Một vụ đấu giá đất không đúng quy định (?!)
Nhiều lô đất tại dự án Khu Du lịch và Giải trí Sông Lô là "đất ở không hình thành đơn vị ở", không có trong luật đang bị đưa ra đấu giá
Bị cưỡng chế, thu hồi đất làm dự án Khu Du lịch và Giải trí Sông Lô (dự án Sông Lô) tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Văn Bình đã gửi đơn đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa và Báo Người Lao Động phản ánh vụ việc đấu giá "đất ở không hình thành đơn vị ở" tại dự án đã bị kết luận có nhiều sai phạm.
Khu Du lịch và Giải trí Sông Lô (dự án Sông Lô)
Không tuân thủ Luật Đất đai
Dự án Sông Lô do Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Hoàn Cầu của bà Trần Thị Hường (Tư Hường, đã mất) làm chủ đầu tư. Dự án này từ năm 2001 được Thủ tướng ban hành Quyết định 252/QĐ-TTg về việc thu hồi 180,2 ha tại xã Phước Đồng để thực hiện. Việc thu hồi đất bị nhiều người dân khiếu kiện hơn 20 năm qua, chưa giải quyết dứt điểm.
Tháng 8-2020, Thanh tra Chính phủ cử đoàn công tác kiểm tra rà soát các nội dung phản ánh, kiến nghị của các hộ dân liên quan dự án.
Được biết, UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép chuyển đổi hơn 44 ha từ đất thương mại dịch vụ qua "đất ở không hình thành đơn vị ở" (không có trong Luật Đất đai); Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã cấp 1.854 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) "đất ở không hình thành đơn vị ở" với tổng diện tích hơn 38,62 ha.
Nhiều chủ đầu tư các dự án đã đem GCNQSDĐ thế chấp và được một số ngân hàng nhận thế chấp, cho vay vốn.
Thời gian gần đây, Công ty Đấu giá hợp danh Cao Nguyên vừa thông báo đấu giá 17 QSDĐ tại khu biệt thự sinh thái và 1 QSDĐ tại khu Trung tâm Dịch vụ Hội nghị Quốc tế (thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng). Theo thông báo đấu giá, 18 QSDĐ có tổng diện tích 15.211,8 m2. Trong đó, khu Trung tâm Dịch vụ Hội nghị Quốc tế có diện tích 6.608 m2, 17 QSDĐ còn lại có diện tích từ 441,2 m2 đến 622,6 m2/lô.
Các thửa đất có mục đích sử dụng là đất ở tại nông thôn (không hình thành đơn vị ở). Thời hạn sử dụng đến ngày 9-3-2051. Người mua biệt thự, căn hộ (không hình thành đơn vị ở) gắn liền với QSDĐ được sử dụng ổn định lâu dài. Giá khởi điểm của tài sản đấu giá là 365,39 tỉ đồng; tiền đặt trước là 18,269 tỉ đồng. Hồ sơ tham gia đấu giá được bán từ ngày 9-8 đến 5-9-2023. Thời gian dự kiến tổ chức đấu giá vào ngày 8-9-2023.
Sở TN-MT khuyến cáo
Liên quan loại "đất ở không hình thành đơn vị ở", Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa cùng Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở TN-MT mới đây đã làm việc với từng chủ đầu tư của 17 dự án có "đất ở không hình thành đơn vị ở". Những dự án này tập trung chủ yếu tại TP Nha Trang và Bắc bán đảo Cam Ranh (huyện Cam Lâm). Nội dung làm việc là tiếp tục đề nghị chủ đầu tư điều chỉnh dự án, chuyển đổi "đất ở không hình thành đơn vị ở" trở lại mục đích sử dụng là đất thương mại dịch vụ theo yêu cầu của tỉnh.
Về việc đấu giá "đất ở không hình thành đơn vị ở", Sở TN-MT cho biết việc đấu giá đất của các ngân hàng đã cầm cố thì sở không can thiệp được. Tuy nhiên, việc đăng ký chuyển chủ sở hữu "đất ở không hình thành đơn vị ở" sẽ không thực hiện được. Do đó, Sở TN-MT khuyến cáo khách hàng cần lường trước những khó khăn khi tham gia đấu giá sở hữu loại đất này. Sở đã nhận được văn bản phản ánh của công dân và đang yêu cầu Văn phòng Đăng ký đất đai rà soát, tham mưu hướng xử lý.
Hiện nay, các dự án liên quan "đất ở không hình thành đơn vị ở" đa số nằm trong diện thanh tra của Thanh tra Chính phủ nên đang đợi hướng dẫn xử lý từ cấp trên. Chủ đầu tư muốn chuyển đổi tính chất sử dụng đất phải điều chỉnh quy hoạch, thay đổi giấy chứng nhận đầu tư thì Sở TN-MT mới có căn cứ xử lý các bước tiếp theo.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa, về nguyên tắc đấu giá đất phải tuân thủ Luật Đất đai. "Đất ở không hình thành đơn vị ở" là loại đất đã bị "khai tử", do đó cần xác định các thửa đất tổ chức bán đấu giá tại xã Phước Đồng có đúng luật không? Tránh tình trạng người trúng đấu giá không có được GCNQSDĐ, gặp phải những vấn đề pháp lý sau này.
Kiến nghị xử lý dứt điểm khiếu kiện
Liên quan dự án Sông Lô, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp để làm rõ các nội dung công dân khiếu nại, tố cáo, phản ánh tại dự án này và có các giải pháp căn cơ nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc. Đây là vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, nằm trong danh sách 35 vụ việc phức tạp, kéo dài của Tổ công tác 1849 của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án này Thanh tra Chính phủ đã nhiều lần rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022 các nội dung công dân khiếu nại, tố cáo, phản ánh như Thanh tra Chính phủ làm rõ, kết luận; việc triển khai, thực hiện kiến nghị của Thanh tra Chính phủ ở địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng lợi ích của người dân và doanh nghiệp; gây lãng phí nguồn lực trong thời gian dài; không xem xét, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, đơn vị có sai phạm.