A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Di thực rừng gỗ quý để… phục vụ du lịch sinh thái?

Từ khoảng cuối tháng 2-2022, tại tiểu khu 605, thuộc lâm phần do Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và Du lịch sinh thái (Trung tâm) - thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia (BQLVQG) Chư Mom Ray quản lý, bỗng nhiên xuất hiện các phương tiện cơ giới vào đào gốc, cắt cành, bó bầu nhiều cây gỗ rồi đưa lên xe chuyển đi.

Đây là những cây gỗ trắc (nhóm II-A, thuộc loài thực vật rừng nguy cấp quý hiếm) được trồng từ năm 2002-2004 trong khu vực khoanh nuôi phục hồi rừng. Đến thời điểm bị bứng gốc, những cây gỗ trắc đã được khoảng 20 năm tuổi, thân cây có đường kính từ 10-20 cm, cao từ 3-5 m. Khi chứng kiến những cây gỗ quý bị bứng gốc, người dân đã bức xúc trình báo cơ quan chức năng. Sau khi có tin báo, Công an huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đã có kiểm tra, xác minh vụ việc. Ban Tiếp công dân tỉnh cũng đã có văn bản yêu cầu BQLVQG Chư Mom Ray báo cáo, giải trình. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Kon Tum chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm vào cuộc làm rõ vụ việc.

Lý giải về việc di thực các cây trắc quý hiếm này, ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc VQG Chư Mom Ray, cho biết việc di thực cây đã được xây dựng kế hoạch từ trước để tạo cảnh quan khu vực khuôn viên xung quanh nhà lan tại Trung tâm để phục vụ du lịch sinh thái trong thời gian tới. Các cây gỗ trắc sau khi đào gốc, bó bầu tại Trung tâm đều được đưa về trụ sở BQLVQG Chư Mom Ray để trồng. Bên cạnh đó, các cây gỗ trắc được trồng trong giai đoạn 2002-2004, chưa có quy hoạch nên một số cây trồng quá gần với tường rào trong khuôn viên nhà lan nên có nguy cơ ảnh hưởng. Vì vậy việc di dời các cây trắc này là cần thiết. "Chúng tôi đã di thực tổng cộng 21 cây gỗ trắc, hiện được trồng trong khuôn viên trụ sở và sống khỏe mạnh" - ông Thủy nói.

Di thực rừng gỗ quý để… phục vụ du lịch sinh thái? - Ảnh 1.

Cây gỗ trắc sau khi được di thực được đưa về trồng tại khuôn viên Ban quản lý VQG Chư Mom Ray

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, qua kiểm tra hiện trường có 2 vị trí bị đào hố, san lấp lại, xung quanh còn có các cành, nhánh của cây gỗ trắc đã bị khô héo. Dấu vết để lại phù hợp với việc các cây gỗ trắc bị đào gốc bằng phương tiện cơ giới, đưa đi nơi khác trồng. Bên cạnh đó, còn có 3 cây gỗ trắc khác đã được đào lên nhưng chưa kịp chuyển đi. "Việc di thực cây gỗ trắc là để tạo cảnh quan, phục vụ du lịch sinh thái. Tuy nhiên, BQLVQG Chư Mom Ray không thông báo cho cơ quan chức năng để theo dõi, giám sát theo quy định. Việc di thực cũng không nhằm mục đích thương mại hay trục lợi trái phép", Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum nhận định.

Do đó, Chi cục Kiểm lâm đã đề nghị Sở NN-PTNT yêu cầu BQLVQG dừng ngay việc di thực cây gỗ trắc; mọi hoạt động về phát triển, sử dụng rừng hay tác động đến tài nguyên rừng, trước khi thực hiện phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Kon Tum và các cơ quan chức năng của tỉnh. Bên cạnh đó, những tập thể, cá nhân liên quan đến việc tổ chức khai thác, di thực cây gỗ trắc có nguồn gốc cây trồng không bảo đảm các điều kiện về trình tự, thủ tục, gây dư luận xấu cũng phải bị xử lý trách nhiệm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :