Bảo hiểm Bảo Long có lãi trở lại trong quý 2, tăng tiền gửi tại SCB lên hơn 1,000 tỷ đồng
Lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tài chính đều tăng mạnh giúp Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long (UPCoM: BLI) báo lãi trước thuế quý 2/2023 hơn 19 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 65 tỷ đồng.
Trong quý 2, BLI ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm gốc giảm 5% so cùng kỳ xuống 313 tỷ đồng. Dù vậy, nhờ được hoàn nhập dự phòng gần 33 tỷ đồng và doanh thu phí nhận tái bảo hiểm tăng 44% lên gần 84 tỷ đồng giúp doanh thu phí bảo hiểm tăng 8% lên 429 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chi phí nhượng tái bảo hiểm giảm 16% so cùng kỳ xuống 120 tỷ đồng nên doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 17% lên hơn 341 tỷ đồng.
Doanh thu thuần tăng trong khi chi phí kinh doanh bảo hiểm giảm 2% (chủ yếu do tổng chi phí bồi thường bảo hiểm giảm 18% còn 107 tỷ đồng) dẫn đến lợi nhuận gộp kinh doanh bảo hiểm cao gấp 77.1 lần cùng kỳ, lên hơn 55 tỷ đồng.
Mặt khác, lợi nhuận từ hoạt động tài chính cao gấp 2.4 lần cùng kỳ lên hơn 41 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi tiền gửi tăng và hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư.
Với lợi nhuận hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tài chính đều tăng bằng lần, BLI báo lãi trước thuế quý 2/2023 hơn 19 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 65 tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động kinh doanh bảo hiểm có lãi thuần đi lùi 6% xuống 122 tỷ đồng và lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm 38% còn 59 tỷ đồng nên BLI thu về hơn 50 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 47% so với cùng kỳ.
Năm 2023, BLI đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế gần 91 tỷ đồng, giảm 18% so với thực hiện năm 2022. So với kế hoạch, BLI đã thực hiện được 55% mục tiêu lợi nhuận trước thuế sau nửa đầu năm.
Tổng tài sản của BLI tính đến ngày 30/06/2023 đạt gần 2,364 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm, chủ yếu do tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn giảm gần 205 tỷ đồng, từ 273 tỷ đồng xuống còn hơn 68 tỷ đồng, tỷ lệ giảm tương đương 75%.
Đáng chú ý, khoản tiền gửi không kỳ hạn giảm là do BLI mang tiền đi gửi tại Công ty mẹ - Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và cổ đông lớn - Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Trong đó BLI tăng tiền gửi có kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi tại SCB lên mức hơn 1,000 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 197 tỷ đồng,
Tài sản doanh nghiệp bảo hiểm này phần lớn là đầu tư tài chính, gồm chứng khoán kinh doanh, tiền gửi và đầu tư trái phiếu. Trong đó, đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 18% so với đầu năm, lên gần 947 tỷ đồng. Đáng chú ý, đầu tư tài chính dài hạn gấp 5.1 lần, lên 231 tỷ đồng (do phát sinh mới hơn 37 tỷ đồng ủy thác đầu tư).
Nợ phải trả gần 1,576 tỷ đồng, giảm 11% so với đầu năm, chủ yếu nằm ở khoản dự phòng nghiệp vụ hơn 1,066 tỷ đồng, giảm 9%.