A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lợi nhuận quý 1 của doanh nghiệp ngành gạo lệch pha với giá gạo xuất khẩu

Bức tranh xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2023 có nhiều điểm sáng khi đơn hàng cũng như giá bán đều tăng mạnh. Tuy nhiên, không hẳn doanh nghiệp xuất khẩu gạo nào cũng nắm bắt được những cơ hội đó. Điều này thể hiện rõ nét qua kết quả kinh doanh tương phản trong quý 1/2023 của nhóm doanh nghiệp niêm yết ngành gạo.

Chi phí tài chính tăng mạnh đã bào mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt gần 3 triệu tấn, tương đương hơn 1.5 tỷ USD. Kết quả này tăng 44% về khối lượng và 55% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng ước đạt 526 USD/tấn, tăng 8%. Mức giá này giúp gạo Việt vượt Thái Lan, vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới và cũng là mức cao nhất 2 năm qua.

Áp lực lãi vay tăng cao cuốn trôi lợi nhuận

Giá tăng liên tục nhưng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp gạo lại đi ngược trong 3 tháng đầu năm. Thống kê từ VietstockFinance cho thấy, trong số 9 doanh nghiệp ngành gạo công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023, chỉ có 2 doanh nghiệp tăng lãi, 4 doanh nghiệp giảm lãi, 2 doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ và 1 doanh nghiệp tiếp tục lỗ.

Tổng doanh thu quý đầu năm của doanh nghiệp ngành gạo đạt hơn 13,218 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ; nhưng kết quả lỗ ròng hơn 8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi trên 338 tỷ đồng.

Câu chuyện lợi nhuận doanh nghiệp đi ngược giá gạo xuất khẩu đã được ghi nhận từ năm 2022. CTCK VNDirect (VND) nhận định, hầu hết doanh nghiệp ngành gạo đều ghi nhận biên lợi nhuận gộp giảm trong năm 2022 do áp lực chi phí đầu vào như chi phí phân bón và giá thu mua lúa tăng.

Kết quả kinh doanh quý 1/2023 của doanh nghiệp ngành gạo
(Đvt: Tỷ đồng)

Nguồn: VietstockFinance

Dù kinh doanh nhiều mảng, gạo vẫn giữ vai trò chủ đạo của Tập đoàn Lộc Trời (LTG) khi chiếm hơn 68% tổng doanh thu quý 1/2023, tương đương hơn 1,675 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá vốn bán hàng tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nên mảng gạo chỉ đạt 9 tỷ đồng lãi gộp, giảm hơn phân nửa so với 3 tháng đầu năm 2022.

Hệ quả, LTG lỗ hơn 80 tỷ đồng ngay quý đầu năm và là khoản lỗ hàng quý lớn nhất trong lịch sử của doanh nghiệp này, trong khi cùng kỳ lãi gần 184 tỷ đồng, thậm chí quý liền trước vẫn lãi 210 tỷ đồng. Ban lãnh đạo cho biết chi phí lãi vay tăng mạnh (gấp gần 3 lần) là nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ.

Doanh thu giảm tới 84% cộng thêm doanh thu tài chính và các khoản lợi nhuận khác đều bốc hơi đáng kể so với cùng kỳ là những nguyên nhân chính khiến Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, AGM) đánh dấu lỗ quý thứ 4 liên tiếp hơn 16 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 7 tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh của Angimex liên tục đi xuống kể từ sau khi cựu Chủ tịch HĐQT Đỗ Thành Nhân bị khởi tố. Vào ngày 12/05, sau 5 ngày xét xử và nghị án , ông Đỗ Thành Nhân bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù về tội thao túng thị trường chứng khoán.

Dù doanh thu đã tăng 59%, các khoản chi phí tăng mạnh đã xói mòn lợi nhuận quý đầu năm của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II, VSF). Cụ thể, Công ty lãi sau thuế hơn 500 triệu đồng, nhưng vẫn lỗ ròng 7.2 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ hơn 5.6 tỷ đồng).

Các doanh nghiệp lớn khác trong ngành như Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) và Tập đoàn PAN (PAN) tuy không chịu cảnh thua lỗ nhưng lợi nhuận cũng sụt giảm đáng kể.

Trong đó, TAR chỉ thu lợi nhuận về gần 8 tỷ đồng, thấp hơn 9% so với cùng kỳ. Công ty lý giải nguyên nhân chủ yếu do chi phí lãi vay lớn, tăng gần 59%.

Với PAN, doanh thu thuần hơn 2,531 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ. Cơ cấu doanh thu theo mảng kinh doanh chính - mảng nông nghiệp đóng góp hơn 1,036 tỷ đồng, thực phẩm đóng góp hơn 1,943 tỷ đồng. Sau khấu trừ chi phí, lợi nhuận ròng còn hơn 40 tỷ đồng, thấp hơn 48%, chủ yếu do cùng kỳ quý 1/2022, Công ty có khoản lợi nhuận từ giao dịch chuyển nhượng tại nhà máy gần 74 tỷ đồng.

Một số tên tuổi khác như Thương mại Kiên Giang (KTC), Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (NSC) cũng không khá hơn khi lợi nhuận quý 1 bốc hơi hơn một nửa, còn gần 6 tỷ đồng và hơn 35 tỷ đồng.

Tia sáng cuối đường hầm

Bên cạnh những doanh nghiệp cùng ngành đang lao đao, Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (AFX) lại báo lãi ròng gấp gần 5 lần cùng kỳ, đạt gần 5 tỷ đồng. Kết quả phi mã này tới từ việc Công ty đã tái cấu trúc các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời phát triển mở rộng thị trường, điều chỉnh giá bán nên doanh thu kỳ này tăng 53%.

Bên cạnh đó, Công ty đã đẩy mạnh việc tối ưu giá vốn hàng bán, biên lãi gộp cải thiện từ 4% lên 6%, cộng thêm tiết giảm chi phí sản xuất… Ngoài ra, lợi nhuận được chia từ khoản từ đầu tư của Công ty vào Công ty TNHH Thương Mại Sài Gòn - An Giang cũng đóng góp vào hiệu quả hoạt động của Công ty.

Khép lại quý 1, Xuất nhập khẩu Kiên Giang (KGM) đạt lãi ròng tăng 90%, lên hơn 2 tỷ đồng. KGM cho biết, dù kỳ này cả 3 ngành hàng chính của Công ty đều giảm sản lượng so với cùng kỳ, riêng mảng lương thực bán ra 36,125 tấn, giảm 35% và chỉ đạt 14% kế hoạch; tuy nhiên, Công ty đã tăng cường các giải pháp kiểm soát, theo dõi sát diễn biến thị trường, các khoản chi phí sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, vụ Đông xuân 2022 - 2023 có chất lượng tốt, Công ty đã kịp thời mua vào, bán ra được giá tốt, mang lại hiệu quả kinh doanh cao hơn so với quý 1/2022.

Triển vọng khả quan trong thời gian tới

Trong báo cáo ngành lúa gạo quý 1/2023, CTCK Vietcombank (VCBS) đánh giá thời tiết thuận lợi tạo ra lợi thế cho ngành gạo trong nước so với các quốc gia Trung Quốc, Philippines, Ấn Độ. Dù khả năng xuất hiện El Nino (khiến nhiệt độ tăng cao, giảm lượng mưa), Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) dự báo sản lượng gạo Việt Nam vẫn đạt 29 triệu tấn, cao hơn con số 20 triệu tấn của Thái Lan.

Ngoài ra, chi phí đầu vào dự kiến hạ nhiệt trong năm nay nhờ các động thái giảm căng thẳng của châu Âu và nguồn cung phân bón thế giới tăng. Điều này cũng tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lúa gạo.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cung ứng lương thực thực phẩm tại nhiều quốc gia bị đứt gãy, giúp ngành lúa gạo Việt Nam hưởng lợi, đơn hàng tăng. Ngoài Philippines, Trung Quốc và EU cũng đang tăng mạnh nhập hàng chất lượng từ Việt Nam. Các nhà xuất khẩu nói cung đang không đủ cầu nên giá gạo có thể tăng tiếp trong quý 2.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :