A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển đổi số và những vấn đề đặt ra trong phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng ở Việt Nam

Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, việc ứng dụng các công nghệ là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh thế giới đang chuyển sang giai đoạn mới, kỷ nguyên số hóa, cùng những thay đổi sâu sắc cấu trúc ngành nghề kinh tế và chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu do đại dịch COVID-19. Bài viết phân tích xu hướng chuyển đổi số, đánh giá thực trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực dịch vụ tài chính-ngân hàng ở Việt Nam, qua đó nhận diện các vấn đề đặt ra đối với phát triển dịch vụ tài chính-ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số.

Chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu, đặc biệt trong và sau đại dịch COVID-19

Khái niệm “Chuyển đổi số” thường được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đã, đang phục hồi từ đại dịch COVID-19, chuyển đổi số đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Theo nghiên cứu của Mastercard Việt Nam, đại dịch là chất xúc tác giúp phát triển tư duy “kỹ thuật số là mặc định”, giúp thay đổi thói quen thanh toán của người tiêu dùng. Theo đó, 60-70% người dân Đông Nam Á đã giảm sử dụng tiền mặt; 75% người dân châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục sử dụng thanh toán không tiếp xúc sau đại dịch; 91% người dân khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã sử dụng hình thức thanh toán không tiếp xúc vì lý do an toàn COVID-19. Kết quả nghiên cứu của McKensey dự báo, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, với đất nước Brazil là 35%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%. Từ đây, có thể thấy khả năng tác động của chuyển đổi số đối với tăng trưởng GDP là rất lớn.

Tại Việt Nam, với dân số gần 100 triệu người và tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong khu vực châu Á, dân số trẻ năng động và có khả năng tiếp cận công nghệ cao nhanh chóng, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng rất lớn trong việc chuyển đổi số. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra sự đột phá trên thị trường nhờ vào chuyển đổi số. Trong năm 2020, giá trị của một số công ty công nghệ trong nước tăng khoảng 200% trên Sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, bao gồm Công ty Cổ phần Thế giới Số (Digiworld), nhà cung cấp dịch vụ phát triển thị trường; và Viễn Liên, doanh nghiệp thiết bị viễn thông - tăng lần lượt 252,1% và 189,4%. (Ngân hàng Thế giới, 2021). Năm 2021, doanh thu của các doanh nghiệp số vẫn tăng trưởng gần 10%. Xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam đã tăng 3 bậc so với năm 2016 (theo Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển chính phủ điện tử năm 2020 của Liên Hợp Quốc).

Ngân hàng Thế giới (2021) sử dụng Khung đánh giá Kết nối, Làm chủ, Đổi mới sáng tạo và Bảo vệ (CHIP) đánh giá chuyển đổi số dựa trên 4 trụ cột: (1) Sự phát triển của hạ tầng số hiện đại và mạng lưới thanh toán cần thiết để đảm bảo kết nối đáng tin cậy và nhanh giữa các người dung; (2) Khai thác làm chủ những kết nối này thông qua phát triển kỹ năng phù hợp cho lực lượng lao động và tăng cường năng lực quản lý nhà nước đối với nền kinh tế mới của Chính phủ; (3) Những lợi ích mà công nghệ số đem lại; (4) Cơ chế bảo vệ chống lại việc vi phạm và lạm dụng an ninh trên không gian mạng
Kết quả phân tích theo Khung đánh giá CHIP cho thấy, có thể so sánh kết quả đạt được của Việt Nam với 2 nhóm quốc gia: (i) Nhóm 8 quốc gia tương đồng với Việt Nam, có thu nhập trung bình và coi chuyển đổi số là trung tâm trong chiến lược phát triển (Columbia, Bờ Biển Ngà, Indonesia, Mexico, Ma-rốc, Nam Phi, Thái Lan và Tunisia); (ii) Nhóm 4 quốc gia tiến bộ hơn về kinh tế và chuyển đổi số (Hàn Quốc, Malaysia, Philippine và Singapore).

Chuyển đổi số trong phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng ở Việt Nam

Trong những năm qua, thị trường tài chính - ngân hàng hoạt động ngày càng lành mạnh, an toàn, chuẩn mực hơn, mô hình quản trị công ty, kiểm soát rủi ro được cải tiến và dần tiệm cận với thông lệ quốc tế (như việc áp dụng Basel II đối với hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM). Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 06/9/2021 của Chính phủ về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng, đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện cho phát triển dịch vụ tài chính thích ứng với những yêu cầu của chuyển đổi số.

Thị trường chứng khoán được tái cấu trúc mạnh mẽ, mặc dù, số lượng các công ty chứng khoán giảm nhưng tăng mạnh về quy mô và chất lượng, quá trình thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục triển khai, thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp có những bước tiến đáng kể. Các nhân tố trên đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng của dịch vụ tài chính – ngân hàng – bảo hiểm trong giai đoạn qua, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng mức độ bao phủ của dịch vụ tài chính trên toàn quốc, góp phần thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã đem tới những tác động đáng kể đối với dịch vụ ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm, làm thay đổi hành vi của người sử dụng dịch vụ tài chính - ngân hàng, cũng như cấu trúc hoạt động và vận hành của các ngân hàng, công ty chứng khoán và bảo hiểm. Chuyển đổi số tạo cơ hội thay đổi diện mạo của ngân hàng, công ty chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm như: giảm chi phí vận hành; nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng tính an toàn, bảo mật.

Trong lĩnh vực chứng khoán, việc sử dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain) có thể giúp kiểm soát các giao dịch, việc sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp giao tiếp với các nhà đầu tư, thành viên thị trường và phát triển sản phẩm mới; trong khi công nghệ Internet vận vật kết nối (IoTs) và dữ liệu lớn (Big Data) có thể giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, công khai minh bạch thông tin trong lĩnh vực chứng khoán. Nhiều sản phẩm, dịch vụ được nâng cấp, cải tiến, giúp gia tăng hiệu quả quản trị, trải nghiệm cho doanh nghiệp và cho nhà đầu tư.

Trong lĩnh vực bảo hiểm, trong 5 năm qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ đã đạt tốc độ tăng trưởng cao, từ 25-30%. Các sản phẩm bảo hiểm được đa dạng hóa với hơn 450 sản phẩm thuộc tất cả các nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm của hơn 9,8 triệu người tham gia bảo hiểm. Mặc dù vậy, việc đầu tư công nghệ cho lĩnh vực bảo hiểm vẫn có phần chưa tương xứng, các ứng dụng di động vẫn chỉ dừng ở mức đơn giản, chưa giải quyết yêu cầu về dữ liệu lớn của ngành Bảo hiểm hiện nay như việc từ khối dữ liệu khổng lồ dự đoán được nhu cầu mỗi nhóm khách hàng để xây dựng gói sản phẩm thích hợp.

Trong lĩnh vực ngân hàng, phần lớn các ngân hàng Việt Nam đã triển khai ngân hàng số ở cấp độ chuyển đổi về quy trình và kênh giao tiếp, trong khi chuyển đổi về nền tảng dữ liệu mới được triển khai tại một số ngân hàng tiên phong. Hiện nay, các NHTM Việt Nam khá tích cực trong việc số hóa các hoạt động ngân hàng của mình với 2 cách tiếp cận điển hình. Ngân hàng TMCP Quân đội tập trung tăng cường trải nghiệm cho khách hàng, thu hút khách hàng bằng cách mở rộng tương tác với khách hàng thông qua các minigame.

Trong khi đó, Ngân hàng Techcombank lấy khách hàng làm trung tâm, hiểu được hành vi khách hàng, tập trung vào việc số hóa quy trình vận hành và quy trình xử lý nội bộ trong ngân hàng. Việc quản lý dịch vụ công nghệ tài chính đang được điều chỉnh theo hướng khuyến khích, tạo điều kiện phát triển. Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực FinTech là các hoạt động thuộc diện được ưu đãi thuế theo Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam.

Những vấn đề đặt ra

Bên cạnh những cơ hội do số hóa mang lại, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần được quan tâm để phát triển dịch vụ tài chính – ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số. Cụ thể:

Thứ nhất, nghiên cứu và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho sự phát triển và giám sát dịch vụ tài chính – ngân hàng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Việc ứng dụng các công nghệ mới, hình thành các mô hình giao dịch mới, dịch vụ tài chính mới đòi hỏi phải có hệ thống khung pháp lý được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các mô hình, dịch vụ mới này. Việc ứng dụng các công nghệ AI trong xây dựng các thuật toán cũng phát sinh các giao dịch tần suất cao, đồng thời công nghệ Big Data, công nghệ di động cũng phát sinh dịch vụ tài chính mới như phân tích đầu tư, giao dịch qua thiết bị di động, thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng, hỗ trợ báo cáo tuân thủ, do đó khung pháp lý liên quan đến quản lý, giám sát giao dịch tần suất cao, bảo mật dữ liệu cũng là một vấn đề đặt ra.

Trong dài hạn, cần nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý đối với giao dịch chứng khoán, thanh toán và thanh toán bù trừ khi các mô hình giao dịch, thanh toán mới (như thanh toán thông qua ví điện tử, thanh toán bù trừ trong hệ thống blockchain thông qua thuật toán) được hình thành thông qua ứng dụng công nghệ. Đồng thời, mở rộng các quy định pháp lý liên quan đến bảo mật thông tin và đảm bảo an ninh thông tin, do việc áp dụng các công nghệ mới sẽ phát sinh các lỗ hổng về bảo mật mới.

Trong lĩnh vực bảo hiểm, một vấn đề đặt ra là cần có một khung pháp lý phù hợp, trong bối cảnh đã phát triển các mô hình kinh doanh mới, các doanh nghiệp bảo hiểm truyền thống có thể kết hợp với doanh nghiệp Fintech hoặc doanh nghiệp Fintech khởi nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, khi một doanh nghiệp khởi nghiệp muốn trở thành một doanh nghiệp bảo hiểm với tất cả các nghiệp vụ bảo hiểm thì doanh nghiệp phải có mức vốn điều lệ đáp ứng yêu cầu theo pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, để bảo vệ người tham gia bảo hiểm và đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp kinh doanh nghiệp.

Ngoài ra, đối với dịch vụ tư vấn tự động, kinh nghiệm các nước cho thấy cùng với việc ứng dụng công nghệ AI, áp dụng tư vấn tự động, khung pháp lý cũng các nước cũng có điều chỉnh để phù hợp với dịch vụ tài chính mới này. Tại Việt Nam, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành đang quy định về hoạt động môi giới, đại lý bảo hiểm, trong khi mô hình tư vấn tự động mới có thể thay thế môi giới/đại lý bảo hiểm, do đó trong thời gian tới khi các doanh nghiệp bảo hiểm ứng dụng các công nghệ này vào hoạt động kinh doanh thì việc điều chỉnh các quy định pháp lý liên quan đến tư vấn bảo hiểm cũng là vấn đề đặt ra.

Trong lĩnh vực ngân hàng, việc các công ty Fintech cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính như cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng… chưa có quy định pháp luật điều chỉnh trực tiếp. Hiện nay, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt nam (NAPAS) là kênh độc quyền cho mọi giao dịch thanh toán, trong khi cho vay ngang hàng chưa thuộc đối tượng điều chỉnh của luật pháp. Đối với tài sản mã hóa (TSMH), hiện nay vẫn chưa có khuôn khổ pháp lý chính thức quản lý TSMH và các hoạt động liên quan tại Việt Nam.

Các quy định liên quan tới TSMH nằm rải rác ở một số văn bản pháp luật và mới chỉ điều chỉnh hoạt động sử dụng TSMH như một phương tiện thanh toán, thay thế cho tiền pháp định. Do TSMH chưa được công nhận tính pháp lý là phương tiện thanh toán, hay tài sản, hàng hóa... nên việc áp dụng các chính sách thuế hay quản lý như một loại chứng khoán đều không có cơ sở. Đối với các nhà cung cấp, các công ty công nghệ, việc thiếu cơ sở pháp lý như trên làm tăng rủi ro pháp lý, khiến các công ty này sẽ tìm kiếm các quốc gia khác có môi trường pháp lý rõ ràng, an toàn hơn cho việc phát triển dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ sổ cái.

Thứ hai, hoàn thiện hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin và nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới.

Đã có nhiều thách thức đặt ra trong quá trình triển khai các dịch vụ công điện tử (tra cứu, cung cấp thông tin) trên nền tảng di động thông minh, nâng cấp một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lên mức độ 4 trên nền tảng công nghệ di động. Bên cạnh đó là những thách thức khi áp dụng công nghệ blockchain như: (i) Thách thức từ đặc điểm không thể thay đổi thông tin giao dịch, bất kỳ giao dịch nào được ghi trong blockchain không thể được sửa đổi khi có thay đổi các tham số trong hợp đồng hoặc các trường hợp ngoại lệ. Cách duy nhất để sửa các giao dịch là thực hiện một giao dịch đảo ngược, tuy nhiên cũng không thể chỉnh sửa thông tin lịch sử trong cơ sở dữ liệu blockchain, điều này có thể ảnh hưởng đến việc xác thực giao dịch sau đó; (ii) Thách thức trong giao dịch tiền mặt, mặc dù công nghệ blockchain cho phép một giao dịch bảo mật được thanh toán trong thời gian thực nhưng rào cản lớn nhất của công nghệ này là cách thức xử lý giao dịch tiền mặt. Đồng tiền kỹ thuật số vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ của tất cả các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.

Thứ ba, bảo mật thông tin.

Bên cạnh các tiện ích, việc ứng dụng các công nghệ mới như blockchain, Big data cũng phát sinh những vấn đề về bảo mật. Công nghệ blockchain cho phép mỗi nút/thành viên trong mạng được lưu một bản sao sổ kế toán ghi chép lại lịch sử giao dịch, do đó vấn đề đặt ra trong mô hình này là vấn đề bảo mật, quyền riêng tư của các bên tham giao dịch có thể bị xâm phạm. Trong khi đó, công nghệ Big Data cho phép thu thập, lưu trữ, sắp xếp, phân tích các loại dữ liệu như thị trường, khách hàng, giao dịch, rủi ro… thì bảo mật thông tin cũng là vấn đề đặt ra khi áp dụng công nghệ này cho thị trường tài chính với các thông tin, dữ liệu nhạy cảm về giao dịch.

Thứ tư, giao dịch điện tử đối với các hợp đồng trực tuyến và xác nhận chữ ký điện tử.

Luật giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định cụ thể chi tiết đối với giao dịch điện tử liên quan đến hợp đồng trực tuyến, đây cũng là một vấn đề đặt ra. Năm 2018, Việt Nam đã ban hành Luật An ninh mạng, nhưng phạm vi của Luật chỉ giới hạn trong hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, mà chưa đề cập đến một số vấn đề liên quan đến các dịch vụ tài chính như: (i) Quy định về kiểm soát và xử lý dữ liệu khi thực hiện các hợp đồng thuê ngoài; (ii) Quy định về chuyển dữ liệu xuyên biên giới; (iii) Quy định về báo cáo vi phạm liên quan đến dữ liệu cá nhân; (iv) Quy định về thời gian lưu trữ liên quan đến mục đích sử dụng dữ liệu

Một vấn đề nữa là nền tảng để các dịch vụ ứng dụng công nghệ hoạt động đó là việc công nhận chữ ký điện tử của các tổ chức, cá nhân trong giao dịch điện tử. Tại Việt Nam, việc xác nhận chữ ký điện tử còn hạn chế, do đó, việc áp dụng giao dịch điện tử vào các hợp đồng trực tuyến (đặc biệt là hợp đồng bảo hiểm) còn gặp khó khăn. Doanh nghiệp vẫn phải thực hiện bước gặp trực tiếp khách hàng để lấy chữ ký trên hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và phát hành hợp đồng bảo hiểm bằng bản in cho khách hàng.

Thứ năm, xây dựng khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) cho việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính – ngân hàng.

Đi kèm với các công nghệ mới là các rủi ro, như công nghệ Blockchain, mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng vẫn có những thách thức về tính không sửa đổi được, việc sử dụng tiền điện tử hay tính hợp pháp của một hợp đồng thông minh dựa trên blockchain là không rõ ràng. Để hạn chế các rủi ro của công nghệ, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý phát triển công nghệ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, để biết được những thành công và thất bại khi ứng dụng công nghệ vào ngành này, đồng thời góp phần đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp tham gia thị trường.

Cuối cùng, các ngân hàng, công ty chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm gặp nhiều thách thức trong việc cung cấp dịch vụ tài chính số và thay đổi mô hình kinh doanh, sản phẩm dịch vụ, kênh phân phối sản phẩm và chuẩn bị nguồn lực tài chính lớn để thích ứng với xu hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản phẩm, dịch vụ số. Vấn đề đặt ra là các tổ chức cung ứng dịch vụ số phải có sự dịch chuyển trong mô hình kinh doanh, tạo ra sự nhất quán trong mô hình quản trị, kế hoạch hành động chuyển đổi số và phương thức triển khai trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng nguồn lực (tài chính, nhân lực…) và rủi ro tiềm tàng trong quá trình chuyển đổi.

Tài liệu tham khảo:

  1. Phạm Xuân Hòe (2021), “Số hóa ngân hàng – Nhiều đột phá cho ngành dịch vụ tài chính Việt Nam”;
  2. CSIRO (2019), “Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045”, Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp của Australia;
  3. Accenture (2016), “Three technologies that changing the financial services”;
  4. World Bank (2021), “Taking Stock: Digital Vietnam – The Path to Tomorrow”. Madani, Dorsati H. & Morisset, Jacques. Working Paper.

* TS. Lê Thị Thùy Vân - Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính.

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 10/2021


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :