A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tháng 10, khối ngoại tiếp tục rút ròng mạnh khỏi TTCK Việt Nam

Tính trên cả hai sàn (HOSE và HNX), các nhà đầu tư nước ngoài (khối ngoại) đã rút ròng hơn 2,300 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong tháng 10.

Dữ liệu từ VietstockFinance ghi nhận, trong tháng 10, khối ngoại đã rút ròng 2,677 tỷ đồng trên HOSE, qua đó xác lập chuỗi 7 tháng liên tiếp “tháo chạy” kể từ tháng 4/2023. Mặc dù lực bán đã giảm so với mức kỷ lục của tháng trước (4,264 tỷ đồng), nhưng lũy kế 10 tháng đầu năm, giá trị bán ròng của khối ngoại đã lên đến 10,718 tỷ đồng.

Song, các nhà đầu tư nước ngoài lại hành động ngược, mua ròng 343 tỷ đồng trên HNX trong tháng 10, đưa giá trị mua ròng lũy kế 10 tháng đầu năm 2023 tiến lên hơn 2,300 tỷ đồng. 

Sự rút lui của khối ngoại song hành với diễn biến kém tích cực của chỉ số VN-Index trong tháng 10. Trong nửa thời gian đầu của tháng 10, chỉ số đi lên trong nghi ngờ với thanh khoản cực thấp, lúc này nguy cơ đảo chiều cũng được cảnh báo; và thực tế nửa sau tháng 10 là chuỗi ngày lao dốc của chỉ số VN-Index. Bán tháo diễn ra trên diện rộng vào ngày 26/10, khi sự bi quan lên đến đỉnh điểm, thổi VN-Index bay mất hơn 46 điểm, xác lập phiên giảm điểm mạnh thứ 2 trong năm, chỉ sau phiên ngày 18/08 (giảm 55.49 điểm).

Theo lý giải của Dragon Capital, việc cổ phiếu VICVHM nằm sàn từ sớm, cộng với thông tin tập đoàn bất động sản Country Garden của Trung Quốc có thể đã vỡ nợ (theo nguồn tin thân cận của Bloomberg cho biết ngày 25/10) đã kích hoạt tâm lý lo sợ trên thị trường, dẫn đến bán tháo trên diện rộng.

Diễn biến của VN-Index trong tháng 10/2023

Nguồn: VietstockFinance

Kết phiên 31/10, chỉ số VN-Index dừng ở mức 1,028.19 điểm, sụt 10.9% so với đầu tháng và trở về vùng giá được xác lập hồi đầu tháng 3. Như vậy, phải mất khoảng 190 ngày, để VN-Index chạm được mốc cao nhất 1,245 điểm (12/09); nhưng chỉ cần hơn 1/4 thời gian này, tức khoảng 49 ngày, VN-Index đã rơi lại vùng 1,028 điểm. Điều này chẳng khác gì việc leo núi, ban đầu người leo có thể kiên nhẫn và dùng thể lực hiện có, cuốc bộ từ chân lên đỉnh núi. Nhưng thể lực yếu, sức bền chạm giới hạn vì không phải là vận động viên chuyên nghiệp, nên chọn cách đi cáp treo về chân núi. Giúp họ đỡ mệt mà nhanh hơn, đổi lại họ sẽ phải trả giá (tiền vé). 

Trên thế giới, TTCK Mỹ cũng giao dịch kém hiệu quả, các chỉ số chủ chốt như Dow Jones và S&P 500 đều lao dốc từ 2-3% so với đầu tháng. Điều này diễn ra trong bối cảnh lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng vọt, vượt mức 5% lần đầu tiên kể từ 7/2007, do lo ngại về thâm hụt ngân sách cũng như suy thoái kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ - bà Janet Yellen đã bác bỏ những lo ngại trên và cho biết lợi suất trái phiếu dài hạn tăng mạnh gần đây cho thấy niềm tin vào kinh tế Mỹ và đồn đoán về lãi suất sẽ được duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn.

Ngày 2/11 tới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có cuộc họp để đưa ra quyết định lãi suất tiếp theo. Thị trường nghiêng về phía Fed sẽ giữ nguyên lãi suất (Fed funds rate) trong biên độ từ 5.25%-5.5%.

Tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc vẫn vật lộn với thị trường bất động sản đang lâm nguy. Giá nhà mới ở 70 thành phố (trừ nhà ở có trợ cấp) tiếp tục sụt giảm trong tháng 9 (giảm 0.3% so với tháng 8) bất chấp nhiều biện pháp kích thích được tung ra. Mới đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã bơm ròng 289 tỷ Nhân dân tệ (39.6 tỷ USD) vào hệ thống tài chính thông qua các khoản cho vay chính sách kỳ hạn 1 năm, đây là mức lớn nhất từ 12/2020. Dù vậy, chỉ số Shanghai Composite đã giảm 3% so với đầu tháng.

Trở lại TTCK Việt Nam, các quỹ chỉ số giao dịch khá thận trọng. Theo số liệu tổng hợp từ VNDirect Research, từ đầu tháng 10 đến hết ngày 27/10, các ETF nội như DCVFM Diamond hay DCVFMVN30 hầu như bán ròng, lần lượt là 558.5 tỷ đồng và 39 tỷ đồng. Ở nhóm ETF ngoại, VanEck Vietnam ETF giao dịch lưỡng lự, nhưng Fubon FTSE Vietnam ETF lại chứng kiến lực mua khá lớn (lũy kế đến hết 27/10, đạt hơn 707 tỷ đồng).

Cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trên HOSESTB, giá trị 702 tỷ đồng, xếp sau là cổ phiếu DGC, VHM. Chiều bán, cổ phiếu MWG bị khối ngoại xả mạnh nhất, giá trị bán ròng ở mức 942 tỷ đồng, xếp sau là MSN, VPBVIC.

Bộ đôi thuộc họ Vingroup là VHMVIC thu hút được đông đảo sự quan tâm của nhà đầu tư trong thời gian qua, sau khi Vingroup phát hành lô trái phiếu có thể hoán đổi trị giá 300 triệu USD với thời gian đáo hạn vào năm 2028, lãi coupon dao động từ 9.5%-10%. Các trái phiếu này có thể hoán đổi thành cổ phiếu VHM ở mức giá từ 51,000 đồng đến 53,000 đồng/cổ phiếu.

Theo Dragon Capital, các nhà đầu tư vào trái phiếu hoán đổi thông thường sẽ vay mượn một lượng cổ phiếu được hoán đổi (trong trường hợp này là VHM) để bán ra thị trường như một công cụ phòng vệ (hedge) trước các rủi ro thị trường. Điều này lý giải cho việc cổ phiếu VHM bị khối ngoại bán mạnh phiên 26/10.

Trên HNX, khối ngoại mua ròng nhiều nhất cổ phiếu IDC (403 tỷ đồng), xếp sau là cổ phiếu PVS (161 tỷ đồng). Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất 2 cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán là SHS (174 tỷ đồng) và PSI (78 tỷ đồng).

Cổ đông chiến lược Nhật Bản của PSI là SMBC Nikko Securities Inc. (tên cũ là Nikko Cordial Securities Inc.), đã thoái toàn bộ hơn 8.91 triệu cp PSI (tương đương 14.9%) vào ngày 6/10, qua đó không còn là cổ đông của PSI.

Xét theo chu kỳ lớn, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Khối chứng khoán của Dragon Capital, TTCK Việt Nam đang trong giai đoạn hồi phục với yếu tố lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, thanh khoản bắt đầu nới lỏng, các giải pháp tránh đổ vỡ đã được thực hiện. Song, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp là vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay.

Trong phần trình bày tại “Investor Day quý 3/2023” do Dragon Capital tổ chức, ông Tuấn cho biết, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp 2 quý cuối năm ước tính đạt 25%, do mức nền thấp cùng kỳ. Đến năm 2024, tăng trưởng lợi nhuận có thể dao động từ 16-20%.

Tại Hội nghị Nhà đầu tư 2023 vào đầu tháng này, bà Nguyễn Hoài Thu – Tổng Giám đốc Điều hành Quỹ đầu tư Chứng khoán VinaCapital cho biết, TTCK Việt Nam có mức định giá hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á, với P/E dự phóng năm 2024 là 8.8 lần.

Còn về tăng trưởng lợi nhuận, vị chuyên gia từ VinaCapital cho biết tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp năm 2023 không quá hấp dẫn (ước tính quanh 0.6%), nhưng đã qua đáy. Nhìn tổng thể toàn thị trường dựa trên rổ phân tích của VinaCapital, ước tính tăng trưởng lợi nhuận cả năm 2024 ở mức 25%.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :