EU thông qua dự luật kiểm soát AI đầu tiên trên thế giới
Quốc hội Liên minh châu Âu (EU) vừa phê duyệt bộ quy tắc cơ bản để quản lý trí tuệ nhân tạo (AI), qua đó dấu mốc lịch sử trong quá trình phát triển và kiểm soát AI.
Dự luật AI được thông qua trong ngày 13/03, với 523 phiếu thuận, 46 phiếu phản đối và 49 người không bỏ phiếu.
“Châu Âu hiện là nơi thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu về AI”, Thierry Breton, Ủy viên phụ trách lĩnh vực công nghiệp của EU cho biết.
Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, Roberta Metsola mô tả đạo luật này như một bước đi tiên phong, tạo điều kiện cho sự đổi mới và bảo vệ các quyền cơ bản.
“Trí tuệ nhân tạo dần đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Bây giờ, nó cũng sẽ là một phần trong luật pháp của chúng tôi”, bà cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội.
Dragos Tudorache, nhà lập pháp giám sát các cuộc đàm phán về dự luật AI của EU, đã ca ngợi thỏa thuận này, nhưng lưu ý rằng trở ngại lớn nhất vẫn là vấn đề thực thi.
Theo đạo luật này, công nghệ AI được phân loại thành các loại rủi ro khác nhau, từ "không thể chấp nhận" đến mức độ nguy hiểm cao, trung bình và thấp. Quy định này dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 5/2024, sau khi thông qua bước kiểm tra cuối cùng và nhận được sự đồng thuận từ Hội đồng châu Âu.
Một số quốc gia EU trước đây đã ủng hộ phương án tự điều chỉnh thay vì đưa ra các biện pháp hạn chế do chính phủ chỉ đạo vì lo ngại rằng quy định quá khắt khe có thể gây trở ngại cho tiến trình cạnh tranh với các công ty Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực công nghệ của châu Âu.
EU đang nỗ lực để hiểu rõ hơn về tác động của sự phát triển công nghệ đối với người tiêu dùng và vị thế thống trị thị trường của các tập đoàn công nghệ lớn.
Một diễn biến quan trọng khác là luật cạnh tranh mới của EU, áp dụng các điều khoản nghiêm ngặt cho các công ty công nghệ, đã chính thức có hiệu lực từ tuần này. Đây được xem là đạo luật mang tính bước ngoặt - thay đổi trải nghiệm của công dân Liên minh Châu Âu với điện thoại, ứng dụng, trình duyệt.
Được biết đến với tên gọi Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số, EU sẽ có khả năng kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh ((anti-competitive practices) từ các công ty công nghệ lớn.
Sáu tập đoàn công nghệ, bao gồm Alphabet, Amazon, Apple, Meta, Microsoft và Bytedance, đã được xác định là "người gác cổng" theo đạo luật này. Các công ty này sẽ phải điều chỉnh nền tảng của mình để tạo điều kiện cho một môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn tại EU.
Ngày càng có nhiều lo ngại về việc lạm dụng công nghệ AI, dù các tập đoàn công nghệ lớn như Microsoft, Amazon, Google và nhà sản xuất chip Nvidia đều đang đầu tư vào lĩnh vực này. Các chính phủ cũng lo ngại về sự xuất hiện của deepfake, có khả năng tạo ra thông tin sai lệch trước các cuộc bầu cử toàn cầu quan trọng trong năm nay.
Một số công ty AI đã tự điều chỉnh để ngăn chặn thông tin sai lệch. Ví dụ, vào ngày 12/03, Google thông báo rằng họ sẽ hạn chế các truy vấn liên quan đến bầu cử trong chatbot Gemini, và họ đã thực hiện các thay đổi tương tự ở Mỹ và Ấn Độ.
“Đạo luật AI đã thúc đẩy sự phát triển của AI theo hướng con người kiểm soát công nghệ và công nghệ sẽ giúp chúng ta thúc đẩy những khám phá mới để tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và giải phóng tiềm năng của con người”, ông Tudorache chia sẻ trên mạng xã hội trong ngày 13/03.
“Đạo luật AI không phải là điểm kết thúc của cuộc hành trình mà là điểm khởi đầu cho một mô hình quản trị mới được xây dựng dựa trên công nghệ. Bây giờ chúng ta phải tập trung năng lượng chính trị của mình vào việc triển khai chúng trong thực tế”.