Du lịch Việt Nam: Đổi mới sản phẩm, hướng tới mùa du lịch cuối năm
Các địa phương trọng điểm về du lịch trong cả nước đã khép lại mùa du lịch hè với nhiều kết quả ấn tượng. Từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau là giai đoạn cao điểm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, do đó các địa phương tích cực đổi mới, nâng tầm sản phẩm, dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, đặc sắc, tiếp tục khẳng định vị thế điểm đến.
* Tăng nét riêng cho điểm đến
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, du lịch nước ta có rất nhiều thuận lợi như vị trí địa lý, tài nguyên tự nhiên và văn hóa đa dạng, đặc sắc. Người dân thân thiện, hiếu khách. Kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông ngày càng được cải thiện, hệ thống cơ sở lưu trú ngày càng được nâng cao cả về chất và lượng.
Thực tế, khách du lịch đòi hỏi ngày càng cao về cả chất lượng sản phẩm, tính đa dạng, sự độc đáo trong các trải nghiệm. Do đó, sau mùa du lịch hè, để thu hút du khách trong những tháng cuối năm và dịp đón năm mới 2025, các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tăng ấn tượng, tạo nét riêng, thể hiện rõ tính khác biệt cho điểm đến.
Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thu hút du khách bởi điểm đến luôn thể hiện sự cởi mở, trẻ trung, sống động, hứng khởi của đô thị năng động, hiện đại nhưng vẫn giữ những nét riêng qua nếp sống của cộng đồng các dân tộc, những chợ truyền thống, phố chuyên doanh, làng nghề trăm năm tuổi… Trong 8 tháng của năm 2024, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đón gần 26,5 triệu lượt du khách, doanh thu tăng 15% so cùng kỳ năm 2023.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Lê Trương Hiền Hòa, tiếp tục thu hút du khách, Thành phố tập trung phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng đặc trưng, tương ứng với tiềm năng từng quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Ví dụ với Quận 1 là các sản phẩm trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, hoạt động giao thương của đô thị sống động, những đêm không ngủ. Quận 5 phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, trải nghiệm với chủ đề “Ký ức Chợ Lớn”. Quận 4 có hành trình tham quan các di tích, công trình kiến trúc, khu phố ẩm thực theo chủ đề “Cù lao giữa lòng phố thị”. Thành phố Thủ Đức tập trung giới thiệu giới hình ảnh “Thành phố xanh bên sông Sài Gòn”. Huyện ngoại thành Cần Giờ phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử theo các tuyến “Hơi thở của rừng”, “Bản hùng ca biệt động và rừng Sác, Cần Giờ”…
Tại duyên hải Nam Trung Bộ, tỉnh Bình Thuận với ưu thế du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, thể thao mạo hiểm gắn với biển, đảo cũng đẩy mạnh phát triển, khai thác các sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn. Trong 8 tháng năm 2024 du lịch Bình Thuận tiếp tục tăng trưởng mạnh với trên 6,4 triệu lượt du khách trong và ngoài nước. Những tháng cuối năm thường là thời điểm nhiều du khách quốc tế chọn điểm đến Bình Thuận, tận hưởng khí hậu ấm áp.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, đáp ứng nhiều thị trường du khách, Bình Thuận phát triển các sản phẩm du lịch chuyên đề như du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch cộng đồng, nông nghiệp, sinh thái biển - rừng - đồi cát (thể thao biển, thể thao trên cát…). Nhiều sản phẩm, loại hình du lịch hấp dẫn được tỉnh nâng cao chất lượng như du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch kết hợp hội nghị, du lịch nghiên cứu, tham quan thành phố Phan Thiết. Bình Thuận cũng tăng cường thiết kế, khai thác đậm nét hơn các di tích lịch sử, văn hóa, các làng nghề, nét văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số như Chăm, Cơ Ho, Chơ Ro...
Là trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, du lịch Cần Thơ đề ra mục tiêu cả năm 2024 đón 6,1 triệu lượt du khách. Sau mùa du lịch hè, các điểm đến, địa phương tiếp tục nâng chất sản phẩm gắn với hệ sinh thái miệt vườn và văn hóa đặc sắc vùng sông nước Cửu Long, thu hút du khách những tháng cuối năm và đầu năm mới 2025.
Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Chi nhánh Cần Thơ cho biết, du khách đến Đồng bằng sông Cửu Long những tháng cuối năm, đầu năm mới, nhất là dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán có nhu cầu tìm hiểu văn hóa miệt vườn, phong tục tiễn năm cũ, đón năm mới của người dân, thưởng thức đa dạng đặc sản nghệ thuật, ẩm thực... Do đó các sản phẩm tham quan, trải nghiệm gắn với văn hóa bản địa là hướng khai thác sản phẩm được doanh nghiệp khai thác mạnh. Đồng thời, doanh nghiệp tăng cường kết nối với nhiều điểm tham quan, khu du lịch để giới thiệu đến du khách đa dạng dòng sản phẩm du lịch, trong đó có hành trình liên tuyến qua các địa phương cùng ở Đồng bằng sông Cửu Long.
* Đẩy mạnh quảng bá
Nâng chất sản phẩm đi đôi quảng bá, lan tỏa tới nhiều thị trường du khách, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, du lịch thành phố tăng cường hợp tác với các kênh truyền thông, trong đó có Kênh truyền hình CNN (Mỹ) nhằm đẩy mạnh truyền thông, phát sóng các video quảng bá du lịch Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian tới sẽ có thêm nhiều chương trình giới thiệu văn hóa, con người và những trải nghiệm độc đáo tại Thành phố Hồ Chí Minh được sản xuất, tăng sự lan tỏa thông tin đến khán giả trong nước và quốc tế, thu hút nhiều hơn du khách đến Thành phố.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với các chuỗi phim ngắn, các ấn phẩm điện tử quảng bá du lịch mang đến góc nhìn, trải nghiệm mới cho du khách đã được công bố thời gian qua, Thành phố sẽ đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm, loại hình du lịch thông qua các danh hiệu, giải thưởng đã được vinh danh, khẳng định thương hiệu của du lịch Thành phố. Trong đó có các giải thưởng du lịch Thành phố Hồ Chí Minh vừa nhận được vào đầu tháng 9/2024 như: Ban Tổ chức Giải thưởng du lịch MICE thế giới vinh danh Hội chợ du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh là triển lãm thương mại tốt nhất châu Á, Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến du lịch MICE hàng đầu châu Á (đây là lần thứ 5 Thành phố đạt danh hiệu này), điểm đến về du lịch khen thưởng hàng đầu châu Á. Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới vinh danh Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á, điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á…
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có gần 3.230 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó gần 200 khách sạn đã được xếp hạng từ 1 - 5 sao, đảm bảo phục vụ chu đáo lượng lớn du khách cùng một thời điểm.
Với Bình Thuận, tỉnh tăng cường các hoạt động quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức đa dạng, chú trọng tại những thị trường trọng điểm, thị trường mới để gia tăng lượt khách đến Bình Thuận. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận phát huy vai trò của Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh, hỗ trợ nhiều hơn cho khách du lịch trong tiếp cận thông tin, khẳng định hình ảnh du lịch thân thiện, mến khách. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tích cực thông tin đầy đủ, chính xác về tiềm năng, thế mạnh, các sản phẩm du lịch dịch vụ của địa phương thông qua phát hành các ấn phẩm sách ảnh, tập gấp, bản đồ, sổ tay, đĩa VCD, các sản phẩm lưu niệm, quà tặng như móc khóa gỗ, tranh cát có mã QR... Bình Thuận phấn đấu tăng lượng khách du lịch đạt 11, 4 triệu lượt vào năm 2025, trong đó khách quốc tế chiếm 10%; doanh thu du lịch đạt trên 24.600 tỷ đồng, đóng góp khoảng 10% vào GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của tỉnh./.
Thanh Trà