịch. Trong đó, công ty đã đề xuất với tỉnh Đồng Tháp thiết kế mô hình "Bé Sen" trên các nền tảng để quảng bá, xúc tiến, tương tự ChatGPT.
"Khi mô hình này hoàn thành, du khách có thể tìm kiếm "Bé Sen" và biết được Đồng Tháp có sản phẩm du lịch nào, điểm đến ra sao, tới đó thì ăn gì, chơi ở đâu…" - ông Trương Gia Khánh hào hứng.
Quảng bá thương hiệu du lịch vùng đầu tiên
Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL là chương trình liên kết đầu tiên đã xây dựng và công bố bộ nhận diện thương hiệu du lịch liên kết vùng (logo và slogan). Tên gọi "Sống động phương Nam" đã được ứng dụng, triển khai vào các sự kiện liên kết hợp tác du lịch vùng và từng sự kiện của mỗi địa phương.
Từ những "quả ngọt" của du lịch, hoạt động liên kết đã lan tỏa ra các lĩnh vực khác như đầu tư, xúc tiến thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... TP HCM và ĐBSCL còn định hướng liên kết mở rộng hợp tác phát triển du lịch với những vùng du lịch trọng điểm trong nước và các thị trường quốc tế phù hợp.
3 tuyến du lịch, hơn 70 sản phẩm
Thống kê sơ bộ cho thấy đến nay, TP HCM đã phối hợp với các tỉnh, thành ĐBSCL hình thành và công bố 3 trục tuyến du lịch liên kết để hoàn thiện sản phẩm, gồm: tuyến "Những nẻo đường phù sa" kết nối TP HCM với Tiền Giang - Vĩnh Long - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau, tuyến "Non nước hữu tình" kết nối TP HCM với Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh và tuyến "Sắc màu vùng biên" kết nối TP HCM với Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang.
Ngoài ra, các DN du lịch lữ hành của TP HCM còn xây dựng hơn 70 chương trình từ thành phố đến các tỉnh, thành ĐBSCL. Những chương trình này đã được giới thiệu, quảng bá tới du khách trong và ngoài nước. Các địa phương và DN đang tiếp tục khảo sát, xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới.