Du lịch bội thu mùa lễ hội
Du lịch Thanh Hóa, Ninh Bình thắng lớn
Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, cho biết tổng lượt du khách tới Thanh Hóa trong 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt gần 1,6 triệu lượt (tăng 9,3% so với cùng kỳ), tổng thu ước đạt 1.500 tỉ đồng. Trong đó, khách quốc tế đạt 16.000 lượt, tổng thu 7,3 triệu USD.
Cũng theo ông Hồng, lượng khách tới Thanh Hóa nhiều nhất là vào tháng 2-2024 (dịp Tết Nguyên đán) với khoảng 1,3 triệu lượt (tăng 34,4% so với tháng cùng kỳ). "Năm nay thời tiết thuận lợi, các địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - thể thao và du lịch nên thu hút lượng khách du lịch đầu năm khá đông. Các điểm đến thu hút khách như: Lam Kinh, Phủ Na, Am Tiên, Thành nhà Hồ, TP Thanh Hóa..." - ông Hồng thông tin.
Tại tỉnh Ninh Bình, trong tháng 1 và tháng 2-2024, địa phương này đã đón gần 2,8 triệu lượt du khách tới tham quan, vãn cảnh, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó có 307.885 lượt khách quốc tế, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ 2023. Doanh thu ước đạt 2.352 tỉ đồng, tăng 29,65% so với cùng kỳ năm 2023. "Tỉnh Ninh Bình nằm trong tốp 5 điểm đến thu hút đông khách nhất cả nước sau TP HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa; đặc biệt Ninh Bình đứng thứ 2 trên cả nước về số lượng khách quốc tế (sau TP Đà Nẵng)" - ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, thông tin.
Năm nay, tỉnh Ninh Bình kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới nên địa phương này đã lên kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động từ tháng 1 đến tháng 9-2024. Để thu hút khách du lịch, ngoài tiếp tục triển khai các hoạt động lễ hội, văn hóa tâm linh đặc sắc, Thanh Hóa và Ninh Bình cũng đã có các phương án kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch... kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm.
Cần chiến lược đồng bộ thúc đẩy du lịch lễ hội
TS Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế và du lịch TP HCM, nhận định triển vọng phát triển du lịch lễ hội, du lịch tâm linh ở Việt Nam là rất lớn nhưng để trở thành những sản phẩm du lịch đặc sắc với tiêu chí "giữ chân khách ở lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn" thì đòi hỏi nhiều yếu tố và sự đồng bộ.
Khi mùa lễ hội đang diễn ra, khách quá đông, cơ sở lưu trú, điểm ăn uống, cung cấp dịch vụ du lịch... thường rơi vào tình trạng quá tải tạo ra định kiến về lễ hội. Không ít du khách ngại đi chơi mùa lễ hội hoặc ngại tới những điểm du lịch tâm linh vì sợ chen chúc, bị chặt chém, không đặt được khách sạn... Do đó, "muốn nâng chất du lịch lễ hội, du lịch tâm linh cần có chiến lược bài bản và đồng bộ từ tính toán công suất phục vụ của điểm đến có lễ hội; xây dựng không gian gắn với những hoạt động thực hành lễ hội để du khách hòa mình vào. Giai đoạn trước, trong và sau lễ hội đều có những nét thú vị, hấp dẫn riêng. Như trước lễ, khách hào hứng chuẩn bị; trong lễ thì có giây phút thiêng liêng, hoạt động khai hội rộn ràng… Nếu biết lồng ghép những giá trị cốt lõi, khai thác nét riêng không giống nhau giữa lễ hội của từng vùng miền sẽ tạo sự hấp dẫn với du khách" - TS Dương Đức Minh nói.
Nếu khai thác được những nét đặc sắc của lễ hội vào sản phẩm du lịch, các điểm đến giữ chân du khách ở lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn. Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, cho biết hiện một số địa phương đã thành công trong việc khai thác lễ hội, lấy những hoạt động mang tính văn hóa lồng vào du lịch có thu, có hiệu quả. Nhưng đa phần lễ hội vẫn mang tính chất đơn thuần, chưa khai thác hết phần "hội" vào sản phẩm cung cấp cho khách du lịch.
"Đơn cử, nếu những hoạt động như vẽ, in hoa văn lên vải may quần áo bằng sáp ong ở Hòa Bình; múa xòe của người Mông ở Lai Châu hay lễ cấp sắc của người Dao ở Lai Châu… được tái hiện bằng những hoạt động thường xuyên của các khu, điểm du lịch, homestay để du khách trải nghiệm thì cách làm này sẽ vừa giữ chân được khách vừa tăng thêm trải nghiệm, thay vì khách du lịch chỉ tới homestay, bản làng nghỉ ngơi, ăn uống sau thời gian tham quan" - ông Trần Thế Dũng nói.
TS Dương Đức Minh cho rằng cần sự đồng bộ phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng từ cơ sở lưu trú, điểm tham quan, mua sắm rồi kết hợp những điểm đặc sắc của lễ hội để du khách hưởng dịch vụ tốt, có nơi chi tiêu, mua sắm... Đây cũng là những yếu tố cần thiết để lễ hội, sự kiện trở thành sản phẩm du lịch, bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp.