Cẩn trọng khi cá tra sốt giá
Giá cá tra đang tăng mạnh khiến người nuôi rất vui mừng, song ngành chức năng khuyến cáo nếu thả nuôi ồ ạt sẽ lập lại chu kỳ rớt giá mạnh vào đầu năm 2023
Mấy ngày nay, việc cá tra bất ngờ tăng giá trở lại đã trở thành câu chuyện "nóng" được nhiều người nuôi cá bàn tán rôm rả. Có người vội vã bán cá liền để thả nuôi vụ mới nhưng cũng có người găm hàng, chờ giá cao hơn nữa.
"Niềm vui ngắn hạn"?
Ông Chương Văn Khanh - ngụ phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ - cho biết một công ty thủy sản đang hỏi mua cá tra của người dân tại địa phương với giá 30.000 đồng/kg, kích cỡ 850-900 g/con.
"Hai năm qua, do dịch Covid-19 nên giá cá tra xuống còn 19.000-23.000 đồng/kg khiến người nuôi lỗ nặng hoặc chỉ huề vốn. Tuy nhiên, giá cá bất ngờ tăng lên 30.000 đồng/kg từ sau Tết Nguyên đán nên sau khi trừ chi phí, người nuôi có lãi khoảng 5.000 đồng/kg" - ông Khanh hồ hởi.
Theo ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc HTX Nuôi thủy sản Đại Thắng (tỉnh Hậu Giang), HTX hiện còn khoảng 200 tấn cá tra trong ao vẫn chưa xuất bán. Mấy ngày nay, người ở các nhà máy và thương lái đến hỏi mua cá tra với giá 27.000-28.000 đồng/kg nhưng nhiều người nuôi vẫn chưa chịu bán vì công ty tại một số tỉnh đã mua 30.000 đồng/kg.
Trước cơn sốt về giá cá tra, những người nuôi cá như ông Nguyễn Văn Học - ở TP Châu Đốc, tỉnh An Giang - cảm thấy rất vui mừng. Gia đình ông hiện có 4 ao cá, trong đó 1 ao chuẩn bị xuất bán, 1 ao mới thả con giống và 2 ao còn để không. Trước Tết, ông Học xuất bán 1 ao cá khoảng 500 tấn, lỗ hơn 1 tỉ đồng. Mấy ngày nay, giá cá khoảng 30.000 đồng/kg, ông hy vọng 1 ao sắp xuất bán sẽ bù lại khoản lỗ vừa qua và có thêm chi phí để đầu tư vụ tiếp theo.
"Với giá khoảng 30.000 đồng/kg như hiện nay, người nuôi như tôi có lãi tầm 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, có thể đây chỉ là niềm vui ngắn hạn. Giá cả thị trường luôn biến động, người nuôi còn phải chịu nhiều rủi ro. Con giống năm nay chất lượng không cao, hao hụt 30%-50%, giá cả thức ăn cũng tăng vọt ngay sau Tết. Do đó, giá cá cao như hiện nay cũng chỉ đem lại niềm vui cho người nuôi lúc này, chứ về sau không ai biết thế nào được" - ông Học băn khoăn.
Trong khi đó, ông L.D - một người nuôi cá tra lâu năm ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng - vẫn chưa chịu bán cá tra lúc này. Theo ông, giá cá sẽ tiếp tục tăng sau vài ngày nữa.
Chế biến cá tra tại một công ty thủy sản ở ĐBSCL. Ảnh: NGỌC TRINH
Năm 2021, dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới việc sản xuất cá tra nguyên liệu của Việt Nam. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng đến việc nuôi cá tra.
Ngoài ra, trong khi giá thức ăn, cước phí vận chuyển quốc tế, giá nhiên liệu tăng cao trong vài năm gần đây thì giá cá tra xuất khẩu trung bình tăng không đáng kể. Từ đó, giá cá tra nguyên liệu ở mức thấp, nông dân thua lỗ rất nhiều. Một số người không tiếp tục thả nuôi mới, dẫn đến lượng cá nguyên liệu giảm.
Ông Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, cho rằng người nuôi cá tra cần hết sức bình tĩnh vì giá hiện nay có thể là "ảo". Nó có thể được tạo ra bởi các doanh nghiệp (DN) từ trước đến nay chưa có hợp đồng liên kết - họ thu mua cá ở nhiều nơi nhưng không được, buộc phải đẩy giá cao để mua được cá cho các hợp đồng đã ký.
Trong khi đó, các hộ nuôi có hợp đồng liên kết với DN vẫn được giữ giá ổn định. Việc sốt giá như hiện nay có thể là "chiêu bài" của một số DN. Mức giá này có thể tồn tại trong một hoặc vài tuần. Hiện nay, nếu người nuôi ào ạt nhập giống thì có thể "sụp bẫy" về giá sau này.
Ông Dũng giải thích: "Thực tế, giá cá tra tăng cao đã được chúng tôi dự báo hồi trước Tết, do năm rồi có thời điểm người nuôi chủ động không thả cá nên sẽ có thời điểm thiếu nguồn nguyên liệu vào quý I năm nay. Như vậy, DN mua cá với giá cao để nông dân thấy hấp dẫn sẽ đầu tư nuôi nhiều. Khi họ nuôi nhiều thì có thể sẽ "sụp bẫy" như nhiều năm trước. Hiện tượng cá sốt giá đã xảy ra nhiều năm rồi chứ không phải đến bây giờ mới có".
Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nhiều thị trường đang có nhu cầu nhập cá tra cao, nhất là Mỹ. Vì vậy, dự báo trong năm nay, giá cá tra nguyên liệu sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, nông dân thả nuôi mới cần có sự kiểm soát bởi nếu ồ ạt thả giống, nguồn cung dư thừa thì chu kỳ rớt giá mạnh có thể sẽ lập lại vào đầu năm 2023.
Kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỉ USD
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết bức tranh thị trường xuất khẩu đang "sáng" dần lên. Việc này hy vọng sẽ giúp ngành cá tra khởi sắc hơn trong năm 2022 với sự nỗ lực thích ứng của DN qua cơ chế, quyết sách hỗ trợ linh hoạt của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước. Ông Hòe kỳ vọng năm 2022, các DN xuất khẩu cá tra sẽ đạt kim ngạch 1,7 tỉ USD, tăng 13% so với năm 2021.