Mỹ - Trung cạnh tranh về AI
Kể từ sau sự xuất hiện đình đám của ứng dụng ChatGPT, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành lĩnh vực cạnh tranh mới nhất giữa hai siêu cườn
Tờ The Wall Street Journal hôm 28-6 đưa tin chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đang cân nhắc siết xuất khẩu nhằm giảm tốc dòng chảy chip AI sang Trung Quốc.
Theo Reuters, từ tháng 10 năm ngoái, Washington đã ban hành một loạt quy định với mục đích đóng băng ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc trong lúc Mỹ rót hàng tỉ USD cho ngành chip của mình.
Một trong số quy định nói trên hạn chế bán sang Trung Quốc những loại chip đem lại sức mạnh điện toán cần thiết để tạo ra các công nghệ AI tương tự ChatGPT. Động thái này ngay lập tức ảnh hưởng đến doanh số sản phẩm của Tập đoàn Nvidia, Công ty Advanced Mirco Devices và nhiều khả năng là các chi nhánh của Tập đoàn Intel.
Câu hỏi đặt ra là các quy định hồi tháng 10-2022 hiệu quả đến đâu trong việc kéo giảm sự phát triển các hệ thống AI ở Trung Quốc?
Tuân theo các quy định trên, Nvidia đã tạo ra chip H800 dành riêng cho thị trường Trung Quốc (thay cho loại A800). Và chỉ với H800 mà các công ty lớn của Trung Quốc như Tencent đã lên kế hoạch cắt giảm hơn phân nửa thời gian họ cần để huấn luyện những hệ thống AI khổng lồ - theo Reuters đưa tin hồi tháng trước.
Ông Jensen Huang, Giám đốc điều hành của Nvidia, giới thiệu hệ thống trí tuệ nhân tạo của robot taxi Drive Pegasus trước đây Ảnh: REUTERS
Không chỉ vậy, theo hãng tin Bloomberg, giới khoa học, lập trình và cả tỉ phú công nghệ ở Trung Quốc đang dốc sức cạnh tranh với những gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon như Google và Microsoft trong cuộc đua AI.
Hiện thời đầu tư cho AI của Mỹ vượt xa Trung Quốc - lần lượt là 26,6 tỉ USD (trong một năm tính tới giữa tháng 6 vừa qua) và 4 tỉ USD, dựa theo dữ liệu của Công ty Tư vấn Preqin. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư cho công nghệ AI ở Trung Quốc năm nay dự tính vươn lên khoảng 15 tỉ USD - hãng tin Bloomberg cho biết.
Giới phân tích tin rằng AI sẽ tạo nên thế hệ lãnh đạo công nghệ tương lai, cũng như internet và điện thoại thông minh đã sản sinh ra những tập đoàn toàn cầu khổng lồ. Chưa hết, AI có thể ứng dụng vào hàng loạt lĩnh vực từ siêu máy tính tới năng lực quân sự, từ đó có khả năng xoay chuyển cục diện địa chính trị.
"Đây là một cuộc chạy đua ở cả Mỹ và Trung Quốc, nhắm tới một thị trường tiềm năng lên tới 800 tỉ USD trên toàn cầu trong thập kỷ tiếp theo" - ông Daniel Ives, nhà phân tích cấp cao tại Công ty Wedbush Securities, nhận định.
Trung Quốc chứng tỏ mình không hề muốn chậm chân: Chỉ vài tháng sau khi ChatGPT chào sân, những "ông lớn" Trung Quốc là Baidu, SenseTime, Alibaba... đã giới thiệu những công cụ AI của riêng mình.
Sớm có mặt để nắm bắt "cơ hội ngàn năm có một" này còn có những tên tuổi lừng lẫy nhất làng công nghệ Trung Quốc, có thể kể ra Wang Changhu (cựu Giám đốc AI Lab của ByteDance), Zhou Bowen (cựu Chủ tịch bộ phận AI và điện toán đám mây của JD.com)…
Dù vậy, theo chuyên gia Daniel Ives, một trong những trở ngại của Trung Quốc là môi trường chính sách khắt khe hơn ở Mỹ. Còn nhớ thế hệ khởi nghiệp hoàng kim trong thời đại di động của Trung Quốc như Tencent, Alibaba, ByteDance… đều rơi vào cảnh thoái trào do Bắc Kinh siết quản lý internet 2 năm gần đây.
Ngoài ra, theo Grant Pan, Giám đốc tài chính của Noah Holdings, các nhà đầu tư chỉ đang chạy theo ý tưởng, chứ hiệu quả thương mại và ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng công nghiệp vẫn chưa rõ nét.
Cuối cùng chính là vấn đề trận chiến chip hiện nay. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, chính các công ty Mỹ cũng chịu thiệt hại.
Phát biểu tại một hội nghị nhà đầu tư hôm 28-6 (giờ địa phương), Giám đốc Tài chính Nvidia Colette Kress cho biết: "Về dài hạn, nếu cấm chúng tôi bán đơn vị xử lý đồ họa trung tâm dữ liệu (GPU) cho Trung Quốc thì Mỹ sẽ mất các cơ hội cạnh tranh và vươn lên dẫn đầu tại một trong những thị trường lớn nhất thế giới".
Theo Reuters, vị thế vững vàng trong thị trường chip AI giúp Nvidia tạo ra doanh thu tới 1.000 tỉ USD vào đầu năm nay.