Dầu tiếp tục tăng giá nhờ dự báo nguồn cung khan hiếm vào cuối năm
Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng vào ngày thứ Tư (12/06) khi nhà đầu tư dự báo nguồn cung khan hiếm vào cuối năm nay. Tín hiệu chỉ có một đợt hạ lãi suất trong năm nay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và dữ liệu dự trữ tiêu cực của Mỹ đã kìm hãm đà tăng giá dầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/06, hợp đồng dầu WTI tiến 60 xu (tương đương 0.77%) lên 78.50 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent cộng 68 xu (tương đương 0.83%) lên 82.60 USD/thùng.
Bộ Năng lượng Mỹ nhận thấy nhu cầu dầu toàn cầu tăng 1.1 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao hơn so với dự báo trước đó là 900,000 thùng/ngày. Nhu cầu gia tăng làm thâm hụt nguồn cung, với sản lượng dầu thế giới được dự báo sẽ tăng 800,000 thùng/ngày trong năm 2024.
Giá dầu đã tăng gần 2% vào đầu phiên, nhưng đã giảm sau khi Mỹ báo cáo dự trữ dầu thô tăng 3.7 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược hoàn toàn so với dự báo giảm 1 triệu thùng từ các chuyên gia phân tích.
Dự trữ xăng tăng 2.6 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự báo thêm 891,000 thùng từ các chuyên gia phân tích. Nhu cầu nhiên liệu tăng 94,000 thùng/ngày lên tổng cộng khoảng 9 triệu thùng/ngày. Nhu cầu nhiên liệu trung bình hằng ngày ở mức thấp, thấp hơn 1.5% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù mùa hè dịch chuyển đã bắt đầu.
Dầu tiếp tục giảm sau khi Fed chỉ ra rằng chỉ có một đợt hạ lãi suất trong năm nay, trái ngược với dự báo có 3 đợt hạ lãi suất gần đây vào tháng 3, với lí do tiến triển “khiêm tốn” trong việc hạ nhiệt lạm phát.
Martijn Rats, Chiến lược gia hàng hoá tại Morgan Stanley, lưu ý: “Trong ngắn hạn, thị trường dầu có thể sẽ khan hiếm hơn”. Ngân hàng này nhận thấy mức thâm hụt 1.2 triệu thùng/ngày trong quý 3, điều này có thể thúc đẩy giá dầu Brent tăng lên 86 USD/thùng.
Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu là 2.2 triệu thùng/ngày do tăng trưởng kinh tế toàn cầu ổn định ở mức 2.8% trong năm nay. Những dự báo này mâu thuẫn với triển vọng tiêu cực từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), vốn cho thấy nhu cầu suy yếu và nguồn cung gia tăng.