A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dệt may Thành Công lãi thấp nhất 7 năm, đơn hàng cho quý 1/2024 sắp đạt 100% kế hoạch

Lãi ròng 2023 của Dệt may Thành Công xuống mức thấp nhất 7 năm trở lại đây, đạt gần 132 tỷ đồng, giảm 53% so với năm 2022. Điều này khiến Công ty mới thực hiện được phân nửa kế hoạch lợi nhuận năm.

Ảnh minh họa

Theo BCTC hợp nhất quý 4/2023, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) lãi ròng gần 22 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm lợi nhuận là doanh thu thuần giảm 13% xuống 815 tỷ đồng; chi phí giá vốn trên doanh thu tăng nhẹ so với cùng kỳ. Do đó, lãi gộp giảm 15% còn 129 tỷ đồng; biên lãi gộp duy trì mức 16%.

Hơn cả, tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 4% so với cùng kỳ, trong khi đó doanh thu tài chính giảm 67%.

Kết quả kinh doanh quý 4 và năm 2023 của TCM
(Đvt: Tỷ đồng)

Nguồn: TCM, người viết tổng hợp

Tình hình đơn hàng năm 2024 sẽ tốt hơn 2023

Lũy kế năm 2023, doanh thu thuần của TCM hơn 3.3 ngàn tỷ đồng và lãi ròng gần 132 tỷ đồng, giảm lần lượt 23% và 53% so với năm 2022. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong 7 năm qua của Doanh nghiệp, từ năm 2017.

So với kế hoạch đề ra, Công ty thực hiện được 85% chỉ tiêu doanh thu (3,927 tỷ đồng) và 55% mục tiêu lợi nhuận năm (245 tỷ đồng).

Lãi ròng của TCM từ năm 2016-2023
(Đvt: Tỷ đồng)

Năm 2023, xuất khẩu của TCM sang thị trường châu Á chiếm 68.9%, trong đó Hàn Quốc chiếm 24.39%, Nhật Bản 19.5%, Trung Quốc 8.31%; Việt Nam 6.28%. Tiếp đến là thị trường châu Mỹ chiếm 31.7%, riêng Mỹ chiếm 26.73%; còn lại thị trường châu Âu chiếm 3.7%, trong đó Anh chiếm 3.02%.

Thông tin từ ban lãnh đạo TCM cho biết Công ty đã nhận khoản 98% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 1/2024. Theo dự báo tình hình xuất khẩu dệt may Việt Nam 2024 và theo tình hình tiếp nhận đơn hàng hiện tại của Công ty, hy vọng năm 2024, tình hình đơn hàng xuất khẩu của Công ty sẽ tốt hơn năm 2023 vừa qua.

Tổng tài sản của TCM tại cuối năm 2023 gần 3.3 ngàn tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền chiếm 435 tỷ đồng, tăng nhẹ 3%; hàng tồn kho giảm 18% còn hơn 1 ngàn tỷ đồng, trong đó dự phòng gần 25 tỷ đồng.

Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả đạt gần 1.3 ngàn tỷ đồng, giảm 15% so với đầu năm. Chiếm 92% tổng nợ là nợ ngắn hạn, trong đó nợ vay tài chính ngắn hạn là 632 tỷ đồng, giảm 23%, các khoản vay lớn nhất tới từ ngân hàng Vietcombank hơn 415 tỷ đồng; Vietinbank hơn 106 tỷ đồng… Còn nợ vay tài chính dài hạn đến từ ngân hàng Woori Bank giảm mạnh từ 141 tỷ xuống 48 tỷ đồng, giảm 66%,

Phiên sáng 22/01, giá cổ phiếu TCM giao dịch quanh mức 40,500 đồng/cp, tương đương vùng giá hồi tháng 11/2023, giảm 20% sau hơn nửa năm. 

Diễn biến giá cổ phiếu TCM từ đầu năm 2023

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
  • :
  • :