Sau Axie Infinity, nhiều dự án GameFi mọc lên rồi lụi tàn
Sau Axie Infinity, hàng loạt dự án game NFT được ra mắt trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, hiện lượng người dùng, thu nhập của game thủ và giá token nhiều GameFi đều đi xuống.
Giữa năm 2021, Axie Infinity thu hút sự quan tâm của cộng đồng nhà đầu tư tiền số bởi giá token tăng mạnh. Trò chơi này giúp nhiều người dân ở Philipines, Indonesia kiếm tiền trong giai đoạn dịch bệnh. Dự án mở ra trào lưu play-to-earn, tăng trưởng đến cuối năm 2021.
Tuy nhiên, hiện nay Axie Infinity vẫn là trò chơi NFT dẫn đầu, bỏ xa các tựa game khác về lượng người chơi dù các chỉ số đã giảm mạnh. Giữa giai đoạn thị trường “downtrend”, tiền số của các dự án GameFi cũng là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Sự đi xuống của game NFT
Vụ hack hơn 600 triệu USD vào cầu nối Ronin của Axie Infinity ảnh hưởng lên toàn thị trường và các dự án GameFi. Vấn đề đã được tạm thời giải quyết bởi gói cứu trợ 150 triệu USD được dẫn đầu bởi Binance. Tuy nhiên, sự đi xuống của các game NFT thể hiện rõ ràng hơn qua sự kiện.
Theo dữ liệu tổng hợp từ Sky Mavis, trước khi vụ tấn công diễn ra, lượng người dùng tương tác thường xuyên trên trò chơi chỉ còn 1,48 triệu, giảm 45% so với mức đỉnh gần 3 triệu người hồi tháng 11/2021. Dù sụt giảm mạnh, Axie Infinity vẫn là trò chơi dẫn đầu mảng GameFi.
Lượng người chơi hoạt động hàng ngày của Axie Infinity giảm mạnh. Ảnh: Bloomberg. |
“Axie Infinity xử lý khối lượng giao dịch NFT nhiều gấp 3 lần các chuỗi khác, trừ Ethereum. Hiện có 2,6 triệu người sở hữu Axie, cao gấp 4 lần trò chơi NFT xếp thứ 2. Với 2,2 triệu người chơi, Axie Infinity là game NFT lớn nhất mọi thời đại”, Sky Mavis viết trong thông báo.
Một dự án dù đi xuống nhưng vẫn bỏ xa các trò chơi khác chung mảng GameFi. Điều này chứng tỏ tốc độ phát triển của lĩnh vực game NFT đã chững lại sau đỉnh được ghi nhận cuối 2021.
Theo ông Phạm Nguyễn Anh Huy, Giảng viên tài chính cao cấp, người sáng lập Trung tâm công nghệ tài chính và mã hoá Đại học RMIT, thị trường đang dần đến điểm bão hòa, quá nhiều người chơi tham gia kiếm lời. Điều này dẫn đến việc trào lưu GameFi chậm lại và phân hóa rõ rệt.
Tháng 12/2021, giai đoạn thị trường đi xuống sau khi giá Bitcoin giảm mạnh, các loại tài sản liên quan đến GameFi thuộc nhóm bị ảnh hưởng nặng nhất. Theo ghi nhận của The Defiant, loạt dự án lớn như Axie Infinity, The Sandbox, Decentraland giảm hơn 30% giá trị.
Ngoài ra, vấn nạn lừa đảo, bán tháo (rug-pull) liên tục xảy ra khiến nhà đầu tư không còn lòng tin vào mô hình này. Tại Việt Nam, các dự án như Zuki Moba, Crypto Bike gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư trong nước.
Nhiều game chất lượng kém, nặng kiếm tiền
Sau sự phát triển của trào lưu GameFi, nhiều ông lớn trong lĩnh vực trò chơi điện tử bày tỏ ham muốn tham gia vào thị trường này. Nhiều studio mở màn bằng việc thông báo tích hợp yếu tố NFT vào các trò chơi nổi tiếng.
GSC Game World, studio đứng sau STALKER cho biết sẽ tích hợp NFT vào hậu bản của trò chơi. Điều này dẫn đến làn sóng phản đối dữ dội của người hâm mộ trên mạng xã hội.
Ý định tích hợp NFT của các nhà phát triển bị game thủ phản đối. Ảnh: Activsion. |
“Nhà phát hành lợi dụng sự nổi tiếng của trò chơi để thu lời. Họ hành động vì lợi nhuận chứ không phải một trò chơi chất lượng”, Chiristian Lantz, game thủ hiện sống ở Ontario, Mỹ nói với New York Times.
“Đồ họa xấu, lối chơi nhàm chán, chiêu thức tào lao, không có gì hấp dẫn cả”, Đức Hạnh, một game thủ lâu năm, từng có thời gian “cày thuê” Axie Infinity nhận định.
Theo người chơi này, so với các tựa game truyền thống, GameFi Axie Infinity không có cơ hội nào để cạnh tranh. “Nói thật, không vì tiền, có năn nỉ tôi cũng chẳng thèm chơi game đó”, ông Hạnh kết luận.
Trao đổi với Zing, ông phạm Nguyễn Anh Huy cho rằng lối chơi, đồ họa của các game NFT là một nỗi thất vọng với người chơi điện tử. “Những dự án đó dường như chỉ được tạo ra vì mục đích kiếm tiền”, ông Huy nói.
Nhiều dự án NFT được phát triển trong thời gian ngắn, thiếu sự đầu tư từ đội ngũ. Chia sẻ với Zing, ông Bảo Hoàng, người nhận làm thuê công đoạn thiết kế cho dự án Crypto Bike cho biết phần đồ họa của trò chơi được hoàn thiện trong vòng vài ngày, chủ đầu tư chẳng quan tâm xấu đẹp. Trong khi đó, lối chơi của game này không có gì ngoài việc click chuột.
Yếu tố tài chính bị đặt nặng
Thuật ngữ GameFi được hình thành với hai thành tố, Game và Fi (Finance). Tuy nhiên, yếu tố tài chính tại các dự án lại được quan tâm nhiều trong khi cốt lõi của nền tảng phải nằm ở lối chơi.
Theo ông Anh Huy, nếu GameFi 2.0 thật sự thành hình, các dự án cần cải tiến về lối chơi, đồ họa để thu hút, giữ chân người chơi chứ không chỉ phụ thuộc vào cơ chế kiếm tiền như hiện tại.
Yếu tố tài chính lấn át trò chơi trong một dự án GameFi. Ảnh: Defiant. |
Theo ông Anh Huy, các trò chơi trên blockchain hiện tại có một điểm bão hòa. Tại đó, lượng người đầu tư quá lớn, trong khi không có người chơi mới tham gia dẫn đến cạn quỹ trả thưởng. Do đó, mô hình để một trò chơi NFT có thể hoạt động bền vững là vẫn thu hút được thêm người chơi mới, giữ chân game thủ cũ ngay cả khi không còn kiếm được tiền.
Với Axie Infinity, cùng thời điểm trò chơi này lập đỉnh về số lượng người tham gia, thu nhập của nhà đầu tư cũng giảm mạnh.
Vào tháng 11/2021, các nhà nghiên cứu thuộc công ty phân tích thị trường game blockchain Naavik cho biết doanh thu người chơi game Axie Infinity giảm từng ngày, thậm chí thấp hơn lương tối thiểu của Philippines - quốc gia có lượng người chơi khá lớn.
“Dự án sẽ ổn định khi người dùng sẵn sàng sử dụng nền tảng ngay cả khi họ thua lỗ. Nói cách khác, mô hình cân bằng tốt phải có lượng người dùng chi tiêu lớn hơn khách kiếm tiền”, Wu Blockchain, chuyên gia phân tích lĩnh vực chuỗi khối và tin tức độc quyền về đào Bitcoin tại Trung Quốc, nhận định.
Gần đây, một số mô hình nổi lên như là giải pháp cho vấn đề này của GameFi. StepN vẫn là một dạng trò chơi NFT nhưng được tích hợp thêm tính xã hội (SocialFi) là việc chạy bộ. Nhờ đó, dự án tạo ra sự mới lạ và thu hút người tham gia. Ngoài ra, một số nền tảng lớn cũng liên tục nâng cấp trò chơi, mở rộng cộng đồng, giải đấu để giữ chân người tham gia.
(Theo Zing)