A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường vốn và chứng khoán: Kỳ vọng về tính minh bạch và niềm tin

Với mục tiêu giúp thị trường vốn, chứng khoán tăng trưởng ổn định và bền vững, các cơ quan quản lý và chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách theo hướng tăng cường chất lượng và tính minh bạch của các sản phẩm, chủ thể tham gia thị trường trong năm 2023 và những năm kế tiếp.

Năm 2023, năm bản lề của thời kỳ kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025, được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức hơn so với năm 2022, nhất là trong bối ảnh thị trường vốn nói chung, thị trường vốn nói riêng tồn tại nhiều vấn đề cần khắc phục, xử lý.

Những thông tin tiêu cực xuất hiện khiến thị trường chứng khoán trải qua nhiều phiên giao dịch bị tháo mạnh trong năm 2022. Ảnh minh hoạ: Lê Vũ

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thẳng thắn chỉ ra những những tồn tại gồm thị trường chứng khoán dễ bị “thổi” lên; nhiều trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành không có tài sản bảo đảm, lãi suất cao đi kèm rủi ro nhưng không tư vấn cho khách hàng.

Những vấn đề này, theo Thủ tướng, xuất hiện trong quá trình vận động và phát triển do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng “đã có bệnh thì phải chữa”.

“Thị trường thiếu lành mạnh như bệnh ung thư, dù mất mát vẫn phải xử lý các sai phạm để các thị trường phát triển đúng bản chất, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch, giữ ổn định hệ thống, bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan”, Thủ tướng nói và cho biết việc “chữa bệnh thì phải mất thuốc, mất thời gian, mất công sức và phải chờ thời gian để ngấm thuốc mới hồi phục”.

Đồng quan điểm, ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc NHNN, cho rằng trong tình thế khó khăn, những bất cập tích tụ của nền kinh tế đã bộc lộ thông qua diễn biến của TTCK, TPDN và bất động sản thời gian gần đây.

“Những biến động này cho thấy chúng ta cần tiếp tục đi sâu hơn vào câu chuyện cải cách các thị trường. Đây là những thị trường có sự liên hệ mật thiết với nhau bởi tính chất và đặc thù nguồn vốn trung dài hạn”, ông Hà cho biết.

Theo ông Hà, phát triển lành mạnh thị trường cổ phiếu, trái phiếu sẽ tạo ra kênh dẫn vốn trung dài hạn, tạo nguồn vốn bền vững cho thị trường bất động sản. Ngành bất động sản tăng trưởng lành mạnh không chỉ có lợi cho ngành mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa tới nền kinh tế qua nhiều ngành nghề khác nhau. Sự phát triển bền vững của các thị trường này sẽ hỗ trợ động lực phát triển trung, dài hạn của nền kinh tế.

Đây là chủ đề vừa mang tính thời sự, vừa mang tầm chiến lược với tiến trình phát triển kinh tế của một quốc gia.

Củng cố nền tảng để phát triển bền vững

Nhìn lại năm 2022, thị trường chứng khoán (TTCK) bắt đầu xu hướng giảm điểm từ tháng 4-2022, trước khi xuất hiện những nhịp phục hồi vào tháng 5, 8 và 11. Nhưng tính chung cả năm, chỉ số VnIndex vẫn giảm khoảng 35% và hầu hết các chủ thể tham gia TTCK phải chấp nhận thua lỗ.

Thanh khoản thị trường cũng sụt giảm đáng kể, từ mức giao dịch bình quân 31.160 tỉ đồng một phiên trong quý 1-2022 xuống mức thấp nhất trong tháng 11 với giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt 13.017 tỉ đồng, giảm 58,2%. Tính chung từ đầu năm 2022 tới nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 20.368 tỉ đồng một phiên, giảm 23,4% so với bình quân năm 2021.

Kết quả này, theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), xuất phát từ những diễn biến phức tạp và biến động của thị trường quốc tế, trước xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của các nước lớn để kiềm chế lạm phát và nguy cơ suy giảm kinh tế toàn cầu.

Ngoài ra, là tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế – chính trị thế giới và có sự đồng pha với diễn biến trên TTCK thế giới.

Bên cạnh đó, đã xuất hiện một số vụ việc và biểu hiện không lành mạnh trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu, như thao túng thị trường, che giấu thông tin, trục lợi… đã được cơ quan thẩm quyền xử lý quyết liệt, nhằm thanh lọc và minh bạch thị trường. Những vụ việc này, trong ngắn hạn, làm ảnh hưởng mạnh đến TTCK và tâm lý nhà đầu tư.

Với thị trường trái phiếu, thị trường TPDN riêng lẻ ghi nhận sự trầm lắng trong phần lớn thời gian năm 2022 với khối lượng phát hành, thanh khoản giảm mạnh với giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ chỉ đạt gần 330.000 tỉ đồng tính đến cuối tháng 11-2022, giảm hơn 28,5% so với cùng kỳ 2021. Đáng lưu ý, thị trường TPDN riêng lẻ chứng kiến “cú sốc” tâm lý lan rộng trong nửa cuối năm 2022, sau khi nhà đầu tư chứng kiến các vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát.

Niềm tin suy giảm kết hợp với thanh khoản dòng tiền trả nợ trái phiếu của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn đã khiến thị trường này gia tăng rủi ro.

Để hỗ trợ thị trường TPDN và giải quyết khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã có nhiều động thái hỗ trợ. Cuối năm 2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022 về phát hành trái phiếu riêng lẻ theo hướng hỗ trợ cho thị trường cả về bên cung và bên cầu.

Theo dự thảo Nghị định mới, Bộ Tài chính đã đề xuất hoãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tại Nghị định số 65. Mốc thời gian mới để áp dụng quy định này là từ ngày 1-1-2024.

Cơ quan này cũng trình Chính phủ cho phép hoãn thực hiện quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong 1 năm khi phát hành TPDN riêng lẻ và sẽ thực hiện quy định này từ ngày 1-1-2024.

Ngoài ra, bổ sung quy định về việc doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay, hoặc tài sản khác để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật liên quan để doanh nghiệp có thể lựa chọn các phương thức khác nhau trong việc thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT, dự báo những đề xuất sửa đổi – nếu được thông qua – sẽ tác động tích cực lên thị trường TPDN, qua đó tạo ảnh hưởng tích cực lên các lớp tài sản khác như thị trường cổ phiếu.

Theo ông Tuấn, việc giãn thời gian áp dụng quy định xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đến 1-1-2024 là điều tích cực cho thị trường.

“Khi Nghị định 65 có hiệu lực đã làm giảm số lượng nhà đầu tư tham gia, khiến giảm lượng cầu. Đồng thời, thị trường có thời gian đủ dài để thích nghi với quy định mới”, ông Tuấn chia sẻ với báo chí.

Cũng theo ông Tuấn, việc giãn thời gian áp dụng các quy định khó thực hiện trong ngắn hạn sẽ tạo cơ hội giải quyết qua thương lượng, cơ cấu, hoán đổi tài sản đối với các TPDN đến hạn và doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn cũng sẽ giảm nguy cơ vỡ nợ trái phiếu.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, cho rằng Nghị định 65/2022 sẽ tháo gỡ nút thắt huy động vốn thông qua TPDN. Đây cũng là giải pháp ổn định hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và bắt đầu tiến trình cơ cấu lại các thị trường cổ phiếu, trái phiếu và phái sinh theo hướng chuyên nghiệp hóa, theo lộ trình được Chính phủ phê duyệt.

“Quy định cụ thể về thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ giúp phát triển đồng bộ các thị trường tài chính ở Việt Nam. Trong đó, Nghị định 65/2022 sẽ giúp giải quyết các vấn đề tồn đọng để giảm thiểu các rủi ro cho doanh nghiệp và nhà đầu tư; thúc đẩy việc hình thành các định chế đầu tư dài hạn chuyên nghiệp trên thị trường”, ông Hà cho biết.

Với thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết ngành Chứng khoán đã tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, qua đó đã phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm trên TTCK.

“Đây là điều chúng ta làm tốt trong năm qua và được thị trường ghi nhận, góp phần giúp niềm tin trên thị trường được củng cố, tạo tiền đề cho phát triển minh bạch, bền vững hơn”, ông Chi nhấn mạnh.

Cũng theo ông Chi, UBCKNN đã tiếp tục triển khai công tác tái cấu trúc thị trường trong năm 2022, giúp các thành viên thị trường hoạt động một cách an toàn, hiệu quả hơn.

Bên cạnh những giải pháp trên, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) đã chính thức rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán về ngày T+2, giúp nhà đầu tư có thể bán chứng khoán mua ngày T+0 ngay trong phiên giao dịch chiều ngày T+2 thay vì chờ đến ngày T+3 như trước đây.

Việc rút ngắn chu kỳ thanh toán là một điểm cộng cho TTCK Việt Nam năm 2022 và giúp thị trường đến gần hơn với mục tiêu được nâng hạng. Chính sách này giúp nhà đầu tư cải thiện vòng quay giao dịch cổ phiếu, chủ động hơn trong chiến lược đầu tư, kịp thời hiện thực hóa lợi nhuận, hoặc giảm thiểu thiệt hại tùy theo diễn biến của thị trường.

Chung tay tháo gỡ khó khăn, khôi phục niềm tin nhà đầu tư

Với bối cảnh năm 2023, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của BIDV, dự báo thanh khoản của thị trường TPDN và rủi ro liên thông giữa thị trường này với thị trường tiền tệ và thị trường tài sản sẽ là rủi ro mang tính trọng yếu của giai đoạn 2023-2024.

Theo ông Lực, việc siết lại tiêu chuẩn về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng tại Thông tư 16/2021 và Nghị định 65/2022 khiến thị trường đối mặt với những điều chỉnh mạnh. Vì vậy, Chính phủ nên cho phép sửa đổi quy định pháp luật với mức độ cân bằng, phù hợp giữa kiểm soát rủi ro và hỗ trợ phát triển lành mạnh.

Với Bộ Tài chính và UBCKNN, ông Lực kiến nghị hai cơ quan này sớm phát triển các sản phẩm chứng khoán phái sinh mới như hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu khác, hợp đồng tương lai trên cổ phiếu đơn lẻ, hợp đồng quyền chọn… nhằm đa dạng hóa sản phẩm, qua đó khắc phục hạn chế của hợp đồng tương lai chỉ số VN30, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Với thị trường chứng khoán, chuyên gia này cho rằng niềm tin của nhà đầu tư đang giảm mạnh do những tác động tiêu cực từ khó khăn của kinh tế thế giới và Việt Nam, những vụ việc vi phạm pháp luật, khởi tố, bắt tạm giam lãnh đạo của một số doanh nghiệp lớn, các biện pháp chấn chỉnh TTCK và BĐS thời gian qua, một số thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.

Bối cảnh này khiến nhiều nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang những kênh đầu tư ít rủi ro hơn như tiền gửi ngân hàng, khiến thanh khoản thị trường sụt giảm. Những yếu tố trên, đã tạo ra vòng xoáy tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư cá nhân và kéo giá cổ phiếu tiếp tục giảm sâu, theo ông Lực.

Để tháo gỡ khó khăn, chuyên gia này cho rằng trước hết phải minh bạch thông tin và đưa ra những thông điệp mạnh mẽ về định hướng quản lý, phát triển thị trường. Tiếp theo, sớm giải quyết dứt điểm các vụ việc liên quan.

Ngoài ra, có phương án cụ thể, khả thi cho thị trường trái phiếu thời gian tới.

Bên cạnh đó, cần sớm có giải pháp xử lý các ngân hàng yếu kém, tránh để rủi ro lan truyền giữa chứng khoán, bất động sản và ngân hàng.

Cũng theo ông Lực, Nhà nước cần khơi thông các nguồn vốn, cụ thể là đẩy nhanh hơn nữa Chương trình phục hồi kinh tế 2022 – 2023, thúc đẩy giải ngân đầu tư công và hết sức quan tâm tới pháp lý cho hàng nghìn dự án bất động sản đang tồn đọng trên cả nước.

Còn bà Vũ Thị Chân Phương, Phó chủ tịch UBCKNN, cho biết cơ quan này đang và sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp trong thời gian tới.

Về pháp lý và thể chế, UBCKNN đang rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc, từ đó khôi phục niềm tin và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của TTCK.

Về thanh tra và giám sát, UBCKNN sẽ tăng cường giám sát các công ty chứng khoán thực hiện đúng và đầy đủ vai trò là chủ thể giám sát tuyến đầu để kịp thời ngăn ngừa và phát hiện sớm các vi phạm trên thị trường. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, giám sát; hoàn thiện và đưa vào sử dụng Hệ thống giám sát giao dịch nâng cấp với các tính năng phân tích, cảnh báo, thống kê; kết nối các cơ sở dữ liệu dùng chung với Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán khi hệ thống công nghệ thông tin mới được đưa vào sử dụng.

Về tổ chức thị trường, việc đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin KRX sẽ tạo điều kiện triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới trên TTCK và bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, liên tục, an toàn, hiệu quả. UBCKNN cũng chỉ đạo các bên liên quan chuẩn bị nền tảng giao dịch TPDN chào bán riêng lẻ nhằm phát triển một thị trường giao dịch TPDN thứ cấp minh bạch, an toàn.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tái cấu trúc TTCK, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường thông qua việc tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng phê duyệt.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :