Vĩnh Phúc: Sản xuất ô tô, xe máy giảm, công nghiệp khởi sắc nhưng chưa hết khó
Tháng 4/2023, tăng trưởng công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc có dấu hiệu khởi sắc, nhưng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là ở những ngành đóng vai trò quan trọng.
Sản xuất ôtô và xe máy vẫn ghi nhận giảm
Theo thông tin từ Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Hồng Phong tại Báo cáo kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc 4 tháng đầu năm 2023: Trong tháng 4/2023, ước tính chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 7,04% so với tháng trước và tăng 2,87% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 4/2023, hai ngành chủ lực của tỉnh là sản xuất ôtô và xe máy vẫn ghi nhận IIP giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước |
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2022, ngành khai khoáng giảm 15,76%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,90%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 1,57%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,17%.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, có 14/24 ngành có IIP tăng so với tháng trước, 13/24 ngành có IIP tăng so với cùng kỳ cho thấy tín hiệu tích cực hơn sau 3 tháng đầu năm gặp khó khăn.
Đặc biệt, trong tháng 4/2023 ngành sản xuất linh kiện điện tử đã bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng với chỉ số sản xuất ước tăng 11,72% so với tháng trước và tăng 22,23% so với cùng kỳ năm 2022. Một số ngành đạt mức tăng khá như: Sản xuất kim loại đúc sẵn tăng 12,0% so với tháng trước và 15,84% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 1,39% và 12,88%; sản xuất da tăng 9,45% và 2,64%...
Tuy nhiên, hai ngành chủ lực của tỉnh là sản xuất ô tô và xe máy vẫn ghi nhận IIP giảm so với tháng trước và cùng kỳ. Lý giải về thực trạng này, đại diện Cục Thống kê Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Hồng Phong cho rằng: Ngành sản xuất ô tô vẫn gặp nhiều khó khăn từ đầu năm do cầu thị trường giảm, đồng thời phải cạnh tranh gay gắt với xe nhập ngoại khi không còn chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP, chỉ số tiêu thụ của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn bình quân 4 tháng đầu năm chỉ ở mức 57,04% so với cùng kỳ, các doanh nghiệp ngành sản xuất ô tô tiếp tục cắt giảm sản lượng sản xuất trong tháng, chỉ số IIP tháng 4 giảm 13,2% so tháng trước và giảm 52,66% so với cùng kỳ.
Với ngành sản xuất xe máy, theo Cục Thống kê Vĩnh Phúc có khả quan hơn, khi chỉ số tiêu thụ trong tháng đạt mức tăng khá, chỉ số tồn kho đã có xu hướng giảm, tuy nhiên trước khó khăn chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp chưa tăng sản lượng. Chỉ số sản suất ngành xe máy giảm 1,13% so với tháng trước và giảm 10,87% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều ngành gặp khó khăn và có chỉ số giảm như: Ngành dệt giảm 18,92%; giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 11,75%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 11,38%; sản phẩm từ cao su và plastic giảm 30,49%; thiết bị điện giảm 17,57% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, thông thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc, 4 tháng đầu năm IIP ước giảm 2,85% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 10/24 ngành cấp II có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ. Một số ngành công nghiệp của tỉnh, trừ ngành sản xuất linh kiện điện tử có mức tăng 10,38%, các ngành còn lại có chỉ số giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản xuất ô tô giảm 42,60%; sản xuất xe máy giảm 13,38%; sản xuất và chế biến thực phẩm giảm 12,22%; sản xuất trang phục giảm 4,42%; sản xuất kim loại giảm 9,99%.
Cũng theo Cục Thống kê Vĩnh Phúc, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 4/2023 tăng 4,06% so với tháng trước cho thấy tín hiệu tích cực về sự phục hồi của ngành công nghiệp hoặc của nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, so với cùng kỳ chỉ số tiêu thụ giảm 11,92% cho thấy vần còn nhiều khó khăn thách thức mà ngành phải đối diện trong năm 2023.
Vĩnh Phúc triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh |
Nhiều giải pháp tháo gỡ cho sản xuất công nghiệp
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp trong năm 2023, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Chương trình hành động số 03 ngày 12/1/2023 với kịch bản tăng trưởng theo từng quý, giao 95 chỉ tiêu kinh tế - xã hội và 113 nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Theo đó, yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực với tinh thần nỗ lực vượt lên khó khăn, thách thức, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập, bám sát thực tiễn và có phản ứng kịp thời, phù hợp, hiệu quả; tổ chức chỉ đạo nhiều hội nghị tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực.
Cùng với đó, tỉnh cũng thực hiện tốt cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, Chi cục Hải quan tỉnh phối hợp với các sở, các cơ quan kiểm tra chuyên ngành, cơ quan hải quan nơi có cửa khẩu nhập khẩu, xuất khẩu nhằm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các thủ tục hải quan.
Để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt được mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ và Nghị quyết số 30 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục tập trung xử lý các vướng mắc, tháo gỡ các điểm nghẽn trong từng lĩnh vực để khơi thông các nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; duy trì các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, duy trì Tổ giúp việc cho Chủ tịch UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; hoàn thiện Đề án về cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi, thu hút các dự án lớn, các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư tại Vĩnh Phúc.