A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành chip toàn cầu chật vật vì đang thiếu thành dư cung trong thời gian ngắn

Ngành công nghiệp chip toàn cầu đang có sự thay đổi lớn trong một khoảng thời gian ngắn, trước là những ồn ào xoay quanh việc sản lượng cao tới hiện tại là làn sóng cắt giảm chi phí trong bối cảnh nhu cầu chất bán dẫn sụt giảm, ảnh hưởng đến phần lớn hoạt động kinh doanh.

Các nhà sản xuất điện tử có xu hướng tích trữ chip trước mùa bán hàng vào dịp lễ, tuy nhiên một số hãng đã không có kế hoạch này trong năm nay

Cắt giảm chi tiêu, đóng băng tuyển dụng

Các công ty sản xuất chip trong những tuần gần đây bắt đầu đóng băng tuyển dụng, sa thải nhân sự, cắt giảm kế hoạch chi tiêu vốn, giảm sản lượng, kèm theo những cảnh báo về xu hướng đảo ngược hoàn toàn trong thói quen mua sắm của khách hàng.

Qualcomm Inc., nhà sản xuất chip điện thoại di động lớn của thế giới, tuần trước chính thức tham gia vào làn sóng cắt giảm chi phí của giới công nghệ. Công ty này cho biết họ đang cắt giảm chi tiêu trong một số mảng, đồng thời tạm dừng tuyển dụng nhân sự sau khi đưa ra triển vọng bi quan cho quý 4/2022. “Chúng tôi đã chuẩn bị và cam kết sẽ cắt giảm hơn nữa chi phí hoạt động khi cần thiết”, Giám đốc điều hành Cristiano Amon cho biết.

Intel Corp. trước đó cũng cho biết sẽ sa thải một lượng nhân viên không xác định để giảm 10 tỷ USD trong chi phí hàng năm tới năm 2025. Công ty này sẽ để một số nhà máy hoạt động bớt tích cực hơn, và mặc dù vẫn duy trì kế hoạch xây dựng nhà máy để đi vào hoạt động trong một vài năm tới, Intel sẽ trì hoãn việc mua một số thiết bị tốn kém cho đến khi nhu cầu đủ lớn để đảm bảo các khoản đầu tư đó hiệu quả.

Tuần trước, đối thủ của Intel là Advanced Micro Devices Inc. cũng khẳng định công ty đang thận trọng trong việc tuyển dụng nhằm kiểm soát chi phí hoạt động trong bối cảnh nhu cầu sụt giảm.

Qualcomm cắt giảm chi phí, giảm chi tiêu và ngừng tuyển dụng.

Ngay cả một số nhà sản xuất chip ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế hơn cũng đang thận trọng trong việc chi tiêu và tuyển dụng. ON Semiconductor Corp., nhà sản xuất chip ghi nhận lợi nhuận quý 3/2022 cao kỷ lục, cho biết họ đang phải kiểm soát chi tiêu tùy ý và giảm tốc tuyển dụng. Theo NXP Semiconductors N.V., hãng cung cấp chip cho ngành công nghiệp ô tô ở Hà Lan, họ cũng có những động thái tương tự mặc dù ghi nhận doanh số bán hàng trong quý 3/2022 tăng 20%.

Những động thái thắt lưng buộc bụng này diễn ra khi thị trường lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế, buộc phần lớn lĩnh vực công nghệ, từ đế chế thương mại điện tử Amazon Inc. đến công ty cung cấp dịch vụ gọi xe Lyft Inc. phải cắt giảm nhân sự và các chi phí khác. Hai năm trước đó, ngành chip ghi nhận sự tăng trưởng ngoạn mục khi nhu cầu về máy tính, điện thoại thông minh, ô tô và dịch vụ internet cao ngất ngưởng vì đại dịch COVID-19 buộc xã hội phải chuyển sang làm việc và học tập tại nhà.

Akash Palkhiwala, giám đốc tài chính của Qualcomm, cho biết trong một cuộc họp với các nhà phân tích: “Điều kiện kinh tế vĩ mô xấu đi và chúng tôi đã đi từ tình trạng thiếu cung đến giảm nhu cầu. Đó là một sự thay đổi chưa từng có trong một khoảng thời gian ngắn”.

Từng ở mức cao chưa từng thấy trong thời kỳ bùng nổ, các kế hoạch chi tiêu vốn giờ cũng đang được xem xét kỹ lưỡng. Hãng sản xuất bộ nhớ Micron Technology Inc. vào tháng 09/2022 quyết định giảm 30% kế hoạch chi tiêu vốn cho năm tài chính hiện tại xuống khoảng 8 tỷ USD. Intel hạ kỳ vọng chi tiêu vốn cho năm nay 2 tỷ USD xuống còn khoảng 25 tỷ USD. Taiwan Semiconductor Manufacturing Co., nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, gần đây cũng giảm 10% dự báo chi tiêu vốn cho năm nay.

Đối với một số nhà sản xuất chip, các quy định thông thường theo mùa cũng bị loại bỏ. Theo ông Palkhiwala, các nhà sản xuất thiết bị điện tử có xu hướng tích trữ chip trước mùa lễ hội, nhưng điều đó đã không diễn ra trong năm nay. Ông nói: “Những gì chúng tôi đang thấy là xu hướng ngược lại”.

Giá của các cổ phiếu thuộc PHLX Semiconductor Index giảm hơn 40% kể từ đầu năm 2022 đế ngày 4/11, gần gấp đôi mức giảm của S&P 500. Làn sóng bán tháo đã ảnh hưởng đến hàng loạt công ty sản xuất chip, bao gồm Nvidia Corp., thương hiệu sản xuất chip lớn nhất của Mỹ theo giá trị thị trường. Nvidia từng cảnh báo về nhu cầu giảm sút và tác động nghiêm trọng của chính sách hạn chế xuất khẩu chip của Mỹ sang Trung Quốc.

Tồn kho quá lớn

Trong thời kỳ bùng nổ của ngành chip, nhiều nhà sản xuất tích trữ chip để đáp ứng nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử tăng nhanh. Giờ đây, khi người tiêu dùng không còn mua nhiều điện thoại hay máy tính cá nhân, các nhà sản xuất phải sử dụng số chip tồn kho đó, thay vì đặt mua mới.

Qualcomm cho biết công ty đưa ra triển vọng doanh số bán hàng tiêu cực chủ yếu do các khách hàng lớn nhất đã tích trữ hàng tồn kho lớn, và có thể mất vài quý để vấn đề này được giải quyết. Giám đốc điều hành AMD Lisa Su cho biết công ty đang chờ lượng hàng tồn kho giảm xuống, đồng thời cũng chuẩn bị cho một đợt phục hồi tiềm năng trong năm tới.

Nhiều lãnh đạo trong ngành dự báo thị trường sẽ không thể phục hồi trong ngắn hạn. “Thật khó để thấy bất kỳ tin tốt nào trong thời gian tới”, giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger cho biết.

Theo ông Palkhiwala, Qualcomm đang dự báo thị trường sẽ vẫn yếu ớt đến hết tháng 09/2023. Còn Micron cho biết họ dự đoán tình hình dư cung trên thị tường bộ nhớ máy tính sẽ chưa thể ổn định trở lại cho đến đầu năm sau.

Tiềm năng tăng trưởng dài hạn

Mặc dù ngày càng thận trọng hơn, song nhiều lãnh đạo trong ngành cho biết họ đang cố gắng cân bằng khó khăn ngắn hạn với kỳ vọng tăng trưởng dài hạn. Năng lượng tái tạo, xe điện, thiết bị IoT và kính thực tế tăng cường đòi hỏi ngày càng nhiều chip phức tạp. Quy mô thị trường bán dẫn tổng thể vì vậy được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030, vượt qua doanh số 1 ngàn tỷ USD.

Những chính sách ưu đãi mới với quy mô khổng lồ cho việc xây dựng nhà máy ở Mỹ và châu Âu được dự báo là sẽ giúp giảm bớt một phần chi phí vốn cho việc mở rộng. Cụ thể, các chính phủ phương Tây đang tìm cách thu hút thị phần sản xuất lớn hơn trong ngành chip ngày càng được coi trọng về mặt địa chính trị. Tại Mỹ, một dự luật vừa được thông qua trong năm nay, nhằm cung cấp khoản ưu đãi trị giá 39 tỷ USD cho việc xây dựng nhà máy sản xuất chip, cộng với việc giảm thuế đối với việc mua thiết bị sản xuất.

“Chúng tôi đang đầu tư của nửa sau của thập kỷ này, đồng thời cũng thực hiện những điều chỉ phù hợp với triển vọng ngắn hạn”, Sanjay Mehrotra, giám đốc điều hành của Micron, cho biết. Intel cũng tiếp tục mở rộng hoạt động về dài hạn, thông qua các dự án ở Ohio, Arizona và Đức với khoản đầu tư có thể lên tới hàng trăm tỷ USD.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :