Nga tiếp tục giảm lượng dầu xuất khẩu
Ngày 17/12, Nga thông báo sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng xuất khẩu dầu trong tháng 12 khoảng 50.000 thùng ngày hoặc có thể hơn trong bối cảnh các nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới vẫn đang nỗ lực trợ giá mặt hàng này.
Ả rập Xê út và Nga, hai nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã kêu gọi các thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) tham gia một thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu trong tháng 12.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố, Nga sẽ cắt giảm sâu hơn mức giảm 300.000 thùng/ngày đã được thỏa thuận trong năm nay. Trước đó, Nga cam kết cắt giảm 300.000 thùng/ngày so với mức xuất khẩu của các tháng 5 và 6, đồng thời sẽ giữ mức cắt giảm này cho tới cuối năm nay nhằm duy trì sự ổn định và cân bằng trên thị trường dầu mỏ. Đối với quý I/2024, Moskva cũng đã thống nhất tăng mức cắt giảm sản lượng lên 500.000 thùng/ngày.
Việc cắt giảm sản lượng căn cứ vào hạn ngạch được thông qua tại cuộc họp cấp Bộ trưởng OPEC+ gần đây nhất vào tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, việc cắt giảm sản lượng mới sẽ được điều chỉnh từng bước tùy theo điều kiện thị trường để hỗ trợ sự ổn định thị trường sau tháng 3/2024.
Dựa trên những cam kết đã đạt được với OPEC+, tổng lượng xuất khẩu dầu của Nga ở năm 2023 sẽ thấp hơn mức 247 triệu tấn được đề cập trong các dự báo kinh tế vĩ mô của quốc gia này.
Phó Thủ tướng Alexander Novak kỳ vọng, Tập đoàn Khí đốt Quốc gia Nga Gazprom và Tập đoàn Khí đốt Quốc gia Trung Quốc (CNPC) có thể sớm thống nhất các điều kiện hợp đồng bán khí đốt thông qua đường ống Power of Siberia-2.
Trong nhiều năm, Nga đã đàm phán việc xây dựng Power of Siberia-2, tuyến đường sẽ vận chuyển khoảng 50 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ Yamal ở miền Bắc nước này qua Mông Cổ để vào Trung Quốc. Đây được xem là cột mốc mới nhất trong nỗ lực chuyển hướng xuất khẩu năng lượng khỏi châu Âu của Nga.
Trước đó, tháng 11 vừa qua, Ả rập Xê út cũng khẳng định nước này sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày cho đến hết năm nay.
Bộ Năng lượng Ả rập Xê út cho biết, việc cắt giảm sản lượng tự nguyện nhằm củng cố các nỗ lực phòng ngừa rủi ro của OPEC+, nhằm hỗ trợ sự ổn định và cân bằng của thị trường dầu mỏ./.