Tương lai bất định của Gilimex sau khi đâm đơn kiện Amazon
Tương lai bất định đang chờ đợi Gilimex sau khi nhà sản xuất hàng dệt may này đâm đơn kiện Amazon – vốn là bên đóng góp phần lớn trong doanh thu xuất khẩu của Gilimex. Cổ phiếu giảm sàn như để thể hiện cho nỗi lo về tương lai bất định đó.
Khép lại phiên sáng 15/12, cổ phiếu GIL giảm sàn xuống mức 26,250 đồng/cp, với dư bán sàn hơn 1.3 triệu cp. Làn sóng bán tháo ập đến ngay sau thông tin Gilimex đâm đơn kiện Amazon trong ngày 14/12. Nhà sản xuất này cáo buộc Amazon đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng trong tháng 4 và 5 khiến nhà sản xuất này gặp tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.
Sự thay đổi đột ngột này cũng phơi bày một rủi ro lớn của Gilimex khi quá phụ thuộc vào gã khổng lồ và tạo ra một tương lai vô cùng bất định khi đôi bên “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”.
Gilimex cho biết họ đã có một thỏa thuận lâu dài với Amazon về tính minh bạch về nhu cầu dự kiến để có thể mua nguyên liệu, điều chỉnh công suất nhà máy và sắp xếp nhân viên nhằm đáp ứng sự tăng trưởng ngày càng mạnh của Amazon trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, vào tháng 4-5 vừa qua, Amazon đã “bất ngờ thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến” trong thời gian còn lại của năm 2022-2023.
Đứng trên vai gã khổng lồ
Thành lập năm 1982, CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, HOSE: GIL) chủ yếu sản xuất, gia công, thương mại, xuất khẩu các sản phẩm thuộc ngành may và cho thuê khu công nghiệp. Hiện công ty có 6 công ty con và 1 công ty liên kết, cùng 158 dây chuyền may tại Nhà máy Bình Thạnh, Thạnh Mỹ và các nhà máy vệ tinh.
Theo chia sẻ của Gilimex, họ đã trở thành đối tác chính của Amazon từ năm 2014 và hoạt động sản xuất cho Amazon đã tăng gấp 20 lần trong 8 năm qua.
Để đạt mức tăng trưởng này, nhà sản xuất này đã tuyển dụng hơn 7,000 nhân viên và đầu tư hàng chục triệu USD vào các cơ sở sản xuất để xây dựng kho chứa hàng hóa của Amazon.
Gilimex cho biết Amazon cũng là khách hàng lớn nhất và thậm chí, họ đã từ chối các khách hàng lớn như IKEA, Columbia Sportswear để đáp ứng nhu cầu của Amazon.
Việc đứng trên vai gã khổng lồ dĩ nhiên giúp hoạt động kinh doanh của nhà sản xuất này lên như “diều gặp gió”, với tăng trưởng doanh thu trung bình năm đạt trên 20%. Trong năm gần nhất, Gilimex lãi ròng kỷ lục 330 tỷ đồng khi kênh thương mại điện tử bùng nổ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và dĩ nhiên Amazon cũng góp công lớn.
Nguồn: VietstockFinance |
Để thấy tầm quan trọng của Amazon, hãy nhìn vào phần đóng góp của gã khổng lồ điện tử Mỹ trong doanh thu xuất khẩu của Gilimex. Theo Mirae Asset Vietnam Research, 85% doanh thu xuất khẩu của Gilimex đến từ Amazon, với các đơn đặt hàng trị giá 146.6 triệu USD (tương đương 3,448 tỷ đồng) vào năm 2021.
Chính nhờ sự tăng trưởng vượt trội này giúp Gilimex trở thành điểm sáng trong 2 năm vừa qua với sự giúp sức của Amazon và giá cổ phiếu cũng phi nước đại từ 10,000 đồng/cp lên 83,000 đồng/cp.
“Thiên nga đen” xuất hiện
Tuy nhiên, việc dồn quá nhiều nguồn lực vào một khách hàng lớn cũng tạo ra rủi ro khổng lồ khi khách hàng này “ngoảnh mặt”.
Trong 2 quý gần nhất, Amazon liên tục thua lỗ, chủ yếu do đầu tư vào diện tích kho hàng, trung tâm phân phối lượng chi phí quá lớn. Bên cạnh đó, nhu cầu cũng giảm đáng kể.
Gã khổng lồ này đã bắt đầu sa thải nhân sự hàng loạt để cắt giảm chi phí và việc này dự kiến kéo dài đến sang năm 2023. Đây có lẽ là những lý do thôi thúc Amazon quyết định “thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến” với Gilimex trong tháng 4-5/2022.
Sau động thái này, doanh thu quý 3/2022 của Gilimex sụt mạnh xuống 213 tỷ đồng, tương đương 15% doanh thu của các quý trước đó. Lãi ròng tuy tăng lên mức 129 tỷ đồng, nhưng chủ yếu đến từ lãi thanh lý khoản đầu tư vào công ty liên kết.
Bước đi đa dạng hóa chưa tạo lợi nhuận
Trên thực tế, rủi ro đặc thù trên đã được các nhà lãnh đạo Gilimex xét tới. Trong năm 2020, để tránh quá lệ thuộc vào các đại gia bán lẻ thế giới, Gilimex đã lấn sân sang bất động sản khu công nghiệp.
Gilimex đang đầu tư vào dự án Khu công nghiệp Phú Bài 4 với tổng vốn đầu tư 2,614 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong quý 4/2022. Một dự án khác là Khu công nghiệp Gilimex - Vĩnh Long mới chỉ được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 9/2022. Tuy nhiên, đến nay, những bước đa dạng hóa này chưa thể tạo ra lợi nhuận.
Hiện tại, tương lai của Gilimex đang đặt dưới một dấu hỏi rất lớn sau động thái đâm đơn kiện Amazon. Liệu khi mọi chuyện đã êm xuôi, Amazon có tiếp tục hợp tác với Gilimex? Nếu không, ai có thể khỏa lấp khoảng trống mà gã khổng lồ này để lại?