A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm dịp Tết Giáp Thìn 2024

Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024, ngành Y tế Cà Mau phối hợp cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ các loại thực phẩm trên địa bàn.

Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh mở đợt ra quân kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm. Đợt ra quân lần này, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Giáp Thìn và các Lễ hội. Cụ thể là kiểm tra về điều kiện của cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kiểm tra chất lượng, nhãn mác, nguồn gốc và xuất xứ của sản phẩm.

Cơ quan chức năng tỉnh thực hiện công tác kiểm tra các mặt hàng, thực phẩm đã qua chế biến và thực phẩm tươi sống như: thịt, các sản phẩm chế biến từ thịt; bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo... Cùng với đó là tăng cường quản lý, kiểm tra chất lượng thực phẩm đối với các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm và kinh doanh, mua bán thực phẩm tại các chợ đầu mối, siêu thị trên địa bàn tỉnh.

Ngành Y tế Cà Mau đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm tuân thủ các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; kiên quyết xử phạt các cơ sở cố tình vi phạm để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Tỉnh Cà Mau hiện có hơn 12.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Sở Y tế Cà Mau nhận định, dịp Tết Nguyên đán hằng năm là thời điểm các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm đưa ra thị trường số lượng lớn sản phẩm, gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Do vậy, ngành Y tế yêu cầu các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật nhằm góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng. Đây là biện pháp phòng ngừa xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm vào dịp Tết. Ngành Y tế cũng khuyến cáo người tiêu dùng, du khách nên chọn mua các mặt hàng thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ và nhãn mác rõ ràng; chọn các thương hiệu có uy tín, sản phẩm OCOP Cà Mau... để tránh mua phải những thực phẩm kém chất lượng hoặc không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo Sở Y tế Cà Mau, từ đầu năm 2024, các cơ quan chức năng đã triển khai đồng bộ công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận xảy ra trường hợp ngộ độc tập thể, tuy vậy nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn luôn tiềm ẩn.

Năm 2023, Đoàn kiểm tra liên ngành các cấp của tỉnh Cà Mau về vệ sinh an toàn thực phẩm đã tổ chức kiểm tra 7.500 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Qua đó, cơ quan chức năng phát hiện hơn 660 cơ sở vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đoàn kiểm tra đã tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh cáo 644 cơ sở; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 18 cơ sở vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm./.

Kim Há


Tác giả: Quách Kim Há
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
  • :
  • :