Nỗi phiền mang tên YouTube!
Nhiều người tỏ ra lo ngại về cách YouTube đang quản lý nền tảng của mình
Những lý do không rõ ràng
Kênh YouTube của TheFatRat (tên thật là Christian Friedrich Johannes Büttner) có 3,6 triệu người đăng ký và hơn 700 triệu lượt xem trên YouTube. Sự việc được phát hiện bởi những người hâm mộ và thường xuyên theo dõi kênh video này. Khi truy cập vào bất kỳ video nào, người dùng nhận được thông báo: "Video này không còn khả dụng vì tài khoản YouTube được liên kết với video này đã bị chấm dứt". Khi truy cập kênh hoặc tài khoản YouTube, hệ thống sẽ hiển thị thông báo "Kênh này không tồn tại" hoặc "Tài khoản này đã bị chấm dứt do vi phạm nhiều hoặc nghiêm trọng chính sách của YouTube đối với spam, hành vi lừa đảo và nội dung sai lệch hoặc vi phạm điều khoản dịch vụ khác".
Nhạc sĩ TheFatRat cho biết: "YouTube đã đình chỉ kênh của tôi với 3,6 triệu người đăng ký, mà không có bất kỳ lời giải thích hay cảnh báo". Rất đông người dùng trên mạng xã hội, những người theo dõi kênh YouTube của TheFatRat cũng như nhiều YouTuber nổi tiếng khác cùng một số nhân vật trong ngành công nghiệp âm nhạc đã đồng loạt lên tiếng phản ánh sự việc trên các phương tiện truyền thông xã hội khác nhau để bày tỏ sự ủng hộ đối với nhạc sĩ người Đức này. Sau gần một ngày, kênh YouTube của TheFatRat đã được hệ thống khôi phục và trở lại trực tuyến.
Không ít nghệ sĩ Việt cũng rơi vào trường hợp tương tự. Nhạc sĩ Giáng Son từng không hài lòng việc chính chủ bị "đánh bản quyền" với ca khúc "Giấc mơ trưa" do chị sáng tác. Ca khúc "Giấc mơ trưa" (do Khánh Linh thể hiện) trên kênh YouTube. Đây là sản phẩm nằm trong album được phát hành từ năm 2007, do chính Giáng Son làm nhạc, phối khí. Bất ngờ kênh của Giáng Son nhận được thông báo khiếu nại bản quyền liên quan đến video này.
Theo thông báo từ hệ thống, video do Giáng Son đăng lên có chứa một đoạn âm thanh tương tự sản phẩm "Giấc mơ trưa" của nghệ sĩ đàn nhị Dương Thùy Anh (thuộc sở hữu của BH Media và Hồ Gươm Audio). Điều này khiến nữ nhạc sĩ khó chịu. Giáng Son khẳng định không ký độc quyền tác phẩm này cho bất cứ ai hay tổ chức nào.
Không chỉ các YouTuber nổi tiếng mà rất đông YouTuber trên thế giới và ở Việt Nam đều cảm thấy hệ thống kiểm duyệt nội dung bản quyền của YouTube thời gian gần đây chưa ổn. Nhiều người cho biết các video, thậm chí kênh của họ sau khi đã đầu tư rất nhiều tiền bạc lẫn công sức đã bị hệ thống khóa, xóa một cách không thương tiếc bởi những lý do không rõ ràng. Trong khi đó, nhiều kênh sao chép lại nội dung vẫn có thể tồn tại và bật tính năng kiếm tiền một cách thoải mái. Với số lượng khổng lồ các vấn đề được phản ánh lên hệ thống của YouTube hằng ngày, cơ hội được kháng cáo và xử lý của các trường hợp trên là rất thấp.
Ngừng chấp thuận gậy bản quyền
Trên thực tế, các video trên YouTube có thể mang lại lợi nhuận vô cùng lớn, không chỉ cho YouTube mà còn cho những người sáng tạo nội dung. Doanh thu này dựa trên số lượng nhà quảng cáo sẵn sàng trả, dựa trên nhiều yếu tố bao gồm số lượt xem, số lượng người xem quảng cáo, thể loại nội dung và thông tin cá nhân người xem.
YouTube nhận 45% doanh thu, người sáng tạo nội dung được phần còn lại. Nhưng số tiền quảng cáo đó của người dùng sẽ bị mất đi nếu họ bị khiếu nại vi phạm bản quyền, khiến video bị xóa hoặc do YouTube chuyển hướng doanh thu cho chủ bản quyền. Trong quá trình tiếp nhận, xử lý và ra quyết định này của hệ thống hiện nay còn nhiều vấn đề và một sai lầm nhỏ có thể khiến người sáng tạo nội dung mất trắng.
Sau khi tan rã, ban nhạc "Ngọt" có hành động xóa bỏ mọi sản phẩm âm nhạc trên kênh YouTube chính thức của ban nhạc. Kênh YouTube là nơi "Ngọt" đăng tải các MV, ca khúc cũng như toàn bộ album phòng thu trong sự nghiệp. Động thái này của ban nhạc "Ngọt" khiến người hâm mộ bất ngờ xen lẫn tiếc nuối. Bởi không ít video của "Ngọt" đã trở thành thanh xuân của nhiều khán giả. Hơn thế, tất cả sản phẩm của "Ngọt" được ban nhạc ẩn đi mà không có bất kỳ thông báo cụ thể nào.
Giống như ban nhạc "Ngọt", giọng ca chính của Ngọt là Vũ Đinh Trọng Thắng cũng có hành động tương tự trên kênh YouTube cá nhân. Các sản phẩm solo thành công mà anh từng phát hành đều đã được ẩn đi. Có những sản phẩm bị ẩn đi một cách chủ động thì có những sản phẩm đã tự biến mất khỏi YouTube khiến chính chủ và khán giả hoang mang. Tình trạng này cũng diễn ra ở YouTube thế giới. Video clip "Despacito" vang danh thế giới từng bị hack và xóa khỏi YouTube sau khi đạt mốc 5 tỉ view.
Phần lớn những sản phẩm âm nhạc bị xóa khỏi YouTube hoàn toàn có lý do. Không kể đến những vấn đề ca khúc vi phạm bản quyền thì chuẩn mực văn hóa, đạo đức trở thành thước đo cho sự tồn tại của một sản phẩm âm nhạc mà không cần phải thông báo. Cách đây không lâu, bộ đôi nghệ sĩ trẻ Coldzy và Tlinh đã bị khán giả chỉ trích khi ra mắt ca khúc "Fever". Ca khúc này mang nội dung về chuyện người lớn được miêu tả một cách trần trụi. Trước phản ứng của khán giả, ca khúc đã bị xóa khỏi kênh YouTube của nam rapper Coldzy.
Mới đây, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Cục PTTH-TTĐT) yêu cầu YouTube ngừng chấp thuận gậy bản quyền video Wolfoo, khôi phục các nội dung đã bị xóa, khóa thiếu căn cứ. Cục PTTH-TTĐT đề nghị Google xem xét, xác minh kỹ nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam là Sconnect (chủ sở hữu bộ phim hoạt hình "Wolfoo"). Đề nghị Google ngừng việc tiếp nhận và chấp thuận các yêu cầu đánh gậy bản quyền các video Wolfoo thiếu căn cứ, không đúng thẩm quyền. Đồng thời, khôi phục các video Wolfoo, các kênh YouTube của Sconnect đã bị xóa, bị khóa, bị chặn bởi các yêu cầu thiếu căn cứ, không đúng thẩm quyền.
Sau khi các cơ quan chức năng của Việt Nam lên tiếng thì YouTube đã mở khóa hàng chục kênh bị khóa quyền upload trước đó, tuy nhiên hơn 4.000 video Wolfoo bị xóa thì chưa được khôi phục. Sconnect hiện đã gửi yêu cầu EO bồi thường thiệt hại do hành vi đánh gậy bản quyền vô căn cứ lên tòa án ở Việt Nam và chuẩn bị tiến hành thủ tục yêu cầu phản tố tại Anh.
Theo các nhà chuyên môn, YouTube đã cố gắng cải thiện các chính sách bản quyền và hệ thống Content ID của mình để đối phó với các sự cố từng xảy ra trong quá khứ. Nhưng khó khăn lại chồng chất khó khăn khi mới đây, Liên minh châu Âu đã thông qua luật bản quyền mới, buộc YouTube phải lọc tài liệu vi phạm trước khi các video được tải lên. Đây rõ ràng là một thách thức mới với nền tảng này, bởi chính YouTube cũng từng thừa nhận rằng thuật toán của họ chưa đủ mạnh để phân biệt giữa các nội dung sử dụng hợp pháp bản quyền và vi phạm bản quyền.