A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh thu và lãi ròng của HUD giảm trong năm 2023, tiếp tục công tác cổ phần hóa

Theo BCTC năm 2023 của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô Thị (HUD), doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt giảm 38% và 10% so với năm 2022, cơ cấu tài sản lệch hẳn về bên nợ. Một thông tin đáng chú ý khác là HUD tiếp tục công tác cổ phần hóa.

Tòa nhà văn phòng HUDTOWER tại số 37 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội

Kinh doanh sụt giảm, cơ cấu tài sản lệch hẳn về bên nợ 

Năm 2023, HUD mang về 2,277 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 38% so với năm 2022, chủ yếu do mảng cốt lõi là kinh doanh bất động sản giảm mạnh 60% còn 1,505 tỷ đồng (chiếm 66% doanh thu thuần). Nhìn chung, doanh thu của HUD trong xu hướng sụt giảm những năm gần đây. Sau khi khấu trừ các chi phí, HUD còn lại 154 tỷ đồng lãi ròng, giảm 10%.

Kết thúc năm 2023, HUD có 13,593 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 6% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản lệch hẳn về bên nợ, với tỷ lệ nợ phải trả và nợ vay trên tổng tài sản là 73% và 31%, tương ứng giá trị 9,928 tỷ đồng và 4,275 tỷ đồng.

HUD chủ yếu vay nợ Ngân hàng, trong đó chủ nợ lớn nhất là BIDV chi nhánh Hà Nội với tổng dư nợ tại thời điểm 31/12/2023 lên đến 2,044 tỷ đồng, nổi bật trong đó là các khoản vay hạn mức để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bao gồm vay hạn mức 488 tỷ đồng cho khu đô thị mới Phú Mỹ tại phường Nghĩa Chánh và xã Nghĩa Dõng, TP Quãng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi; vay hạn mức 480 tỷ đồng cho khu đô thị mới Thanh Lâm Đại Thịnh 2 tại xã Thanh Lâm, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội; vay 1,000 tỷ đồng cho khu đô thị mới Đông Tăng Long, phường Trường Thạnh, quận 9, TPHCM.

Ngoài ra, HUD còn một khoản vay khá đặc biệt từ cán bộ nhân viên Tổng Công ty, giá trị gần 269 tỷ đồng tại cuối năm 2023.

Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2023 của HUD

Khoản nợ khác cũng chiếm tỷ trọng cao trong nợ phải trả của HUD là chi phí phải trả dài hạn, ghi nhận 3,329 tỷ đồng (chiếm 24%), chủ yếu liên quan đến giá trị trích trước chi phí công trình, dự án 3,320 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2023 của HUD

Bên kia bảng cân đối, tài sản của HUD chủ yếu tồn tại dưới dạng hàng tồn kho với giá trị 8,008 tỷ đồng, gần như toàn bộ là các tài sản hình thành trong tương lai của một số dự án/quyền tài sản phát sinh từ dự án làm tài sản thế chấp để đảm bảo cho khoản vay dài hạn tại BIDV chi nhánh Hà Nội như nêu ở trên.

Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2023 của HUD

Tiếp tục công tác cổ phần hóa

BCTC kiểm toán 2023 còn có khoản thuyết minh đáng chú ý liên quan đến công tác cổ phần hóa tại Công ty mẹ - Tổng Công ty. Theo đó, kể từ thời điểm trình Bộ Xây dựng phê duyệt kế hoạch, tiến độ cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng Công ty HUD vào ngày 28/12/2022 đến 31/12/2023, các công việc chuẩn bị cho công tác cổ phần hóa vẫn đang được tiếp tục. Trong đó, HUD cho biết tập trung vào công tác sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất theo quy định của Chính phủ. Đây là một trong các điều kiện tiên quyết để cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng Công ty.

Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2023 của HUD

Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng, với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là đầu tư phát triển các khu đô thị mới và nhà ở, kinh doanh bất động sản.

HUD được thành lập từ năm 1989. Theo thông tin trên website, HUD đã và đang triển khai 25 khu đô thị mới tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, cung cấp hơn 8 triệu m2 sàn nhà ở, tổng diện tích sàn nhà ở xã hội hoàn thành hơn 250 ngàn m2.

HUD đang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con với khối cơ quan Tổng công ty, 11 ban quản lý dự án, 2 chi nhánh và 14 đơn vị thành viên hạch toán độc lập, 2 công ty liên kết và 2 công ty liên doanh với tổng số hơn 2,000 cán bộ công nhân viên, người lao động, trong đó hơn một nửa có trình độ đại học và trên đại học.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :