Khuyến mại kích cầu cần đi kèm với chất lượng hàng hoá
Khuyến mại là hoạt động thu hút đông người tiêu dùng, tuy nhiên, chất lượng hàng hoá tại các phiên khuyến mại từ trước đến nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề.
Chất lượng hàng hoá tại các sự kiện mua sắm còn tồn tại nhiều vấn đề
Khuyến mại cuối năm là một hoạt động mang đến lợi ích cả cho người bán và người mua bằng cách tạo ra những chương trình, hình thức khuyến khích hấp dẫn (giảm giá, tặng quà khách hàng...) kích cầu mua sắm. Đây là thời điểm các doanh nghiệp có thể dọn kho, thanh lý hàng tồn triệt để chỉ với mục tiêu đạt doanh thu bằng với giá vốn, vừa tận thu vừa xây dựng hình ảnh thương hiệu gần gũi, thân thiện với khách hàng.
Về phía người tiêu dùng, mua sắm thời điểm này để có cơ hội sở hữu và trải nghiệm những món hàng chất lượng cao cấp, hoặc đơn giản hơn là tích trữ những món hàng nhu yếu phẩm với mức giá phải chăng, tiết kiệm. Do vậy, vào các dịp lễ, tết, cuối năm, trên các khu phố có hoạt động kinh doanh buôn bán, cửa hiệu... đều bắt gặp những băng rôn, biển quảng cáo giảm giá bắt mắt với các mức “sale” từ 30-70%, “Mua một tặng một”, “Mua hai tặng một”...
Không chỉ trên thị trường trực tiếp, trên thị trường trực tuyến hoạt động khuyến mại cũng rất mạnh mẽ sôi động với những mức giảm kịch sàn... Không phủ nhận nhiều chương trình khuyến mại thực sự hấp dẫn đã thu hút lượng khách hàng khá đông và mang đến cho khách hàng nhiều quyền lợi thiết thực, để lại ấn tượng tốt và tất nhiên sau đó sẽ là sự gắn bó dài lâu của khách hàng với thương hiệu.
Chương trình khuyến mãi hàng hiệu quy mô lớn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh với chủ đề “City Sale” (Ảnh: Hà Phạm) |
Hiện nay, các địa phương lớn đều chủ trì tổ chức nhiều chương trình khuyến mại trong các dịp Lễ, Tết như Tháng Khuyến mại tập trung, Tháng Khuyến mại Hà Nội, Tháng Khuyến mại Đà Nẵng… Song song với đó, các doanh nghiệp cũng tận dụng thời điểm này để “bung” hàng loạt các chương trình khuyến mại giảm giá mạnh nhằm kích cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên, bên cạnh việc mua sắm được các sản phẩm chất lượng, giá “hời” trong dịp này, nhiều người tiêu dùng đã có trải nghiệm mua sắm không tích cực trong các kỳ khuyến mại. Chị Nguyễn Thu Hà (Tây Mỗ, Hà Nội) cho biết, đợt nghỉ lễ 2/9 vừa rồi, chị thấy nhiều cửa hàng thời trang khuyến mại giảm giá nên đi tìm mua ít quần áo cho người thân trong gia đình. Tuy nhiên, các sản phẩm không được như chị mong đợi.
"Tôi thấy phần nhiều các sản phẩm giảm giá tại những cửa hàng này đều là hàng tồn từ năm ngoái trong kho, khi treo lên kệ vẫn còn nhăn nhúm, màu sắc mờ nhạt hoặc size quá to, quá nhỏ. Loại hàng hóa giảm giá cũng chiếm số lượng rất ít trong cửa hàng so với hàng mới", chị Hoa nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, việc giảm giá, khuyến mại được xem là giải pháp để kích thích sức mua. Tuy nhiên, thời gian qua, có một số doanh nghiệp lợi dụng dịp này để “tuồn” ra thị trường hàng tồn kho, hàng kém chất lượng...
Đưa hàng hiệu vào các đợt khuyến mại
Trong bối cảnh đó, vừa qua, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai một loạt hoạt động kích cầu tiêu dùng hàng có chất lượng. Đơn cử, từ 6/8 - 5/9, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức các chuyến bán hàng lưu động phục vụ người lao động thu nhập thấp ở các quận, huyện, khu công nghiệp, khu chế xuất… Đáng chú ý năm nay, bán lưu động không chỉ hàng Việt mà còn có sự góp mặt của các thương hiệu lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cùng tham gia qua sự vận động của Sở. Thế nên, người thu nhập thấp, công nhân vẫn có cơ hội mua sắm hàng hóa chất lượng tốt, giá tốt tại các xe bán hàng lưu động.
Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, có 9 doanh nghiệp tham gia xuyên suốt chương trình, với 40 nhóm mặt hàng, gồm 500 loại sản phẩm, tiếp cận khoảng 300.000 người, thu hút 100.000 lượt khách tham quan và 50.000 lượt mua hàng. Các sản phẩm được bày bán trên gian hàng bình ổn chủ yếu từ các doanh nghiệp sản xuất, phân phối lớn trên địa bàn thành phố như: Công ty Wilmar Marketing CLV, Công ty Procter & Gamble Việt Nam, Công ty CP thực phẩm Bình Tây, Công ty nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, Saigon Co.op, Mega Market Việt Nam...
Nhờ chương trình này, người dân TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn, công nhân tại các khu công nghiệp có thể mua được rất nhiều hàng tiêu dùng thiết yếu với giá ổn định. Gắn với việc tăng lương của Chính phủ để cải thiện đời sống người lao động, công nhân viên chức. Đặc biệt, hàng hoá được đảm bảo có chất lượng tốt.
Ngay sau đó, trong 10 ngày từ 30/8 đến 8/9, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị chính thức phát động đợt khuyến mãi hàng hiệu quy mô lớn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh với chủ đề “City Sale”. Có 3 địa điểm tổ chức khuyến mãi hàng hiệu, gồm: Tầng B1, Trung tâm thương mại Union Square (171 Đồng Khởi, quận 1); tầng 1, 2 và 3, Trung tâm thương mại SCVivo City (1058 Nguyễn Văn Linh, quận 7); tầng 1, 2, Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ khu vực phía Nam (1196 đường 3 Tháng 2, quận 11). Riêng tại quận 11, hoạt động khuyến mãi chỉ diễn ra từ 30-8 đến 3-9.
Năm nay, sự kiện khuyến mãi hàng hiệu được tổ chức quy mô lớn, kéo dài nhiều ngày, với sự tham gia của hơn 500 thương hiệu nổi tiếng trong nước và thế giới. Đáng chú ý, các thương hiệu sẽ giảm giá lên đến 80% trên hàng triệu món hàng hiệu, từ mỹ phẩm, nước hoa, thời trang, đồng hồ, túi ví, giày công sở, giày thể thao, vali… cho tới sản phẩm chăm sóc sức khỏe và nhà cửa. Đặc biệt, với chủ trương “Mua sắm không tiền mặt”, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh còn liên kết với 2 cổng thanh toán VNPAY và ZaloPay tham gia tài trợ voucher để giảm thêm cho khách hàng với các mức 50.000 đồng - 200.000 đồng.
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, cần những “cú hích” từ nhiều mũi nhọn, "City Sale" được xác lập là một trong những hoạt động thiết thực, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, đồng hành kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng, đưa người tiêu dùng đến gần hơn với hàng hiệu - chính hãng - chất lượng - giá tốt nhất. "City Sale" cũng góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, mua sắm tại TP Hồ Chí Minh.
Song song với các hoạt động kêu gọi doanh nghiệp kích cầu, Sở Công Thương Hồ Chí Minh cũng đề nghị lực lượng quản lý thị trường vào cuộc kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hoá.
Đánh giá cao các sự kiện này của ngành Công Thương TP Hồ Chí Minh, chuyên gia Vũ Vinh Phú chia sẻ, nhìn từ các chương trình trên, có thể thấy đây là các cách làm đúng. Để các chương trình giảm giá khuyến mại đi vào thực chất, các đơn vị kinh doanh cần phải bảo đảm chất lượng hàng hóa khi giảm giá, tránh tình trạng nâng giá rồi giảm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, xử phạt với trường hợp vi phạm quy định về khuyến mại, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng. Khi quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo, doanh thu của doanh nghiệp chắc chắn tăng lên, hiệu quả kích cầu tiêu dùng sẽ được nâng cao.