PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Các thị trường đầu tư sẽ có nhiều cơ hội để bật lên trong dài hạn
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế cũng đã có một số nhận định ảnh hưởng của động thái tăng lãi suất điều hành thêm 1% vào chiều tối 24/10 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như dự báo dòng vốn đầu tư trong thời gian tới.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế |
Thưa ông, động thái tiếp tục tăng lãi suất điều hành thêm 1% của NHNN vào chiều tối ngày 24/10 sẽ gây ra tác động gì đến nền kinh tế Việt Nam?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Thực tế, việc điều hành tỷ giá, lãi suất và các công cụ tiền tệ khác để từ đó có thể giữ ổn định kinh tế vĩ mô là một trong những đòi hỏi rất quan trọng từ phía NHNN. Và trong điều kiện Chính phủ các nước trên thế giới đều tăng lãi suất cực kỳ mạnh mẽ. Đặc biệt là đồng USD, từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất từ 0-0.25% lên thành 3-3.25%, tức đã nâng lên 3 điểm phần trăm. Đây là con số quá lớn.
Rõ ràng, khi các NHTW nâng lãi suất lên và đang tạo ra khoảng cách giữ lãi suất USD nói riêng với VND và giữa các đồng tiền như EUR, Yên (Nhật), Nhân dân tệ (Trung Quốc)…với VND cũng ngày càng lớn. Cho nên Việt Nam cũng phải xem xét để tăng lãi suất.
Trước đây, Thủ tướng có yêu cầu không tăng lãi suất, nhưng đây là điều rất khó cho các ngân hàng. Vì các ngân hàng tăng lãi suất nhưng nhà đầu tư nước ngoài tính lợi tức đầu tư trên lãi suất của VND. Tất nhiên, đây chỉ là lợi tức đầu tư ngắn hạn, nhưng nếu Việt Nam để khoảng cách lớn thì nhà đầu tư nước ngoài cho rằng lợi tức đầu tư Việt Nam kém, họ sẽ không đầu tư. Đây là nguy cơ mà chúng ta sẽ ngày càng ít dòng vốn đầu tư nước ngoài, kể cả trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam. Điều này sẽ làm cho dòng vốn vào Việt Nam yếu đi, tăng trưởng của Việt Nam cũng sẽ yếu đi trong dài hạn.
Cho nên, Việt Nam cũng phải tăng lãi suất theo và việc này còn phải phụ thuộc vào yêu cầu của cơ quan quản lý.
Ông dự báo gì về biến động tỷ giá trong thời gian tới?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Khi Mỹ tăng lãi suất thì đồng USD lên giá so với các đồng tiền khác và so với bản thân nó, bởi vì chỉ số USD-Index từ khoảng 92 – 93 điểm đã tăng lên 114 điểm. Rõ ràng, đồng USD mạnh lên, gây áp lực mất giá cho các đồng tiền còn lại, trong đó có cả VND.
Nếu Việt Nam không nâng lãi suất, thì áp lực mất giá càng lớn, vì thế việc nâng lãi suất là việc đương nhiên.
Còn NHNN muốn giữ ổn định tỷ giá USD/VND thì ngoài lãi suất ra còn nhiều khía cạnh khác phải can thiệp bằng việc bán ngoại tệ để giữ ổn định tỷ giá, thực hiện nới biên độ mua bán đồng USD hay giảm giá VND một cách phù hợp.
Nếu tỷ giá USD/VND thấp thì NHTM cũng khó mua, người xuất khẩu có USD cũng không muốn bán vì thấp quá. Nhưng doanh nghiệp nhập khẩu lại được hưởng lợi bởi vì rõ ràng nếu tỷ giá thấp thì nhà nhập khẩu lúc đó sẽ mua bán có lợi hơn.
Trên thực tế, các doanh nghiệp sản xuất tại việt Nam vừa có mảng xuất khẩu vừa nhập khẩu. Tỷ trọng nhập khẩu của các doanh nghiệp này cũng tương đối lớn để sản xuất kinh doanh. Thực tế, mức độ tăng tỷ giá hoặc giảm tỷ giá cũng bị triệt tiêu nhiều bởi yếu tố một doanh nghiệp vừa xuất khẩu vừa nhập khẩu. Cho nên đây, là việc mà NHNN cũng phải tính toán, để lúc USD mạnh lên thì tỷ giá USD/VND cũng phải điều chỉnh tăng. Nhưng sau đó, khi USD chững lại, hoặc đi xuống thì NHNN cũng phải hạ xuống.
Và như vậy, hy vọng từ nay đến cuối năm nếu đưa về mức 2-3% thì tốt, còn nếu khoảng 4-5% thì vẫn coi là thắng lợi bởi vì đồng Bath (Thái Lan) mất giá gần 16%... rõ ràng VND mất giá 4% được xem là một thắng lợi.
Khi lãi suất tăng thì ngành nào sẽ được hưởng lợi và ngành nào sẽ bị ảnh hưởng?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Khi đã tăng lãi suất thì tất cả các ngành nghề trong nền kinh tế đều gặp thiệt hại. Bởi vì lúc đó, chi phí vốn tăng cao lên, doanh nghiệp nào đi vay thì đều phải chịu lãi suất cao, chi phí vốn lớn.
Tất nhiên, có những doanh nghiệp được lợi, là những doanh nghiệp có dư tiền mặt gửi vào ngân hàng, họ sẽ được lợi bởi vì lãi suất tiền gửi sẽ cao lên. Dù vậy, doanh nghiệp được hưởng lợi ích từ lãi ngân hàng không lớn mà chủ yếu là người gửi tiền tiết kiệm.
Còn đã là doanh nghiệp, họ phải đưa vốn vào sản xuất kinh doanh để quay vòng vốn. Hầu hết, doanh nghiệp gặp khó khăn, bởi vì nếu vay tiền để sản xuất kinh doanh, đều phải chịu lãi suất vay cao.
Cũng phải nói thêm rằng, mặc dù lãi suất điều hành tăng cao, hy vọng là mặt bằng lãi vay tăng không cao. NHNN sẽ có các biện pháp như thị trường mở, lãi suất qua đêm thấp, lúc đó tạo thanh khoản cho các ngân hàng có được khoản tiền chi phí thấp, để trung hòa với lãi huy động cao, cũng có thể có khả năng chịu đựng để giữ ổn định lãi suất cho vay.
Liệu sẽ có thêm đợt nâng lãi suất điều hành từ NHNN nữa hay không?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Tôi hy vọng rằng sẽ không có. Bởi vì mức nâng 2 lần liên tục trong vòng 1 tháng như vừa rồi là nhiều rồi. Tuy nhiên, sự chủ động linh hoạt và thích ứng của ngân hàng cũng như của nền kinh tế với những thay đổi của thế giới. Nó đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên theo dõi và chủ động linh hoạt, áp dụng các biện pháp để giữ ổn định nền kinh tế.
Đây là ổn định chứ không phải cố định, hy vọng NHNN sẽ không tăng lãi suất điều hành nữa nhưng điều này lại còn phải phụ thuộc vào tình hình chung của thế giới. Nếu Fed tiếp tục nâng lãi suất trong kỳ họp kế tiếp thì lại là vấn đề khác.
Thị trường bất động sản và chứng khoán đang chững lại, vậy dòng vốn đầu tư có chảy vào ngân hàng khi lãi suất tăng lên hay không?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Lãi suất ngân hàng tăng cũng là động lực hút nguồn vốn vào ngân hàng. Tuy nhiên, lượng tiết kiệm vào ngân hàng không quá lớn, nhưng trong lúc thị trường bất động sản và chứng khoán đang có nhiều biến động và trì trệ thì dòng vốn vào ngân hàng để hưởng lãi cũng vẫn tăng lên. Đó cũng là kênh đầu tư tương đối tốt và an toàn.
Nhưng xét về lâu về dài, tôi cho rằng trong 2 tháng còn lại năm 2022 và sang đầu năm 2023, thị trường sẽ có nhiều cơ hội bật lên.
Thứ nhất, việc phát hành trái phiếu theo Nghị định 65 sẽ được các doanh nghiệp chỉnh lý lại và họ sẽ phát hành được, do đó thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ ấm lên.
Thứ hai, thực tế thị trường chứng khoán sụt giảm rất mạnh, bây giờ đang về gần mốc của tháng 3/2021, thủng mốc 1,000. Rõ ràng với kinh tế phát triển và tăng trưởng mạnh thì giá trị doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên, cổ phiếu sẽ ấm lên, thì thị trường chứng khoán sẽ có cơ hội tăng trưởng trong 2 tháng còn lại và 2023.
Còn thị trường bất động sản có lẽ sẽ phải sau một thời gian nữa. Khi nền kinh tế tốt hơn, tái cấu trúc trong lĩnh vực bất động sản có thay đổi tốt hơn, nhu cầu cũng như thu nhập của người dân tăng cao, thì việc mua sắm bất động sản mới tăng lên. Nhưng quan trọng nhất là phải tái cấu trúc được thị trường bất động sản.
Xin cám ơn ông!