A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhu cầu sầu riêng tăng 400% nhờ cơn sốt ở Trung Quốc

Theo Ngân hàng HSBC, nhu cầu sầu riêng trên toàn cầu đã tăng 400% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ “cơn sốt” ở Trung Quốc.

“Đi ngược lại xu hướng toàn cầu, nhu cầu sầu riêng đang tăng 400% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ do cơn sốt ở Trung Quốc”, trích từ một báo cáo do ngân hàng HSBC công bố đầu tuần này.

Aris Dacanay, Chuyên gia kinh tế ASEAN của HSBC, tiết lộ trong hai năm qua, Trung Quốc đã nhập khẩu số sầu riêng trị giá 6 tỷ USD, chiếm 91% nhu cầu toàn cầu.

Cơn cuồng sầu riêng phần lớn tập trung ở Trung Quốc. Tại đất nước tỷ dân, người tiêu dùng không chỉ xem nó chỉ là một loại trái cây mà còn là món quà thể hiện sự giàu có của giới thượng lưu. Ngoài ra, việc tặng sầu riêng làm quà theo phong tục cho bạn bè và người thân khi đính hôn đã trở nên phổ biến. CNBC còn gọi sầu riêng là "vua của các loại trái cây".

Báo SCMP dẫn lời Ma Qian - một người dân sinh sống tại một quận vùng quê, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc - cho biết việc tặng quà cưới hay quà đính hôn cho người thân và bạn bè hiện nay đã có thêm lựa chọn là sầu riêng, bên cạnh nho, dăm bông, sữa, và nấm khô như truyền thống.

“Em họ tôi đính hôn vào tháng trước và người lớn trong nhà đã yêu cầu tôi tặng sầu riêng thay vì nho, vì nghĩ rằng như vậy sẽ trang trọng và hợp thời hơn”, Ma Qian nói. “Quan niệm xưa cho rằng sầu riêng có hàm lượng dinh dưỡng cao và ăn một trái sầu riêng bằng với ăn 3 con gà”.

“Tự do cherry” - một cụm từ thông dụng ở Trung Quốc nhằm ám chỉ khả năng một người có thể mua trái cây đắt tiền một cách thoải mái mà không cần đắn đo - bây giờ đã trở thành “tự do sầu riêng. Mỗi tháng, chúng tôi mua một quả sầu riêng để mọi người ăn chung. Giá đôi lúc sẽ là 40 nhân dân tệ/kg hay 60 nhân dân tệ/kg (130.000 - 200.000 đồng)”, Ma nói.

Zhang Liang, tài xế xe tải tại thành phố Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc, đã tặng vợ một quả sầu riêng có giá 300 Nhân dân tệ (hơn 990,000 đồng).

"Các tân lang tại miền quê thường phải tặng cho nhà gái nho, đào, rượu trắng, và bây giờ là một thùng sầu riêng. Điều này sẽ làm cho mẹ vợ tương lai của họ cảm thấy hãnh diện với làng xóm”, anh Liang nói.

Dù cơn sốt sầu riêng của Trung Quốc đã nhen nhóm từ đầu năm 2017, nhưng nhu cầu chỉ thực sự bùng nổ vào cuối năm 2022, theo dữ liệu từ HSBC

Đâu là các ông lớn xuất khẩu sầu riêng?

“Vua của các loại trái cây” bán với giá hơn 10 USD/kg ở Trung Quốc, cao hơn nhiều so với mức 6 USD/kg ở các quốc gia Đông Nam Á.

HSBC cho biết thêm, khoảng 90% sầu riêng được vận chuyển trên toàn thế giới có nguồn gốc từ khối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tăng từ mức 60% cách đây 7 năm.

Chỉ riêng Thái lan đã chiếm 99% tổng xuất khẩu sầu riêng ở ASEAN. Khối này bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam.

Nhà kinh tế ASEAN Aris Dacanay bổ sung rằng nhu cầu sầu riêng tăng cao cũng mang lại cơ hội cho các nước khác của Đông Nam Á, không chỉ Thái Lan.

“Thị trường Trung Quốc quá lớn đến mức có rất nhiều cơ hội cho các quốc gia ASEAN khác nhảy vào và cạnh tranh”, ông Dacanay cho biết.

Báo cáo của HSBC cũng cho rằng, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bao gồm khối ASEAN cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, cho phép các bên tham gia tiếp cận thị trường Trung Quốc một cách tự do và bình đẳng hơn.

“Cơ hội đã mở ra và thị trường sầu riêng ngày càng lớn hơn khi các nền kinh tế khác trong ASEAN háo hức lao vào cạnh tranh với Thái Lan, nước đang dẫn đầu xuất khẩu loại trái cây vua này”, ông Dacanay phân tích.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :