Lực bán chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, đóng cửa ngày 6/7, mặc dù phần lớn các mặt hàng chỉ biến động nhẹ quanh mức tham chiếu, với biên độ dưới 1%; tuy nhiên, sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá của cả 4 nhóm hàng hóa nguyên liệu thế giới đang được giao dịch liên thông tại MXV, đã kéo chỉ số MXV-Index đảo chiều giảm 0,65% xuống 2.179 điểm. Trong đó, kim loại và nông sản là hai nhóm mặt hàng chịu sức ép bán mạnh nhất toàn thị trường.
Giá nông sản diễn biến trái chiều
Bên cạnh dầu đậu tương, lúa mì tiếp tục là mặt hàng biến động mạnh nhất, dẫn dắt xu hướng nhóm nông sản. Chốt phiên, giá lúa mì hợp đồng tháng 9 đã quay đầu giảm 2,41%. Trong bối cảnh triển vọng mùa vụ của các nước xuất khẩu lớn trên thế giới đều có sự cải thiện nhờ thời tiết thuận lợi, lúa mì đã phải đối mặt với áp lực bán trong suốt phiên hôm qua 6/7.
Viện trồng trọt Arvalis của Pháp cho biết, vụ lúa mì mềm năm nay của nước này dự kiến cho năng suất trung bình là 7,5 tấn/héc-ta, cao hơn so với mức 7,2 tấn/héc-ta của năm ngoái và cũng tăng 5% so với mức trung bình 10 năm, nhờ điều kiện gieo trồng tốt và mưa thường xuyên vào đầu mùa xuân. Đáng chú ý, Pháp là nhà sản xuất và xuất khẩu lúa mì lớn nhất ở châu Âu. Do đó, triển vọng mùa vụ khả quan ở quốc gia này giúp thị trường có thể yên tâm về nguồn cung lúa mì từ châu Âu trong niên vụ 23/24.
Trong khi đó tại Nga - nhà cung cấp lúa mì lớn nhất thế giới, hãng tư vấn SovEcon mới đây đã nâng dự báo xuất khẩu lúa mì niên vụ 23/24 của nước này lên mức 47,2 triệu tấn, từ mức 45,7 triệu tấn trong báo cáo trước đó.
Ở chiều ngược lại, mặc dù diễn biến ảm đạm trong phiên sáng 6/7, nhưng giá ngô hợp đồng tháng 12 đã nhanh chóng khởi sắc trong phiên tối cùng ngày nhờ những tín hiệu tích cực về nhu cầu tiêu thụ nội địa tại Mỹ. Bên cạnh đó, lực mua kỹ thuật đã hỗ trợ giá thu hẹp đáng kể đà giảm trong đầu phiên. Giá ngô đóng cửa phiên hôm qua với mức tăng 2,63%.
Dữ liệu từ báo cáo Dầu khí hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, tồn kho ethanol của nước này trong tuần từ 24/6 tới 30/6 đạt 22,26 triệu thùng, giảm 719.000 thùng so với một tuần trước đó. Hơn nữa, sản lượng ethanol của Mỹ trong tuần đánh giá đạt 1,06 triệu thùng/ngày, tăng nhẹ 8.000 thùng/ngày so với tuần trước đấy. Báo cáo của EIA phản ánh nhu cầu ethanol tại Mỹ vẫn ổn định ở mức cao trong những tuần gần đây và điều này đã tạo hỗ trợ mạnh đối với giá ngô, khi đây là nguyên liệu để sản xuất ethanol.
Ghi nhận trong sáng 7/7 tại cảng Cái Lân, thị trường giao dịch ngô Nam Mỹ rất sôi động. Nhu cầu mua hàng giao quý IV và đầu năm sau tương đối mạnh, tuy nhiên giá hiện vẫn dao động ở mức thấp khiến các công ty thương mại thận trọng trong việc đẩy hàng ra thị trường. Theo ghi nhận của MXV, giá ngô Nam Mỹ giao tại cảng kỳ hạn giao 3 tháng cuối năm dao động quanh mức 6.300 - 6.500 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao 2 tháng đầu năm sau, giá giao dịch ở khoảng 6.400 - 6.500 đồng/kg.
Thị trường kim loại gặp sức ép
Lức bán áp đảo trên thị trường kim loại khi kết thúc phiên giao dịch ngày 6/7. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc dẫn dắt đà suy yếu với mức giảm 0,96% xuống 22,89 USD/ounce, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất trong vòng 2 tuần. Trong khi giá bạch kim đánh mất 0,69% giá trị, chốt phiên tại 909,7 USD/ounce.
Báo cáo dữ liệu bảng lương của ADP tăng vượt ước tính đã có tác động mạnh tới thị trường kim loại quý trong phiên hôm qua, do làm tăng nguy cơ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất.
Cụ thể, bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ tăng thêm 497.000 việc làm trong tháng 6, theo báo cáo của ADP. Con số này tăng gần gấp đôi so với mức 267.000 của tháng 5 và cao hơn 2 lần so với mức 228.000 mà giới phân tích dự báo, cho thấy sức mạnh trên thị trường lao động Mỹ bất chấp nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng tăng do lãi suất cao hơn.
Điều này khiến các nhà đầu tư lo ngại Fed có thể tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất do áp lực lạm phát vẫn còn dai dẳng. Số nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 7 đã tăng lên 92%, từ mức 88% trước khi dữ liệu được công bố, theo CME FedWatch.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tăng lên mức cao nhất trong hơn 4 tháng, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm đạt mức cao nhất kể từ tháng 6/2007 sau dữ liệu việc làm.
Do đó, lợi suất cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý không sinh lời, kết hợp với lo ngại lãi suất tiếp tục tăng cao khiến bạc và bạch kim chịu sức ép.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm 1,57% xuống 3,73 USD/ounce. Lo ngại nguy cơ suy thoái tăng cao khi Fed tiếp tục tăng lãi suất và triển vọng tiêu thụ đồng còn mờ nhạt tại Trung đang khiến giá đồng phải chịu sức ép.
BofA Global Research vào hôm qua đã cắt giảm dự báo giá đồng năm 2023 xuống 6,8% xuống còn 8.788 USD, do kinh tế phục hồi chậm ở Trung Quốc, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và suy thoái sản xuất toàn cầu.