Tăng tốc vực dậy kinh tế TP HCM (*): "Rã băng" bất động sản
TP HCM và các doanh nghiệp đang đẩy mạnh các giải pháp để phục hồi thị trường bất động sản trong thời gian sớm nhất
Phát biểu tại hội nghị Thành ủy TP HCM ngày 4-4, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi lý giải nguyên nhân kinh tế TP HCM quý I/2023 tăng trưởng thấp một phần do thị trường bất động sản (BĐS) "đóng băng" gần như 90%, ngân hàng chịu nhiều tác động; sản xuất - kinh doanh khó khăn do lãi suất ngân hàng cao, khó tiếp cận vốn... Do đó, thời gian sắp tới, thành phố sẽ "rã băng" từ từ thị trường này bằng các giải pháp cụ thể.
Tập trung tháo điểm nghẽn pháp lý
Trước đó, ngay đầu tháng 4, ông Phan Văn Mãi cho biết trong quý II, TP HCM sẽ tập trung gỡ vướng mắc cho 40 dự án BĐS. Đồng thời, rà soát lại danh sách để xác định nhóm 138 dự án BĐS mà Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) đã tổng hợp để tập trung giải quyết triệt để.
Cũng liên quan đến các dự án BĐS vướng mắc, ngày 24-3, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường đã giao Sở Xây dựng khẩn trương phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các đơn vị liên quan tiếp tục trao đổi, thống nhất với HoREA, báo cáo trình UBND thành phố để có ý kiến chỉ đạo, phân công các đơn vị chịu trách nhiệm chủ trì thụ lý, giải quyết đối với các nhóm hồ sơ có cùng vướng mắc theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Việc này phải hoàn thành trước ngày 15-4.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, cho hay đơn vị đang thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố theo tiến độ đề ra. Các phòng, ban chuyên môn đang khẩn trương rà soát để phân nhóm các dự án vướng mắc theo chức năng, nhiệm vụ của sở. Trên cơ sở rà soát sẽ đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho dự án.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn của các DN BĐS và tháo gỡ cơ chế là giải pháp ít tốn tiền ngân sách nhất nhưng mang lại hiệu quả, có tính lan tỏa rất lớn.
Ông Châu dẫn chứng với 156 dự án BĐS đang bị vướng mắc, bình quân giá trị mỗi dự án 2.000 tỉ đồng, tổng mức đầu tư lên đến khoảng 312.000 tỉ đồng. Nếu tháo gỡ được vướng mắc để triển khai thực hiện trở lại bình thường, Ngân sách Nhà nước có thể thu được khoảng 31.200 tỉ đồng tiền thuế GTGT; nếu đạt lợi nhuận 20% thì ngân sách còn có thể thu thêm 12.480 tỉ đồng thuế thu nhập DN và các khoản thu thuế phái sinh khác, đồng thời tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Do vậy, ông Châu đề xuất UBND TP HCM trong thẩm quyền của mình cần tháo gỡ ngay "ách tắc, vướng mắc" cho các dự án, đặc biệt là vướng mắc ở khâu tính tiền sử dụng đất các dự án nhà ở thương mại. Bởi, việc chậm xác định tiền sử dụng đất dự án vừa làm giảm nguồn thu ngân sách thành phố vừa gây thiệt hại cho DN và người mua nhà… Trường hợp khẩn trương giải quyết hồ sơ nộp tiền sử dụng đất của mấy chục dự án nhà ở thương mại đang gặp vướng, ngân sách của thành phố có thể thu được hàng ngàn tỉ đồng.
Ngoài ra, ông Châu đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép DN được chuyển nhượng dự án BĐS thỏa thuận theo cơ chế thí điểm quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội nhằm tháo gỡ ngay khó khăn cho thị trường, tạo điều kiện cho chính các DN tự thỏa thuận mua bán, chuyển nhượng dự án BĐS nhằm tạo được "dòng tiền và thanh khoản" cho các DN BĐS, trong đó có các DN phát hành trái phiếu sắp đến hạn và hỗ trợ các "trái chủ" và tạo điều kiện phát triển thông thoáng thị trường chuyển nhượng dự án BĐS, vừa tôn trọng và bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh, tự do kinh doanh của DN.
Một dự án bất động sản lớn đang triển khai tại TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Những tín hiệu tích cực
Cùng với quyết tâm của lãnh đạo TP HCM tháo gỡ cho các dự án gặp vướng mắc, các DN BĐS trên địa bàn cũng đang tích cực vận dụng những chính sách hỗ trợ mà Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành thời gian gần đây.
Ngay sau Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ có hiệu lực, một loạt DN BĐS lớn như Novaland, Hưng Thịnh... đã đàm phán và đạt được sự đồng thuận nhất định với các trái chủ về giải pháp gia hạn, hoán đổi, thanh toán trái phiếu DN lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Qua đó làm giảm bớt áp lực trái phiếu đến hạn, để các DN chuyên tâm vào tái cấu trúc DN, tái cơ cấu dự án và tìm cách vực dậy các hoạt động kinh doanh đang đình trệ.
Các DN cũng chủ động tăng chính sách ưu đãi đặc biệt cho khách hàng mua BĐS như để kích cầu thị trường: giãn tiến độ thanh toán, thời gian trả chậm từ 3-5 năm, chiết khấu thanh toán nhanh từ 15% - 49%, ân hạn nợ gốc và hỗ trợ lãi suất lên đến 48 tháng… Mới đây nhất, Công ty CP NovaReal (thành viên của Novaland) đã gửi thông báo tới khách hàng về việc xác định lựa chọn phương án chương trình cam kết mua lại tại dự án Tổ hợp Khu du lịch Thung lũng Đại Dương tại xã Tiến Thành, TP Phan Thiết, Bình Thuận (còn gọi là Novaworld Phan Thiết).
Trong các phương án đưa ra, trường hợp tiếp tục đăng ký chọn mua BĐS theo văn bản thỏa thuận, khách hàng sẽ được nhận ưu đãi thêm 15% trên tổng giá trị tiền đặt cọc. Cùng đó, ưu đãi 5% cho 1 sản phẩm mua mới tại các dự án do Novaland phát triển (có hiệu lực trong vòng 6 tháng kể từ ngày khách hàng xác nhận chọn phương án 1). Trường hợp khách hàng không đồng ý đăng ký chọn mua BĐS, công ty sẽ hoàn trả tiền đặt cọc thực nộp và tiền lãi phát sinh…
Với những chuyển động mạnh mẽ của nhà nước và DN, thị trường BĐS nói chung và TP HCM nói riêng gần đây đã xuất hiện một số tín hiệu tích cực. Dự án BĐS The Classia Khang Điền (TP Thủ Đức) của chủ đầu tư Khang Điền; De La Sol (quận 4) của Công ty Capital Land; dự án The Maq (quận 1) của Công ty Hongkong Land cũng đã bắt đầu có giao dịch trở lại với số lượng khá tốt… Đặc biệt, thị trường nhà phố riêng lẻ trong khu dân cư hiện hữu giai đoạn này thanh khoản gia tăng so với cuối năm 2022.
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế tài chính BĐS Dat Xanh Services, với những chuyển biến gần đây, có thể kỳ vọng thị trường BĐS sẽ phục hồi sớm vào khoảng cuối quý III, đầu quý IV năm nay. Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Dat Xanh Services, TS Phạm Anh Khôi cho biết cơ sở cho kỳ vọng này đến từ nhiều yếu tố như nền kinh tế ổn định, chính sách tiền tệ linh hoạt, tích cực kêu gọi thu hút vốn FDI, thúc đẩy giải ngân đầu tư công; đồng thời, các gói tín dụng lớn của các ngân hàng thương mại hỗ trợ sản xuất, kinh doanh (quy mô 470.000 tỉ đồng), dự kiến sẽ phát huy hiệu quả từ quý II/2023…
Bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ như đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các luật liên quan trong tháng 10 (Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở, Luật Đất đai...); tiếp tục hạ 1% - 2% lãi suất cho vay; giải ngân các dự án đủ điều kiện pháp lý...; chính các DN cũng tự thân vượt qua giai đoạn thách thức của thị trường.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-4