TCM ước lãi tháng 7 gấp hơn 5 lần tháng trước, vẫn chưa thể vui?
CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) báo cáo tình hình kinh doanh khả quan hơn trong tháng 7, do thị trường Mỹ và EU khởi sắc trở lại so với các tháng trước. Dù vậy, TCM chưa nhận đủ đơn hàng cho cuối năm, mới đạt 86% kế hoạch doanh thu đơn hàng quý 4.
TCM vẫn canh cánh nỗi lo thiếu đơn hàng cuối năm |
Theo báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh, tháng 7, TCM ước doanh thu trên 12.5 triệu USD, giảm 27% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 792,000 USD, cải thiện rõ rệt từ mức 155,000 USD tháng 6 (gấp 5.1 lần), nhưng vẫn thấp hơn 25% so với cùng kỳ.
Cơ cấu doanh thu dệt may tháng 7 đến từ 3 mảng chính, trong đó sản phẩm may giữ vai trò chủ đạo (chiếm 76%), vải (16%) và sợi (6%).
Nguồn: VietstockFinance |
Lũy kế 7 tháng đầu năm, doanh thu ước gần 79 triệu USD, lãi sau thuế hơn 5.2 triệu USD, giảm tương ứng 27% và 22% so với cùng kỳ. Công ty cho biết tháng 7, tình hình kinh doanh khả quan hơn và bắt đầu có dấu hiêu phục hồi do thị trường Mỹ và EU khởi sắc trở lại, tốt hơn so với các tháng trước.
Cụ thể, xuất khẩu tháng 7 của Công ty sang thị trường châu Mỹ chiếm tỷ trọng 31.7%, trong đó thị trường Mỹ (28.13%), Canada (3.59%). Thị trường châu Âu chiếm 1.93%. Dù vậy, phần lớn vẫn là thị trường châu Á chiếm 65.7%, trong đó Hàn Quốc (25.54%), Nhật (21.42%), Trung Quốc (6.82%), Việt Nam (4.57%).
Cập nhật về tình hình đơn hàng, TCM hiện vẫn chưa nhận đủ đơn hàng cho cuối năm và hoạt động chưa tối đa công suất. Theo dự báo, mặc dù tình hình mua sắm tốt hơn trước đó nhưng vẫn còn chậm do kinh tế thế giới phục hồi chậm cho đến hết năm 2023. Tính tới thời điểm hiện tại, Công ty nhận được khoảng 76% kế hoạch doanh thu đơn hàng cho quý 3 và 86% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 4/2023.
Trước đó, TCM công bố BCTC quý 2/2023 với doanh thu thuần đạt 715 tỷ đồng, lãi ròng chưa tới 2 tỷ đồng, giảm tương ứng 32% và 97% so với cùng kỳ. Đây cũng là quý có mức lợi nhuận thấp nhất của Công ty kể từ quý 4/2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần ở mức 1,591 tỷ đồng (giảm 27%); lãi ròng hơn 56 tỷ đồng, thấp hơn 56% so với cùng kỳ và chỉ thực hiện được 23% kế hoạch lợi nhuận năm.
Cổ đông lớn nhất tiếp tục chi hàng chục tỷ gom cổ phiếu TCM
Gần đây, cổ đông lớn nhất của TCM - Công ty E-land Asia Holdings Pte. Ltd. - báo cáo đã mua thỏa thuận thành công 258,260 cp TCM như đăng ký trong ngày 04/08/2023. Tổng giá trị giao dịch đạt trên 14 tỷ đồng, tương ứng gần 54,800 đồng/cp - cao hơn 7% so với thị giá phiên 04/08 (51,200 đồng/cp).
Với mục đích đầu tư tài chính, sau giao dịch, tổ chức trên nâng sở hữu tại TCM từ 46.64% (gần 38.3 triệu cp) lên 46.96% (hơn 38.5 triệu cp).
Trước đó, ngày 05/07, E-land Asia Holdings cũng hoàn tất mua thỏa thuận gần 1.4 triệu cp TCM với cùng mục đích đầu tư tài chính, nâng tỷ lệ sở hữu lên 46.64%. Tổng giá trị giao dịch đạt 83.4 tỷ đồng, tương đương 60,400 đồng/cp.
E-Land Asia Holdings là pháp nhân tại Singapore, thuộc tập đoàn E-Land Group - một tập đoàn bán lẻ tại Hàn Quốc. E-land Asia Holdings là tổ chức có liên quan đến ông Lee Eun Hong - Thành viên HĐQT TCM. Hiện, ông Lee cũng là Giám đốc E-land Asia Holdings, cá nhân vị này chỉ sở hữu 9 cp TCM.
Động thái gia tăng sở hữu của tổ chức ngoại diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu TCM đang có nhịp điều chỉnh. Kết phiên 17/08, thị giá dừng ở mức 49,300 đồng/cp, giảm 10% sau 1 tháng.
Diễn biến giá cổ phiếu TCM từ đầu năm 2023 đến nay | ||