Cơ hội hút khách nhà giàu châu Âu
Chính sách miễn thị thực khi nhập cảnh Việt Nam cho công dân Ba Lan, Czech, Thụy Sĩ được thực hiện từ ngày 1-3 đến hết năm 2025
Tin vui cho ngành du lịch
Theo đó, công dân Ba Lan, Czech và Thụy Sĩ được miễn visa khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú 45 ngày kể từ khi nhập cảnh, áp dụng cho mục đích du lịch theo chương trình của các doanh nghiệp (DN) lữ hành quốc tế tại Việt Nam, không phân biệt loại hộ chiếu và tuân thủ các điều kiện nhập cảnh theo quy định pháp luật.
Chính sách này có hiệu lực từ ngày 1-3 đến hết 31-12-2025, trong khuôn khổ Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, đây là 3 đối tác quan trọng của nước ta tại châu Âu. Trong đó, Việt Nam có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp trong 75 năm qua với Ba Lan và Czech. Với Thụy Sĩ, hai nước có lịch sử vun đắp quan hệ và hợp tác nhiều mặt trong hơn 50 năm qua. Thụy Sĩ cũng là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1971.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 16-1, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho rằng chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân 3 nước Ba Lan, Czech và Thụy Sĩ đến Việt Nam mà không phải lo lắng về thủ tục visa, giúp tăng lượng khách từ những thị trường tiềm năng này. Đồng thời, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, qua đó tăng thêm chi tiêu, trực tiếp đóng góp vào doanh thu của ngành du lịch Việt Nam.
"Ba Lan, Czech và Thụy Sĩ là những thị trường khách có mức chi tiêu cao khi du lịch, ưu tiên quan tâm đến các trải nghiệm dịch vụ nghỉ dưỡng chất lượng cao, trải nghiệm văn hóa độc đáo, sẽ góp phần thúc đẩy thị trường du lịch cao cấp tại Việt Nam. Ngoài ra, chính sách này còn tạo tiền đề để du lịch Việt Nam tiếp cận thêm các thị trường khác trong khu vực EU" - bà Phương Hoàng nhận xét.
Theo ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Vietluxtour, Ba Lan và một số nước Đông Âu là thị trường khách quốc tế truyền thống của DN này. Do đó, việc miễn thị thực cho 3 nước Ba Lan, Czech và Thụy Sĩ là tin "quá vui" đối với các DN và cả khách quốc tế.
Các thị trường khách này đang được Vietluxtour và đối tác nước ngoài đẩy mạnh theo dạng chuyến bay charter (thuê bao nguyên chuyến) với số lượng lớn. Dạng khách này thường đặt tour vào giờ chót nên việc miễn visa sẽ kích thích nhu cầu của họ nhiều hơn.
"Khách ở các thị trường này rất thích đi tour nghỉ dưỡng biển, với lịch trình 12-14 ngày. Việt Nam có thế mạnh với nhiều điểm đến là những bãi biển đẹp, sản phẩm dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú đa dạng đáp ứng tốt nhu cầu và lượng khách" - ông Dũng nhận định.
Cơ hội lớn cho thương mại, đầu tư
Để khai thác hiệu quả chính sách nêu trên, các DN đề xuất ngành du lịch cần tăng cường quảng bá thông tin để khách ở 3 thị trường này biết, nắm bắt, lên kế hoạch cho chuyến đi trong năm.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng cho rằng các DN du lịch và cơ quan quản lý có thể tận dụng chính sách này để thực hiện các chiến dịch quảng bá trên thị trường Ba Lan, Czech và Thụy Sĩ; trong đó nhấn mạnh lợi thế miễn thị thực, cảnh đẹp và ẩm thực của Việt Nam. Ngoài ra, chính sách mới cũng giúp giảm rào cản cho các doanh nhân từ Ba Lan, Czech và Thụy Sĩ khi đến Việt Nam khảo sát thị trường, gặp gỡ đối tác hoặc tham gia các hội nghị kinh tế; cộng đồng DN của họ có thể thuận tiện triển khai các dự án hợp tác đầu tư trong nhiều lĩnh vực.
"Các DN từ Czech và Thụy Sĩ có thế mạnh về công nghệ cao và tài chính, có thể đầu tư vào các dự án hạ tầng, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững cho Việt Nam" - bà Phương Hoàng nhìn nhận.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Dh Foods - người có 30 năm sống tại Ba Lan trước khi về nước tái khởi nghiệp, bày tỏ niềm vui khôn tả khi nghe về chính sách miễn visa cho khách từ 3 nước Ba Lan, Czech và Thụy Sĩ. "Đảng và Nhà nước đã quyết định nhanh và kịp thời, đúng với nguyện vọng của DN, đặc biệt là ngành du lịch" - ông Dũng bày tỏ.
Ông Dũng cho biết bản thân vẫn đang sinh hoạt trong cộng đồng người Việt tại Ba Lan. Theo ông, người Ba Lan, Czech và Thụy Sĩ rất cảm mến đất nước Việt Nam nên có nhu cầu sang du lịch rất cao. Do đó, khi được miễn visa, họ có thể tận dụng kỳ nghỉ phép để bay sang Việt Nam mà không cần phải lên kế hoạch từ trước.
Tại những đất nước này, nhiều quán ăn Việt Nam rất được yêu thích nhưng chỉ phục vụ những món cơ bản. Do vậy, khi đến Việt Nam, họ sẽ có nhu cầu trải nghiệm món ăn nguyên bản và phong phú. Việt Nam cũng được đánh giá có an ninh tốt, được du khách ưu tiên lựa chọn trong khối các nước Đông Nam Á. Du khách sẽ có nhu cầu muốn trải nghiệm ở nhiều địa phương bằng phương tiện đường bộ chứ không chỉ là đường bay và đến các thành phố lớn.
"Đây là nhóm khách nhà giàu, trong đó có nhiều doanh nhân, sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư trong thời gian tới. Việt Nam có nhiều hàng hóa rẻ, chất lượng tốt việc kết nối giao thương sẽ mạnh mẽ hơn" - ông Dũng tin tưởng.
Những đối tác hàng đầu
Ba Lan và Czech là những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung - Đông Âu. Hợp tác trong các lĩnh vực như quốc phòng - an ninh, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa - thể thao và du lịch, lao động... phát triển tích cực. Giao lưu nhân dân được duy trì và tăng cường. Trong năm 2024, Việt Nam đã đón khoảng 50.000 du khách Ba Lan và khoảng 25.000 du khách Czech đến thăm. Trong khi đó, cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan có khoảng 25.000 người và tại Czech khoảng 100.000 người.
Với Thụy Sĩ, đây là đối tác có vị trí quan trọng hàng đầu trong Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam ở châu Âu và là nhà đầu tư lớn thứ 6 của châu Âu vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 2,1 tỉ USD. Hợp tác trong các lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, văn hóa - du lịch có nhiều tiềm năng để thúc đẩy. Quan hệ hai nước được thúc đẩy thông qua cầu nối hữu nghị của cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ với khoảng 10.000 người, luôn hướng về quê hương, đất nước và hội nhập, đóng góp tích cực cho nước sở tại.