ĐHĐCĐ ACV: Lượng khách quốc tế đã tương đương 77-78% so với trước dịch
Sáng ngày 09/05, ĐHĐCĐ thườngniên 2023 của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (UPCoM: ACV) được tổ chức trực tuyến nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh và cập nhật tình hình đầu tư ở các dự án trọng điểm.
Ông Vũ Thế Phiệt - Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT ACV. |
Mở đầu đại hội, ông Vũ Thế Phiệt - Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT ACV - cho biết năm 2022, ngành hàng không dần hồi phục sau đại dịch COVID-19, nhưng vẫn còn nhiều thách thức khi kinh tế thế giới biến động và cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra.
Khách quốc tế vẫn phục hồi chậm, trong đó một số thị trường hành khách lớn, như Trung Quốc, chưa mở cửa trong năm 2022.
“Mặc dù Nhà nước và ACV đã có những chính sách hỗ trợ cho các hãng hàng không, nhưng các hãng vẫn còn khó khăn. Điều này ảnh hưởng tới việc trả nợ cho ACV”, vị Tổng Giám đốc cho biết.
Đang tiến hành tổ chức đấu thầu lần 2 cho dự án cảng hàng không Long Thành
Tại đại hội, Tổng Giám đốc Phiệt cũng cập nhập tình hình đầu tư tại các dự án của ACV.
Trong năm 2022, ACV đã giải ngân 4,751 tỷ đồng và hầu hết tiến độ của các dự án chính đã đáp ứng được các yêu cầu đề ra. Bên cạnh các dự án trọng điểm, công ty còn đầu tư vào đảm bảo an ninh an toàn và các hạ tầng chuyển đổi số.
ACV đã hoàn thành dự án nhà ga hành khách T2 Phú Bài và đưa vào khai thác từ ngày 28/04. “Sau rất nhiều năm, đây là công trình hạ tầng đầu tiên của hàng không được thực hiện sau đại dịch COVID-19 đã hoàn thành và khai thác an toàn”, ông Phiệt cho biết.
Về dự án nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất, Chủ tịch Phiệt cho biết dự án gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc, nhưng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, ACV đã được tháo gỡ về giải phóng mặt bằng đất dai.
“Đến thời điểm này chúng tôi có thể khẳng định là chúng tôi đã triển khai các gói thầu theo đúng kế hoạch, đã thi công cơ bản xong phần móng cọc và hiện đang đấu thầu phần thân. Dự kiến cuối quý 2 và đầu quý 3/2023 sẽ khởi công phần thân và hoàn thành vào cuối năm 2024. Đây là dự án làm giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất trong khi chờ dự án nhà ga quốc tế sân bay Long Thành”.
Về nhà ga T2 Nội Bài, ACV dự kiến cuối năm 2023 sẽ khởi công phần thân. Với dự án cảng hàng không Điện Biên, Công ty đã khởi công và các mốc tiến độ về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đề ra, cố gắng cuối năm nay sẽ hoàn thành để khai thác cho năm 2024.
Về dự án thành phần 3 của cảng hàng không Long Thành, các hạng mục thiết kế và triển khai còn chưa đạt. “Đây là gói thầu nhà ga hành khách, đây là đấu thầu quốc tế một công trình phức tạp, lớn nhất chưa từng triển khai ở Việt Nam. Việc chưa triển khai đúng tiến độ đến từ các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Chúng tôi chưa đánh giá, dự báo được tiên lượng, sự phức tạp trong việc lựa chọn nhà thầu vì đây là đấu thầu quốc tế rộng rãi. Hiện nay, ACV cùng với sự vào cuộc của các bộ ngành đang rà soát hồ sơ mời thầu và tổ chức đấu thầu lần hai. Hy vọng trong quý 2/2023 này sẽ chọn được nhà thầu”.
Trong quá trình đấu thầu lần 2, ACV đã phát hành hồ sơ và dự kiến đến ngày 12/06 các nhà thầu sẽ nộp hồ sơ. “Chúng tôi đã tổ chức hội nghị tiền đấu thầu lần 2 với sự tham gia của 29 nhà thầu tham dự cùng các cơ quan quản lý Nhà nước. Hy vọng lần này chúng tôi sẽ chọn được các nhà thầu có năng lực uy tín để có thể thực hiện được gói thầu này trong quý 2/2023 và đầu quý 3/2023”, ông Phiệt cho biết.
ĐHĐCĐ thường niên 2023 của ACV sáng 09/05. |
Lượng khách quốc tế đã tương đương 77-78% so với trước dịch
Với chính sách mở cửa, kiểm soát dịch COVID-19 tốt và kinh tế vĩ mô ổn định, ông Phiệt khẳng định chắc chắn năm nay khách quốc tế sẽ tăng, nhất là khi thị trường Trung Quốc đã mở từ 15/03.
Theo số liệu thống kê của ACV, tổng sản lượng hành khách 4 tháng đạt 36.4 triệu, trong đó khách quốc tế đã hồi phục lên mức tương đương 77-78% của năm 2019.
“Trong dự báo của chúng tôi, dự kiến sẽ đạt 80% của năm 2019, với sản lượng khoảng 30 triệu khách quốc tế”, vị Tổng Giám đốc ACV cho biết. “Chúng tôi hy vọng từ quý 2/2023, khách Trung Quốc sẽ vào Việt Nam. Hiện đã có các chuyến bay charter từ các thành phố Trung Quốc tới Cam Ranh, Đà Nẵng”.
Kế hoạch tăng mạnh doanh thu của mảng cốt lõi
Cho năm 2023, ACV đặt kế hoạch phục vụ tổng cộng 118 triệu lượt khách tăng trưởng 19.2% so với cùng kỳ. Số lượt khách nội địa được kỳ vọng giảm nhẹ xuống mức 86 triệu lượt. Còn lượt khách quốc tế được kỳ vọng tăng trưởng mạnh 168% lên 32 triệu lượt, chủ yếu dựa trên kỳ vọng từ việc du khách Trung Quốc trở lại và việc mở các đường bay mới tới Ấn Độ.
Trên cơ sở đó, ACV đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất tăng trưởng 49.5% đạt 20,641 tỷ đồng. Trong đó, mảng cốt lõi dự kiến đạt 18,068 tỷ đồng, tăng gần 55% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, ACV cũng đặt kế hoạch tổng thu từ phí cất hạ cánh (thuộc tài sản khu bay) đạt 2,681 tỷ đồng, tăng trưởng 20.3% so với cùng kỳ. Lưu ý, chương trình hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam (giảm 50% phí cất hạ cánh) đã kết thúc trong năm 2022. Do đó, phí cất hạ cánh trở lại mức bình thường đối với các hãng hàng không Việt Nam, cùng với số chuyến bay quốc tế gia tăng, sẽ là động lực tăng trưởng chính đối với doanh thu tài sản khu bay.
Về lợi nhuận trước thuế, ACV đặt kế hoạch lợi năm 2023 ở mức 8,488 tỷ đồng, tăng trưởng 12.1% so với cùng kỳ và không bao gồm lợi nhuận từ tài sản khu bay. ACV giả định không có lãi tỷ giá trong năm nay, với thu nhập tài chính đạt 1,300 tỷ đồng chủ yếu là thu nhập từ lãi tiền gửi và cổ tức.
Nguồn: VietstockFinance |
Theo các chuyên viên phân tích tại CTCK HSC, các động lực chính thúc đẩy lợi nhuận của ACV là số lượng hành khách tăng trưởng và tỷ suất lợi nhuận cải thiện nhờ hiệu suất hoạt động của các cảng hàng không trên toàn quốc gia tăng.
Trong quý 1/2023, ông lớn cảng hàng không Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần 4.7 ngàn tỷ đồng và lãi ròng hơn 1.6 ngàn tỷ đồng, tăng 124% và 87% so với cùng kỳ. Với kết quả này, ACV thực hiện được 26% kế hoạch doanh thu và 19% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Đầu tư 33 ngàn tỷ đồng trong năm 2023
Trong năm 2023, ACV lên kế hoạch đầu tư 33 ngàn tỷ đồng vào một số dự án, bao gồm sân bay quốc tế Long Thành (LTIA) giai đoạn 1, nhà ga T3 của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, mở rộng nhà ga T2 của sân bay quốc tế Nội Bài và xây dựng mới các nhà ga tại sân bay quốc tế Phú Bài và Cát Bi.
Tính đến cuối năm 2022, tổng lượng tiền mặt của ACV ở mức cao là 52 ngàn tỷ đồng. Lợi nhuận thuần năm 2023 được dự báo đạt 7.2 ngàn tỷ đồng (tăng trưởng 15.2%) cùng với mức khấu hao 2.7 ngàn tỷ đồng trong năm nay. Do đó các chuyên viên phân tích của HSC cho rằng ACV Có thể đảm bảo đủ nguồn vốn để đầu tư trong năm này trước khi sử dụng vốn vay ngân hàng.
Thảo luận:
Chia sẻ về kế hoạch hoạt động của sân bay Tân Sơn Nhất sau khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động? Liệu mở rộng nhà ga T3 ở sân bay Tân Sơn Nhất có dẫn tới dư thừa công suất?
Tổng Giám đốc Vũ Thế Phiệt: Như quý vị đã biết, sân bay Tân Sơn Nhất đang bị quá tải và tổng lượng hàng khách qua sân bay này trong năm 2019 đã 41 triệu hành khách, trong đó có 25 triệu hành khách quốc nội và 16 triệu hành khách quốc tế. Công suất chung của 2 nhà ga này chỉ có 28 triệu khách, trong đó nhà ga quốc nội chỉ có 15 triệu khách và quốc tế là 13 triệu.
Với dự báo tình hình đến năm 2030 và quy hoạch chung, chắc chắn sản lượng hành khách của Tân Sơn Nhất sẽ vượt cả quốc nội lẫn quốc tế. Đặc biệt năm 2022, sản lượng hàng khách quốc nội của Tân Sơn nhất đã vượt 25 triệu khách, cao hơn cả năm 2019.
Theo tiến độ xây dựng, dự án nhà ga T3 dự kiến cuối năm 2024 sẽ hoàn tất và tăng công suất thêm 20 triệu hành khách. Tổng công suất tại sân bay Tân Sơn Nhất khi đó sẽ là 50 triệu hành khách. Theo dự báo của chúng tôi đến năm 2030, sản lượng nội địa sẽ tăng lên 45-50 triệu hành khách nên sẽ khó có chuyện dư thừa cho dù sân bay Long Thành được xây dựng xong.
Thứ hai, đối với phương án khai thác sân bay Long Thành, theo báo cáo khả thi được duyệt, chúng tôi dự kiến Long Thành sẽ phục vụ 90% là khách quốc tế của khu vực Đông Nam Bộ và chỉ 10% nội địa. Vì vậy, khách nội địa vẫn chủ yếu tập trung vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Khi nhà ga T3 đưa vào hoạt động và với quy hoạch Tân Sơn Nhất đến 2050 sẽ không mở rộng thêm, công suất sẽ đạt khoảng 50 triệu hành khách. Chắc chắn việc khai thác nhà ga T3 sẽ rất hiệu quả và song hành với việc khai thác sân bay Long Thành.
Liên quan tới kế hoạch niêm yết trên HOSE?
Tổng Giám đốc Vũ Thế Phiệt: ACV sẽ niêm yết lên HOSE khi đã đáp ứng các điều kiện. Hiện nay báo cáo tài chính của chúng ta vẫn còn các ý kiến kiểm toán về quyết toán cổ phần hóa và tài sản khu bay. Vì vậy, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng và thận trọng trước khi niêm yết lên HOSE để đảm bảo lợi ích cho các cổ đông.
Ngành hàng không đã hồi phục hoàn toàn hay chưa?
Tổng Giám đốc Vũ Thế Phiệt: Chúng tôi cho rằng trong năm 2023, lượng hành khách nội địa đã vượt trước dịch, nhưng khách quốc tế thì chưa. Theo dự báo, đến năm 2024, lượng khách quốc tế sẽ hồi phục lên mức bằng hoặc vượt năm 2019. Đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận của ACV.
Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua.
Bài cập nhật