A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sức mua đang tăng mạnh

Phản ứng tích cực của người tiêu dùng trong kỳ nghỉ lễ 2-9 cùng với những chính sách, chương trình kích cầu cuối năm là cơ sở và động lực để kỳ vọng kinh tế sẽ phục hồi tốt hơn

Thống kê nhanh của các siêu thị, cửa hàng, quán ăn… trên địa bàn TP HCM trong 4 ngày nghỉ lễ, mặc dù mưa lớn nhưng doanh thu của nhiều nơi vẫn tăng trung bình 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy người tiêu dùng đã mạnh tay chi nhiều hơn cho mua sắm

Nới lỏng chi tiêu

Trong kỳ nghỉ lễ, hệ thống siêu thị của Saigon Co.op ở TP HCM bao gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… có nơi tăng gần gấp 2 lần ngày thường. Giá trị giỏ hàng trung bình từ 400.000 - 500.000 đồng, tập trung vào các mặt hàng có khuyến mãi như thực phẩm tươi sống thiết yếu, thực phẩm khô, nước giải khát, trái cây, hóa mỹ phẩm…

"Đặc biệt, các Co.opmart, Co.opXtra nằm trong những khu căn hộ cao tầng, trung tâm thương mại và các thành phố du lịch… có lượng khách tăng cao. Lượng đơn hàng đơn vị tiếp nhận qua trực tuyến cũng tăng gấp 2 lần so với ngày thường" - bộ phận marketing Saigon Co.op thông tin.

Với các hệ thống siêu thị lớn như Co.opmart, Co.opXtra, Aeon, LOTTE Mart, Emart, MM Mega Market, Winmart… doanh số tăng khoảng 10% trong kỳ nghỉ lễ 2-9. Cá biệt, một số siêu thị ghi nhận doanh số tăng 15%-20% so với cùng kỳ năm 2023, trong khi lượng khách đến mua sắm chỉ tăng 5%-7%.

"Ngày nào cũng có mưa lớn kéo dài đã trực tiếp ảnh hưởng đến số lượt mua sắm. Bù lại, hầu hết hóa đơn mua sắm đều tăng cao so với ngày thường lẫn cùng kỳ năm ngoái nên tổng hợp lại, siêu thị vẫn đạt kế hoạch đề ra" - đại diện một hệ thống siêu thị lớn phân tích.

Ông Nguyễn Tấn Hòa, phụ trách marketing hệ thống Organic Food (TP HCM), cho hay với mặt hàng thực phẩm cao cấp, sức mua chỉ tập trung vào trước và ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ, cao gấp 1,5 ngày thường, những ngày còn lại doanh số thấp hơn bình thường do nhiều khách hàng đi du lịch, về quê.

"Điều này đã được chúng tôi dự báo trước nên không bất ngờ. Điểm sáng là số tiền trên mỗi hóa đơn khách mua tăng lên, ở mức bình quân 700.000 - 800.000 đồng/ hóa đơn" - ông Hòa tiết lộ.

Sức mua đang tăng mạnh- Ảnh 1.

Các siêu thị và trung tâm thương mại AEON trên cả nước đều đông khách trong dịp lễ 2-9. Ảnh: LÊ THÚY

Nhiều tín hiệu tích cực

Không chỉ dịp lễ, trước đó sức mua của người tiêu dùng tại hệ thống đã phục hồi đáng kể, người tiêu dùng không còn thắt chặt chi tiêu như trước. Đây là cơ sở để Organic Food tin tưởng mùa Tết năm nay sẽ khởi sắc cho một chu kỳ kinh tế tốt hơn.

"Đợt này, chúng tôi đẩy mạnh các sản phẩm trái cây đặc trưng vùng miền như: măng cụt, chôm chôm, nhãn lồng… và bán rất chạy. Người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền cao hơn để mua trái cây nội địa ngon, an toàn chứ không chỉ ưu tiên cho cherry hay kiwi" - ông Hòa nói.

Tại thị trường Hà Nội, sức mua cũng tăng đáng kể trong những ngày nghỉ lễ. Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội), cho biết trong 4 ngày lễ, doanh thu của siêu thị tăng tương đương với ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần.

Những mặt hàng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhiều trong dịp lễ 2-9 vừa qua có thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng nhanh. Đặc biệt, một số mặt hàng có mức tăng trưởng cao như trái cây nhập khẩu, bánh trung thu.

Dự báo về sức mua từ nay đến cuối năm, ông Tuấn kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng cùng với sự khởi sắc của nền kinh tế. Cùng với đó, hệ thống siêu thị cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm kích cầu.

"Chúng tôi có chương trình "chợ sớm giảm sung" từ 8 đến 10 giờ sáng hằng ngày, theo đó giảm giá các mặt hàng thực phẩm, chương trình siêu rẻ trong tuần, giá sốc cuối tuần... Ngoài ra, hệ thống siêu thị phát triển thêm nhiều thương hiệu riêng bảo đảm chất lượng tốt, giá rẻ hơn so với mặt hàng cùng loại.

Trong khi đó, đại diện AEON tại Việt Nam cho hay vào các dịp lễ, đặc biệt là lễ Quốc khánh 2-9 vừa qua, các hoạt động mua sắm trên địa bàn Hà Nội diễn ra sôi nổi với nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn. Ngoài ra, các trung tâm thương mại của AEON cũng thường tổ chức nhiều sự kiện giải trí như biểu diễn nghệ thuật, triển lãm và các hoạt động vui chơi cho trẻ em nên thu hút lượng khách đổ về rất đông.

Chủ động nắm bắt thời cơ

Dự báo trong thời gian tới, đại diện AEON tin tưởng lượng khách hàng sẽ tiếp tục tăng, nhờ vào 4 yếu tố, gồm: nhu cầu mua sắm, sự kiện khuyến mãi, phát triển hạ tầng và thay đổi thói quen tiêu dùng ngoại tuyến. Với nhu cầu mua sắm, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng việc mua sắm trực tiếp để trải nghiệm sản phẩm.

Sự kiện khuyến mãi, nhiều trung tâm thương mại tổ chức các chương trình khuyến mãi và sự kiện giải trí để thu hút khách hàng. Còn về phát triển hạ tầng, cơ sở hạ tầng giao thông được cải thiện giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận các trung tâm thương mại. Cuối cùng là thay đổi thói quen tiêu dùng, tức sau thời gian dịch bệnh, người tiêu dùng có xu hướng quay lại các hoạt động ngoại tuyến nhiều hơn.

Tuy nhiên, quan sát một cách dè dặt, ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Marketing hệ thống MM Mega Market, nghi ngờ miếng bánh thị trường chưa tăng mà mức tăng trưởng có được là do sự chuyển dịch khách hàng giữa các kênh mua sắm và các hệ thống bán lẻ. "Lượng khách hàng mới của MM khá nhiều, đây cũng là bộ phận khách hàng luôn có giá trị hóa đơn cao trong mỗi lần mua sắm" - ông Khôi nói. Theo ông, cần thêm nhiều thời gian để có thể lấy lại mức tăng trưởng cao cho lĩnh vực bán lẻ nói chung và mỗi DN bán lẻ nói riêng.

TS Lư Nguyễn Xuân Vũ - Chủ nhiệm CLB Doanh nhân Sài Gòn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên - cho rằng phản ứng tiêu dùng dịp lễ 2-9 là một trong những thước đo khả năng tăng trưởng trong các tháng còn lại của năm 2024.

Theo ông Vũ, hiện nay, loạt chính sách điều hành như giảm thuế GTGT còn 8%, tăng lương cơ bản 30%, một số dự án - nhất là dự án bất động sản khởi động trở lại… giúp một bộ phận người dân có thêm thu nhập. Diễn biến này kết hợp với chiến lược kích cầu tiêu dùng của toàn xã hội, các chương trình khuyến mãi tập trung, chương trình bình ổn thị trường… sẽ thúc đẩy người tiêu dùng tăng chi tiêu.

"Hiện nay, nhiều DN đã chuẩn bị nguồn nguyên liệu sản xuất hàng Tết và mạnh dạn lên kế hoạch tăng trưởng cao hơn Tết 2023. CLB Doanh nhân Sài Gòn cũng liên tục thông tin đến các hội viên về tình hình thị trường, xu hướng tiêu dùng… để DN chủ động nắm bắt thời cơ phục hồi tiêu dùng nội địa để bán hàng, tăng doanh thu" - ông Xuân Vũ nói. 

Đẩy mạnh kích cầu

Để kích cầu tiêu dùng nội địa, TP HCM đang triển khai chương trình bán hàng lưu động đến các khu dân cư, khu chế xuất - khu công nghiệp. Điểm cộng của chương trình này là lần đầu tiên, các nhà cung cấp lớn như Công ty Wilmar Marketing CLV, Công ty Procter & Gambel Việt Nam , Công ty CP Thực phẩm Bình Tây, Công ty Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, Saigon Co.op, Mega Market Việt Nam… Các DN tham gia bán hơn 500 mã hàng thuộc hơn 40 nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu được bày bán với giá ưu đãi đặc biệt lên đến 49%, nhiều mặt hàng khuyến mãi đến 80%, kèm quà tặng hấp dẫn.

Đặc biệt, đồng hành cùng chương trình, chính quyền một số địa phương đã chủ động trích ngân sách để quy đổi thành những phiếu mua hàng, phát cho người dân đi mua sắm tại các điểm bán hàng lưu động. Đơn cử, quận Phú Nhuận đã trích 50 triệu đồng để tặng cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn (mỗi người 1 phiếu mua hàng trị giá 100.000 đồng) và người dân có thu nhập thấp (mỗi hộ gia đình được phát phiếu mua hàng trị giá 30.000 đồng) dùng để mua hàng tại điểm bán hàng lưu động TP HCM đang tổ chức tại Nhà Thi đấu Rạch Miễu trong 2 ngày 3 và 4-9.

Trong khi đó, Sở Công Thương Hà Nội cho biết sẽ triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu theo kế hoạch của UBND thành phố; tiếp tục giới thiệu, kết nối sản phẩm nông sản, OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của Hà Nội… để hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, góp phần bảo đảm cân đối - cùng hàng hóa cho những tháng cuối năm và dịp lễ, Tết. Đồng thời, tạo điều kiện để các DN, hợp tác xã, đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản, OCOP của các quận, huyện, thị xã tham gia hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại từ nay đến cuối năm.

Dịp lễ, các quán cà phê, hàng ăn uống trên địa bàn TP HCM khá đông đúc, với lượng hàng bán ra tăng 2-4 lần ngày thường.

Trong khi đó, tại các chợ truyền thống như Tân Định, Đa Kao (quận 1), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh)… hoạt động mua bán hàng tươi sống chỉ đông hơn ngày thường đôi chút, giá cả không có nhiều biến động. Ngay cả hàng hải sản giá cũng không tăng hoặc tăng dưới 10%.

 


Tác giả: Thanh Nhân - Ngọc Ánh - Thùy Linh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
  • :
  • :